III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG VỚI SỰ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ MỰC NƯỚC
3.2. KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Các kết luận khoa học chính là cơ sở cho việc hoạch định các quy hoạch, chiến lược và chính sách cho sự phát triển bền vững. Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã thành lập các nhóm chuyên gia bao gồm các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học của các đơn vị có liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu liên
quan trong nước để thực hiện các nghiên cứu, dự án về biến đổi khí hậu; xây dựng các Kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam giai đoạn 2010 – 2070; xây dựng và đánh giá các phương án giảm nhẹ khí nhà kính và đề xuất các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, hoàn thành và gửi Thông báo quốc gia lần thứ nhất về biến đổi khí hậu của Việt Nam cho Ban Thư ký Quốc tế UNFCCC; kiểm kê khí nhà kính ở Việt Nam và đang thực hiện Thông báo Quốc gia lần thứ hai. Trong thời gian tới, Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho các chương trình nghiên cứu nhằm giảm nhẹ và thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu, các chương trình nghiên cứu và đánh giá tính tổn thương của các hệ sinh thái, các vùng ven biển, xây dựng các kịch bản ngập lụt ở các vùng cửa sông, ven biển thấp, các kịch bản nước biển dâng cho Việt Nam cho giai đoạn 2010-2100. Các chương trình cần được kết nối với các chương trình quốc tế và khu vực để có thể tiếp nhận thành quả nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu có uy tín trên thế giới và tiếp nhận sự trợ giúp quốc tế. Cần xây dựng các cơ chế hợp tác về chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy R&D, xóa bỏ những rào cản trong quá trình chuyển giao công nghệ như thủ tục, quyền sở hữu trí tuệ, tài chính…
Tiếp tục nghiên cứu các ảnh hưởng của những biến động thời tiết, gián tiếp tác động đến nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn, tăng xói lở do ảnh hưởng do nhiệt độ, lượng mưa, bão và lũ. Nghiên cứu về ảnh hưởng của ENSO đến chế độ thời tiết và đặc trưng khí hậu ở nhiều vùng của Việt Nam.
Tiếp tục triển khai nghiên cứu khoa học và hoàn thiện công nghệ theo hướng khai thác và ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực dự báo bão, sóng biển, dự tính thuỷ triều, nước dâng do bão. Tăng cường đổi mới và nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho các mô hình dự báo để tạo ra các thông tin đủ tin cậy có thể phục vụ cho công tác xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới trong khai thác ảnh vệ tinh, viễn thám trong giám sát và quan trắc môi trường biển. Nâng cấp và mở rộng hệ thống trạm quan trắc, cảng dự tính thuỷ triều, trạm khí tượng hải văn ở vùng ven biển và hải đảo.
Nghiên cứu khoa học công nghệ mới không chỉ giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (có tác động lâu dài) mà còn giúp kịp thời, chủ động ứng phó với quá trình biến đổi của khí hậu, giảm tác động bất lợi đến đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời tận dụng được những cơ hội thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế mới mà môi trường mang lại.
Để ứng phó với mực nước biển đang dâng cao, bên cạnh việc quy hoạch lại đất đai, tài nguyên nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường và triển khai áp dụng các công nghệ quan trắc, giảm thiểu ô nhiễm, phòng chống và cảnh báo thiên tai phải thực hiện đo đạc độ lún tại các vùng nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển. Kết hợp đo được độ lún và đo mức nước biển dâng để xây dựng một kịch bản chuẩn cho riêng Việt Nam.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nghiên cứu và tìm ra các giống cây trồng mới chịu mặn và hạn hán, tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên nước, triển khai các hệ thống
tưới tiêu tiết kiệm nước và phân bổ lượng nước hợp lý. Thay đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp thích ứng với môi trường.
Nghiên cứu tiêu chuẩn đê biển và giải pháp kỹ thuật đê biển. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ phục vụ củng cố, bảo vệ các tuyến đê, kè biển và cửa sông, xử lý xói lở. Củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển, đê sông tạo thành các tuyến đê khép kín, kết hợp với làm đường giao thông vành đai ven biển nhằm bảo vệ dân sinh, cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tăng cao các tiêu chuẩn thiết kế của các hệ thống đê này để có thể chống chịu được với bão lớn (cấp 9-12) kết hợp với triều cường và có tính đến tương lai nước biển dâng. Trồng cây dọc theo các tuyến đê để chắn sóng và gia cố đê.