Trong nền kinh tế thị trường, kế toán được coi là một công cụ có hiệu quả nhất để quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh. Nhưng thị trường lại luôn biến đổi,
phát triển buộc kế toán phải có sự thay đổi mới, cải cách sao cho phù hợp nhất. Để kế toán có thể phát huy hết tác dụng của nó đối với công tác quản lý doanh nghiệp ở mọi loại hình sản xuất kinh doanh khác nhau thì việc hoàn thiện kế toán chi phí sản xuất dựa trên các yêu cầu hoàn thiện sau:
Thứ nhất, nắm vững chức năng và nhiệm vụ của tổ chức công tác kế toán nói
chung cũng như tổ chức công tác kế toán chi phí sản xuất nói riêng trong công ty. Song song với việc phản ánh là sự giám đốc quá trình kinh doanh một cách có hiệu quả. Do vậy cần hoàn thiện toàn bộ công tác kế toán chứng từ, tiền lương, sổ sách đến tổ chức kế toán nhằm tăng cường mức độ chính xác và kịp thời thông tin về biến động tài sản, công nợ, đưa ra các giải pháp tăng nhanh tốc độ chu chuyển vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty. Muốn vậy, các phòng ban giúp việc cho giám đốc phải kết hợp chặt ché với nhau để cùng thực hiện tốt chức năng của mình.
Thứ hai, hoàn thiện kế toán chi phí sản xuất phải dựa trên cơ sở phù hợp,
đúng với cơ chế tài chính, luật kế toán, chuẩn mực kế toán hiện hành. Để quản lý thống nhất toàn bộ nền kinh tế quốc dân, Nhà nước phải ban hành một cơ chế quản lý tài chính nhất định là xây dựng hệ thống kế toán thông nhất phù hợp với cơ chế quản lý tài chính đó. Do mỗi doanh nghiệp có một đặc thù kinh doanh riêng nên việc tổ chức công tác kế toán ở các đơn vị được phép vận dụng và cải tạo chứ không bắt buộc phải theo khuôn khổ hoàn toàn theo chế độ kế toán nhưng phải nằm trong điều kiện cho phép. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động lớn như hiện nay, khi các quy định về kế toán và kế toán chi phí sản xuất cũng có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ, yêu cầu đặt ra đối cới các công ty là cần phải cập nhật thường xuyên liên tục các quy định đó để có những điều chỉnh phù hợp trong hoạt dộng kế toán nói chung và công tác kế toán chi phí sản xuất nói riêng. Thực hiện tốt nguyên tắc này trong các doanh nghiệp sẽ đảm bảo tính nhất quán, tạo điều kiện cho công tác quản lý kinh tế của nhà nước.
Thứ ba, hoàn thiện kế toán chi phí sản xuất phải dựa trên đặc trưng
của từng doanh nghiệp và từng loại sản phẩm, phải phù hợp với đặc điềm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quan điểm này đòi hỏi công ty khi áp
dụng các quy định và chế độ kế toán của nhà nước phải đảm bảo phù hợp với quy mô hoạt động, cơ cấu bộ máy kế toán tại công ty và yêu cầu quản lý của công ty.
Thứ tư, Hoàn thiện công tác kế toán chi phí sản xuất được thức hiện trên cơ
sở xác định đúng đối tượng tập hợp chi phí sản xuất, lựa chon phương pháp tập hợp và tiêu thức phân bổ chi phí thích hợp. Xác định đúng đối tượng tập hợp chi phí sẽ tạo điều kiện cho việc tập hợp chi phí đầy đủ, chính xác, không bị chồng chéo, bỏ sót. Lựa chọn phương pháp tập hợp chi phí phù hợp giúp cho việc tập hợp chi phí sản xuất được thực hiện một cách khách quan, khoa học, dễ làm và dễ hiểu. khâu lựa chọn phương pháp phân bổ chi phí thích hợp với đặc điểm ngành nghề kinh doanh, yêu cầu quản lý của công ty sẽ giúp cho việc phân bổ chi phí chính xác tới các đối tượng sử dụng cụ thể.
Thứ năm, kết hợp hài hòa, sáng tạo giữa máy móc thiết bị hiện đại với tiềm
năng tri thức của con người. Chỉ có như vậy mới đem lại hiệu quả cao nhất cho công tác kế toán nói chung và kế toán chi phí sản xuất nói riêng.
Thứ sáu, bảo đảm nguyên tắc phục vụ theo yêu cầu của kinh doanh trên cơ sở
thực hiện đúng các quy định về pháp luật. Nguyên tắc này đòi hỏi khi hoàn thiện công tác kế toán không những nhạy bén, trung thực, phù hợp với các quy luật của thị trường về kinh doanh mà còn phải tuân thủ đúng chế độ và chính sách của nhà nước. Khi có những vấn đề bất cập xảy ra thì cần thiết phải có đề xuất kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Thư bảy , Về chi phí nguyên vật liệu trực tiếp ở Công ty chủ yếu là gạo, thịt
và một số phụ liệu khác. Theo ý kiến của cá nhân em Công ty nên căn cứ vào số lượng NVL tiết kiệm được hay cấp phát ngoài định mức do hao hụt mà xét khen thưởng hay xử phạt cho bộ phận sản xuất đó. Mức thưởng phạt có thể bằng 10% giá trị nguyên vật liệu tiết kiệm được hay cấp phát ngoài định mức cho phép.
Đối với sản phẩm sản xuất thì CPNVLTT chiếm tỷ trọng rất cao. Do vậy, thực hiện tiết kiệm nguyên phụ liệu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất. Để làm tốt khâu này Công ty phải tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ và thực hiện chặt chẽ định mức tiêu hao nguyên phụ liệu. Trong tương lai Công ty cần xây dựng quy chế này để khuyến khích người lao động tiết kiệm nguyên phụ liệu.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên phụ liệu Công ty phải không ngừng nghiên cứu, cải tiến trong việc thiết kế để có thể tạo ra những sản phẩm không những có chất lượng cao mà còn phải đẹp về mẫu mã. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì lòng tin đối với khách hàng cũ và tạo ấn tượng đối với những khách hàng mới.
Thứ tám, Về chi phí nhân công trực tiếp sản xuất hiện nay Công ty đang áp
dụng hình thức trả lương theo sản phẩm. Tiền lương được tính toán sẽ căn cứ vào số lượng sản phẩm làm ra và đơn giá tiền lương theo sản phẩm. Việc Công ty áp dụng hình thức trả lương theo sản phẩm mà không kiểm tra chất lượng sản phẩm ở từng công đoạn sẽ làm cho đa số công nhân chỉ chạy đua theo số lượng chứ không hề quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy, theo em Công ty nên tiến hành kiểm tra thường xuyên chất lượng sản phẩm ở từng công đoạn.
Thứ chín, Kế toán chi phí sản xuất chung cần phải xác định khoản thiệt hại
cho sản xuất, khoản nào được phép đưa vào giá thành sản phẩm trong kỳ và khoản nào đưa vào giá vốn hàng bán.
Tóm lại, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công của doanh nghiệp là nhờ sự đa dạng của sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đối đầu với sự cạnh tranh đầy khốc liệt trên thị trường. Để có thể đứng vững trên thị trường thì đòi hỏi doanh nghiệp phải quan tâm tới việc giảm chi phí sản xuất, kích thích sản xuất kinh doanh để tăng thu nhập đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo uy tín cho khách hàng. Để làm được điều đó thì doanh nghiệp cần phải thực hiện tốt công tác quản lý chi phí sản xuất và thực hiện mục tiêu hạ thấp giá thành sản phẩm nhằm góp phần nâng cao lợi nhuận, tăng ưu thế cạnh tranh cho Công ty.