Kiểm toán báo cáo tài chính là quá trình xem xét, đánh giá và xác nhận tính hợp pháp và trung thực của các Báo cáo tài chính của các đơn vị thuộc NHTW hay toàn bộ NHTW.
Đối tượng của kiểm toán tài chính là hệ thống kế toán. Khi kiểm toán báo cáo tài chính, ranh giới giữa kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ trong lĩnh vực kế toán – tài chính không còn rõ ràng nữa. Hệ thống kế toán là các thủ tục được dùng để thu thập, xử lý và tổng hợp số liệu tài chính tại đơn vị. Nó thể hiện quá trình tuân thủ luật pháp, chính sách hạch toán kế toán, chính sách tài chính và các cơ chế, thủ tục của Ngành. Để đảm bảo số liệu chính xác và hợp pháp, hệ thống kể toán phải tuân thủ mọi nguyên tắc, chế độ quy định.
Báo cáo tài chính của NHTW bao gồm: Bảng cân đối tài khoản kế toán, bảng cân đối kế toán (cho biết tài sản có, tài sản nợ, vốn và thu nhập của ngân hàng); Báo cáo thực hiện thu nhập – chi phí năm (cho biết kết quả hoạt động kinh doanh trong năm, kể cả lãi và lỗ); Báo cáo tình hình biến động quỹ ngoại hối, quỹ thực hiện chính sách tiền tệ và khoản dự phòng; Báo cáo về các chính sách kế toán quan trọng được đơn vị sử dụng để xác định giá trị tài sản có và thu nhập; Thuyết minh báo cáo tài chính; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ…
Cơ sởđể thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của NHTW là các chính sách
Các chính sách chủ yếu thường được NHTW các nước quy định là: cơ sở kế toán – các tài khoản được lập trên cơ sở giá trị thực; các nguyên lý của việc tổng hợp; chính sách về đánh giá lại chứng khoán và hạch toán chênh lệch giá chứng khoán; chính sách về giao dịch, hạch toán ngoại tệ, đánh giá lại ngoại tệ; chính sách về hạch toán vàng, đánh giá lại vàng; chính sách về hạch toán mua sắm, khấu hao, thanh lý và đánh giá lại tài sản cố định.
Chính sách kế toán phải được quán triệt thực hiện đối với mọi tài khoản và từng sự thay đổi nhỏ của những chính sách này cũng phải được thông báo để xác định rõ cách hạch toán.
Tiêu chuẩn kế toán thường được quy định:
+ Báo cáo thu nghiệp vụ: phải có kế hoạch thu nghiệp vụ và báo cáo từng nguồn thu cụ thể để đánh giá hiệu quả hoạt động. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không chú trọng đến tiêu chuẩn này, vì vậy hàng năm kế hoạch thu nghiệp vụ không được kiểm tra thực hiện.
+ Báo cáo tài chính theo khu vực: nhằm cung cấp cho người sử dụng báo cáo tài chính có được những thông tin cần thiết để hiểu được những rủi ro và các điều kiện tác động đến các đơn vị hạch toán. (Ví dụ: những báo cáo về tình hình kinh tế địa phương ảnh hưởng đến bội thu, bội chi tiền mặt của Chi nhánh; những yếu tố làm cho thu phí dịch vụ của Chi nhánh giảm thấp so với cùng kỳ…).
+ Tiêu chuẩn về xác nhận của của bên liên quan: phải là các chứng từ gốc như hợp đồng, biên bản, các chứng từ có liên quan khác để đối chiếu số liệu với sổ sách kế toán xem việc hạch toán, theo dõi có đầy đủ đúng tính chất không.
Khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính phải kiểm tra, đánh giá công tác kiểm soát kế toán, một khâu quan trọng của quá trình kiểm soát nội bộ.
Như vậy, hoạt động kiểm toán nội bộ NHTW rất đa dạng, khác với Kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập ở chức năng đánh giá độ tin cậy của hệ thống kiểm soát nội bộ. Vì vậy, khi tiến hành một cuộc kiểm toán, KTNB NHTW có thể
đề cập một trong ba loại hoặc cả ba loại kiểm toán: kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động.