8. Cấu trúc luận văn
2.4.1. Quy trình thiết kế phiếu học tập
Bước 1: Xác định mục tiêu bài học và mục tiêu từng phần của bài học
Việc xác định mục tiêu bài học, mục tiêu từng phần của bài học là để biết được cái đích mà HS cần đạt tới trong từng phần cũng như trong toàn bộ bài học về kiến thức, kĩ năng và thái độ, làm cơ sở để thiết kế PHT tránh trường hợp PHT không thực hiện mục tiêu chính mà đi quá xa mục tiêu của bài học.
Bước 2: Xác định những nội dung cụ thể trong bài cần thiết kế PHT
Sau khi đã xác định được mục tiêu, GV cần phân tích nội dung của bài học để xác định các kiến thức trọng tâm và các kĩ năng cơ bản của bài học. Đồng thời, GV cũng cần xác định các hình thức, phương pháp và phương tiện dạy học cần sử dụng trong bài học. Dựa vào đó, GV xác định những nội dung cụ thể trong bài cần sử dụng PHT. Tùy nội dung từng bài mà có thể một hoặc nhiều đơn vị kiến thức được sử dụng PHT hoặc nội dung toàn bài được sử dụng PHT.
Bước 3: Xác định nhiệm vụ học tập cho HS ở từng phần của bài học
Trên cơ sở xác định mục tiêu từng phần của bài học và giai đoạn có sử dụng PHT, GV lựa chọn cách thức mà HS có thể đạt được mục tiêu của bài học. Tức là, GV cần vạch ra nhiệm vụ cụ thể của HS ở từng phần của bài học: Cần làm gì? Giải quyết những vấn đề gì?... Từ đó, GV có thể xây dựng nên những yêu cầu, nhiệm vụ trong PHT.
Bước 4: Xác định nội dung của PHT và cách trình bày phiếu
Việc xác định nội dung của PHT thường dựa vào những kiến thức trọng tâm của bài học. Nội dung của phiếu chính là những kiến thức, kĩ năng cơ bản mà HS cần khám phá, rèn luyện và lĩnh hội.
Có thể trình bày PHT dưới các dạng: bảng biểu, sơ đồ, câu hỏi, bài tập, hình vẽ,… Các nội dung trong PHT phải được trình bày theo đúng trình tự logic của quá trình nhận thức, phải rõ ràng, khoa học. Các câu hỏi, các nhiệm vụ học tập đưa ra phải làm sao để mọi HS khi đọc đều hiểu được mình cần làm gì? Cần giải quyết nhiệm vụ gì? Và căn cứ vào đâu để có thể hoàn thành phiếu. Cách trình bày cũng phải được lựa chọn sao cho thỏa mãn các yêu cầu sư phạm đối với PHT về khoảng cách trống, về tính logic và hấp dẫn HS….
Bước 5. Xây dựng đáp án của phiếu học tập
Một bước quan trọng không thể thiếu trong quy trình thiết kế PHT là viết đáp án của PHT. Có đáp án GV mới ấn định được thời gian hoàn thành phiếu và đưa ra những nhận xét câu trả lời của HS một cách logic, khoa học. Đồng thời, qua đáp án của PHT, HS so sánh và tự đánh giá kết quả hoạt động bản thân, qua đó rèn luyện được kĩ năng học tập.