III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG VỚI SỰ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ MỰC NƯỚC
3.4. NÂNG CAO NĂNG LỰC, GIÁO DỤC VÀ TRUYỀN THÔNG
Biện pháp quan trọng khác nữa là cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí hậu và biến đổi khí hậu ở Việt Nam để có cách thích ứng với biến đổi khí hậu (sống chung với bão, lũ,...). Với người dân địa phương ở một số nơi dễ tổn thương nhất thì vấn đề biến đổi khí hậu vẫn là một chuyện quá xa vời, vì vậy cần tăng cường tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi cho người dân để họ nhận thức được khí hậu không phải là vấn đề ‘hàn lâm’ mà thực tế nó có tác động rất lớn đến cuộc sống, là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của con người. Qua những hoạt động này, nhận thức và sự hiểu biết của người dân về các vấn đề biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ tăng lên và góp phần thay đổi hành vi của họ với môi trường như tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên nước, bảo vệ rừng ngập mặn, trồng và bảo vệ các loại rừng phòng hộ ven biển…Đây có thể coi là những bước ban đầu để chuẩn bị năng lực cho người dân ở những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.
Các hoạt động nhằm đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà ra quản lý, các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định ở các cấp địa phương cũng cần được đẩy mạnh. Củng cố năng lực để xây dựng và thực hiện các chiến lược thích ứng cho cộng đồng thông qua phòng chống thiên tai, lồng ghép với phòng và giảm thiểu rủi ro, thiệt hại vào các kế hoạch phát triển ở địa phương.
Nhận thức của công chúng về biến đổi khí hậu được xem như một trong những chiến lược then chốt để dẫn đến chuyển biến của toàn xã hội sẵn sàng cho những hành động ứng phó. Chúng ta có thể trông đợi vào công nghệ, chính sách, nhưng điều quan trọng hơn cả là cần phải có những thay đổi trong lối sống và hành vi. Xây dựng một kênh truyền thông riêng nhằm cung cấp thông tin đầy đủ nhất về các vấn đề biến đổi khí hậu nghiêm trọng là một giải pháp đối với nước ta. Truyền thông báo chí sẽ đóng vai trò quan trọng để nâng cao nhận thức của công chúng cũng như tác động đến các nhà hoạch định chính sách. Báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình cũng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Các báo nên có chuyên mục về riêng về các vấn đề môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu, trong khi truyền hình và phát thanh đã có các chuyên mục này. Các bản tin dự báo cũng cần được đưa đến công chúng một cách nhanh chóng và chính xác hơn. Ngoài ra, cũng cần xem xét việc đưa các vấn đề về biến đổi khí hậu vào các chương trình giảng dạy để học sinh nắm bắt được những kiến thức cơ bản từ đó có thái độ và hành động đúng với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Các trường học cũng có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về thiên nhiên như tổ chức các hình thức tham quan, cắm trại tại các khu bảo tồn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường và đưa ra các sáng kiến về bảo vệ nguồn nước, biển, bảo vệ rừng và các hệ sinh thái ven biển, phát động các chiến dịch trồng cây, trồng rừng phòng hộ...