IV Mối quan hệ giữa tạo lập, thu hút và sử dụng vốn đầu tư
3. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài
3.1. Nguồn ODA
Những mặt được chủ yếu trong sử dụng ODA từ năm 2001 tới nay là:
Nguồn vốn ODA đã bổ sung một phần quan trọng cho ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển, chiếm khoảng từ 22% đến 25% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần vốn ODA cho vay lại từ ngân sách nhà nước).
Những công trình quan trọng được tài trợ bởi ODA đa góp phần cải thiện cơ bản và phát triển một bước cơ sở hạ tầng kinh tế, trước hết là giao thông vận tải và năng lượng điện, góp phần khơi dậy nguồn vốn trong nước và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.
Thông qua các dự án ODA, hệ thống đường bộ được phát triển đáng kể từ quốc lộ 1A, 10, 18, 9, đường xuyên Á (đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài), các cầu lớn (Mỹ Thuận, Cần Thơ, Thanh Trì, Bính...); nâng cấp và mở rộng các cảng biển như Cái Lân (Hải Phòng), Sài Gòn, Tiên Sa (Đà Nẵng), xây dựng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, phát triển giao thông nông thôn ở hầu hết các tỉnh...
Nguồn vốn ODA đã đầu tư phát triển ngành điện bao gồm phát triển nguồn điện (các dự án Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2-1, Ô Môn, Phả Lại 2, Hàm Thuận - Đa My, Đại Ninh, Đa Nhim) và phát triển hệ thống đường dây 500 kV Plâyku - Nhà Bè, gần 50 trạm biến áp của cả nước, cải tạo nâng cấp mạng lưới điện thành thị và nông thôn ở trên 30 tỉnh và thành phố.
ODA đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp xoá đói giảm nghèo. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua các dự án
phát triển nông nghiệp và nông thôn, kết hợp xoá đói giảm nghèo, trong đó nguồn vốn ODA đã giúp nông dân nghèo tiếp cận nguồn vốn vay để tạo ra các ngành nghề phụ, hỗ trợ phát triển công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, phát triển giao thông nông thôn, thuỷ lợi, cung cấp nước sạch, phát triển lưới điện sinh hoạt, trạm y tế, trường học...
Nguồn vốn ODA đã hỗ trợ phát triển các tỉnh và thành phố, nhất là hỗ trợ xoá đói giảm nghèo, phát triển hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng nông thông miền núi; hầu hết các tỉnh và thành phố có các dự án hệ thống cấp nước sinh hoạt, trường học, bệnh viện hệ thống thuỷ lợi, một số dự án thoát nước, phát triển cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ.
ODA đóng góp cho sự phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, tác động tích cực đến việc cải thiện chỉ số phát triển con người ở Việt Nam. Tổng nguồn vốn ODA cho giáo dục và đào tạo ước chiếm khoảng 8,5 - 10% tổng kinh phí giáo dục và đào tạo, đã góp phần cải thiện chất lượng và hiệu quả của lĩnh vực này, tăng cường một bước cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, như các dự án ODA hỗ trợ cải cách giáo dục tiểu học, trung học và đại học, tự án tạo nghề... Nguồn vốn ODA đã đóng góp cho sự thành công của một số chương trình quốc gia, ngành có ý nghĩa sâu rộng như chương trình dân số và phát triển, chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình dinh dưỡng trẻ em, chương trình nước sạch nông thôn, chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chương trình xoá đói giảm nghèo... Nhờ vậy, thứ hạng các quốc gia và chỉ số phát triển con người của Liên Hợp quốc đều được cải thiện hàng năm.
ODA đã góp phần tăng cường năng lực và thể chế thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ công cuộc cải cách pháp luật, cải cách hành chính và xây dựng chính sách quản lý kinh tế theo lịch trình phù hợp với chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước và lộ trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường năng lực con người... Thông qua các dự án ODA, hàng ngàn cán bộ Việt Nam được đào tạo và đào tạo lại; nhiều công nghệ sản xuất, kỹ năng quản lý hiệnđại được chuyển giao.
Quan hệ giữa phía Việt Nam và các nhà tài trợ đã được thiết lập trên cơ sở quan hệ đối tác, đề cao vai trò làm chủ của bên tiếp nhận ODA thông qua các hoạt động hài hoà và tuân thủ các quy trình và thủ tục ODA. Điều này được thể hiện trên nhiều lĩnh vực như phát triển các quan hệ đối tác trong nông nghiệp, lâm nghiệp, hiệu quả viện trợ... nghiên cứu áp dụng các mô hình viện trợ mới (hỗ trợ ngân sách, tiếp cận ngành...), hài hoà quá trình chuẩn bị dự án, thống nhất hệ thống báo cáo, hài hoà hoá quá trình mua sắm, tăng cường năng lực toàn diện về quản lý ODA. Nước ta được lựa chọn là nước điển hình về tiến hành hài hoà quy trình thủ tục ODA, tuân thủ hệ thống quản lý quốc gia về nâng cao hiệ quả viện trợ.
Tồn tại cần khắc phục và những bài học rút ra từ việc sử dụng vốn ODA: Bên cạnh những mặt được của ODA hỗ trợ quá trình phát triển, việc sử dụng ODA trong thời gian qua cũng bộc lộ những yếu kém, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực này:
Chậm trễ trong quá trình giải ngân, làm giảm hiệu quả sử dụng ODA và làm giảm lòng tin của các nhà tài trợ của ta. Nguyên nhân chủ yếu là quy trình và thủ tục trong nước cũng như của các nhà tài trợ còn phức tạp, lại có sự khác biệt giữa các nhà tài trợ và phía Việt Nam; chậm trễ trong việc di dân tái định cư và giải phóng mặt bằng; công tác đấu thầu; năng lực quản lý và giám sát thực hiện dự án của các Ban quản lý còn hạn chế và bất cập.
Thiếu quy hoạch vận động và sử dụng ODA; các văn bản pháp quy về quản lý và sử dụng ODA còn thiếu tính đồng bộ, nhất quán, minh bạch, nhất là trong các
vấn đề liên quan tới quản lý đầu tư và xây dựng; thực thi các văn bản pháp luật về quản lý ODA chưa nghiêm.
Công tác theo dõi và đánh giá dự án buông lỏng. Nhiều cơ quan chủ quản ở Trung ương và các tỉnh chưa quản lý được các dự án của mình. Kỷ luật báo cáo về tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA thực hiện thiếu nghiêm túc.
Năng lực cán bộ ở các cấp còn nhiều bất cập và thiếu tính chuyên nghiệp trong quản lý và sử dụng ODA.
Những yếu kém nêu trên còn có nguyên nhân sâu xa là cơ quan thụ hưởng ODA chưa phát huy đầy đủ vai trò làm chủ trong việc khai thác nguồn lực này phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc thù của ODA. Điều này thể hiện trong nhiều khâu như: Công tác quy hoạch, kế hoạch và điều phối ODA, chuẩn bị và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án ODA, công tác huấn luyện và đào tạo về ODA chưa được chú ý đúng mức, cũng như trong việc theo dõi và đánh giá dự án.
Từ những kết quả đã đạt được và những yếu kém trong việc sử dụng ODA , có thể rút ra những bài học chủ yếu sau:
ODA là một nguồn lực bên ngoài có ý nghĩa quan trọng, song không thể thay thế được nguồn lực trong nước ở cấp độ quốc gia cũng như trong phạm vi một lĩnh vực cụ thể. Do vậy, cần phải coi ODA là một chất xúc tác, một nguồn lực bổ sung cho quá trình phát triển. Cách tiếp cận lựa chọn trong sử dụng ODA phải được đề cao.
Để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, cần gắn kết và lồng ghép một cách đồng bộ chiến lược và kế hoạch thu hút và sử dụng ODA với các chiến lược phát triển, các chính sách và quy hoạch phát triển ngành, vùng và quốc gia cũng như các
kế hoạch dài hạn và hàng năm. Đây là yêu cầu bảo đảm sự chủ động của ta trong việc sử dụng ODA.
ODA nguồn hỗ trợ của Chính phủ, các Tổ chức quốc tế và liên Chính phủ dành cho Chính phủ. Do vậy, Chính phủ nước tiếp nhận phải nhận trách nhiệm điều phối và sử dụng ODA với nhận thức sâu sắc rằng nhân dân sẽ là người gánh chịu cái giá phải trả cho sự thất bại nếu nguồn vốn ODA không được sử dụng có hiệu quả.
ODA không phải là nguồn vốn dễ kiếm và không phải là cho không. Cả ODA không hoàn lại và ODA vốn vay đều đòi hỏi trách nhiệm rất cao của Chính phủ nước tiếp nhận trước dư luận trong nước cũng như dư luận nước tài trợ.
Các thành tựu về cải cách đổi mới toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế là cơ sở quan trọng tạo dựng niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam và là tiền đề bảo đảm cho sự thành công cho việc vận động và thu hút ODA trong giai đoạn tới.
ODA gắn với mục tiêu chính trị và lợi ích kinh tế của nhà tài trợ. Đây là bản chất của nguồn vốn này, do vậy, thành hay bại của ODA tuỳ thuộc chủ yếu vào vai trò làm chủ của các cơ quan thực hiện, từ khâu hình thành dự án cho đến quá trình tổ chức thực hiện và duy trì tính bền vững của dự án sau này.
Năng lực thể chế, năng lực con người là chìa khoá quyết định sự thành bại của ODA.