III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG VỚI SỰ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ MỰC NƯỚC
3.3. TÀI CHÍNH
Nhiều quốc gia trên thế giới có rất nhiều nguồn quỹ phục vụ cho các cơ chế làm sạch toàn cầu. Việt Nam chưa dành đủ sự quan tâm cần thiết và chưa có kế hoạch tốt đối phó với vấn đề này. Do đó, chưa tận dụng được nguồn vốn toàn cầu sẵn có. Theo các chuyên gia nước ngoài, hiện nay Việt Nam đang bị tụt lại so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan trong việc tiếp cận các nguồn quỹ dành cho các hoạt động chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và phát triển sạch. Để tiếp cận những nguồn vốn đó, Việt Nam cần có một kế hoạch tốt và một cam kết mạnh mẽ. Xây dựng danh mục các dự án và hành động ưu tiên để đầu tư.
Trong lĩnh vực môi trường, đã có nhiều hình thức tài chính hỗ trợ cho việc triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường như Chương trình Tín dụng xanh do các ngân hàng tại Việt Nam cung cấp, Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, Quỹ Tín dụng Xanh do Chính phủ Thuỵ Sĩ tài trợ, Quỹ DANIDA của Chính phủ Đan Mạch, Chính phủ Hà Lan, Quỹ Môi trường toàn cầu, Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra còn có rất nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế khác triển khai các hoạt động nghiên cứu và thích ứng với biến đổi khí hậu huy động từ nhiều nguồn phi chính phủ, tư nhân khác. Cần đa dạng hóa các hình thức cho vay, hỗ trợ vốn, cho vay với lãi suất ưu đãi, tài trợ hoặc cho vay có hoàn trả; thế chấp tài sản để thực hiện các chương trình, đề án, dự án thử nghiệm, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, xóa đói giảm nghèo...Trong tương lai, Việt Nam có thể thành lập các quỹ thích ứng với biến đổi khí hậu để tài trợ cho các dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Gần đây, việc nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu ở các vùng ven biển miền Trung và hai Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đã được khởi xướng với nhiều dự án nghiên cứu bắt đầu triển khai. Cần tiếp tục triển khai nhiều dự án thích ứng với biến đổi khí hậu ở những nơi phải hứng chịu nhiều thiệt hại và người dân còn nghèo. Các hoạt động của dự án nên tập trung ở cấp địa phương và được gắn kết hoặc lồng ghép với những dự án hỗ trợ đang được triển khai của các nhà tài trợ và các Tổ chức phi chính phủ quốc tế dành cho các các cộng đồng về lĩnh vực sẵn sàng và ứng phó với hạn hán, lũ lụt và bão với mục tiêu là tạo cho người dân nguồn sinh kế bền vững.
Các giải pháp tài chính mới có thể giúp con người đối mặt với các rủi ro do biến đổi khí hậu như bảo hiểm, bảo trợ xã hội, y tế và giáo dục. Mức bảo hiểm xã hội ở các nước giàu thường rất cao, trong khi người nghèo ở các nước đang phát triển đều không
có. Bảo hiểm rủi ro do biến đổi khí hậu có thể là một tấm lá chắn giúp những người bị ảnh hưởng có thể đương đầu với rủi ro mà không làm mất đi các cơ hội phát triển.