- Luân phiên vận chuyển sản phẩm vào bờ:
Các tàu trong mô hình đánh bắt trong 6 ngày thì dồn sản phẩm lại cho một tàu chở về bờ để tiêu thụ. Các tàu thay phiên nhau vận chuyển sản phẩm về bờ và đưa nguyên liệu, nhiên liệu trở lại ngư trường cung cấp cho các tàu khác trong tổ. Như vậy, trong một chu kỳ (72 ngày đối với nhóm tàu 50-89cv; 60 ngày đối với nhóm tàu 90- 150cv) mỗi tàu sẽ được về bờ 1 lần để nghỉ ngơi.
- Giúp đỡ lẫn nhau khi có sự cố trên biển:
Các tàu trong mô hình thường khai thác ở các khu vực gần nhau và liên lạc hàng ngày để trao đổi thông tin về sản lượng cũng như diễn biến tình hình khai thác nên sẽ kịp thời hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau khi có sự cố trên biển như: tai nạn lao động, sự cố hỏng hóc tàu thuyền cũng như trang thiết bị phục vụ khai thác và các sự cố khác do thiên tai,... Nhờ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại khi có sự cố xảy ra trên các tàu thành viên.
- Hợp tác trong sử dụng lao động:
Lực lượng lao động nghề cá ở nước ta hiện nay thường không ổn định, lao động có xu hướng chuyển từ tàu có hiệu quả thấp sang các tàu khai thác có hiệu quả cao nhằm cải thiện thu nhập cho bản thân. Tuy nhiên với các tàu tham gia mô hình thì phải thống nhất với nhau về việc sử dụng lao động: không nhận lao động của các tàu thành
viên tự ý chuyển sang, không cạnh tranh lao động giữa các tàu trong tổ,… Qua đó sẽ ổn định được lao động ở các tàu, nâng cao hiệu quả hoạt động.
- Phương thức ăn chia lợi nhuận:
Việc quản lý thu – chi tài chính do các tàu tự quản lý và hạch toán lợi nhuận độc lập dựa trên kết quả sản xuất của từng tàu. Với các tàu làm nhiệm vụ chở sản phẩm về bờ, thì các tàu khác trong tổ phải chi phí cho tàu đó theo nguyên tắc:
+ Trả toàn bộ chi phí nhiên liệu chạy về bờ và quay lại ngư trường.
+ Trả số tiền bằng lợi nhuận trung bình trong 1 ngày nhân với số ngày do tàu phải chạy về bờ, ra ngư trường và bán cá.
+ Tổng số tiền trên sẽ được chia cho tổng số cá chở về bờ để biết chi phí cần thiết mỗi tàu phải trả cho số cá mà họ gửi mang về bờ.
Điều này sẽ đảm bảo công bằng về mặt kinh tế giữa tàu chở sản phẩm về bờ và các tàu ở lại ngư trường đánh bắt.
- Phương thức quản lý điều hành:
Để điều hành mô hình tổ chức sản xuất thì các thành viên trong tổ phải bầu ra ban quản lý hoạt động theo nguyên tắc: tập thể quản lý, cá nhân phụ trách.
Ban quản lý có nhiệm vụ chủ yếu sau:
+ Tổ chức, điều hành hoạt động và thực hiện tốt kế hoạch sản xuất của tổ. + Hướng dẫn kiểm tra và quản lý hoạt động sản xuất của các tàu thành viên. + Thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của thuyền viên để kịp thời tháo gở những khó khăn, tạo điều kiện cho thuyền viên an tâm sản xuất, chấn chỉnh uốn nắn những sai lệch của thuyền viên để cùng đoàn kết sản xuất.
+ Tổ chức họp định kỳ để bàn kế hoạch sản xuất cũng như giải quyết các vấn đề trong tổ.