2.2.1.1. Giáo viên phải nắm vững tác phẩm, đặc trưng loại thể và dự đoán được tình huống tiếp nhận của học sinh
Thực tiễn cho thấy, ngay cả những giáo viên đã được đào tạo tốt về chuyên môn, nghiệp vụ cũng phải đối mặt với một thách thức rất lớn, đó là phải dự đoán được tình huống tiếp nhận của học sinh. Chính ở khía cạnh này, những phẩm chất nhân cách cần thiết đối với nghề dạy học được bộc lộ rõ nét nhất, là lúc người giáo viên thể hiện rõ nhất năng lực, phẩm chất nghề nghiệp
51
của bản thân. Điều này đòi hỏi giáo viên phải nắm vững tác phẩm, thể loại văn học và có những vốn văn hóa sống nhất định. Có như vậy thì người giáo viên mới làm chủ được giờ học, làm chủ được các tình huống đã, đang và sẽ đến. Đồng thời, đây cũng là lúc để người giáo viên tự rèn luyện tư duy sư phạm linh hoạt, mềm dẻo; khả năng tự chủ; khả năng hiểu học sinh; khả năng ứng xử sư phạm; những đặc điểm tính cách cần thiết đối với nghề dạy học...
Một yêu cầu bắt buộc là phải nắm vững đặc trưng loại thể. Nói cách khác, phải vận dụng kiến thức lý luận văn học về cấu trúc của tác phẩm và loại thể trong việc giảng văn. Đây là vấn đề nguyên tắc, có ý nghĩa phương pháp luận. Về cấu trúc, tác phẩm văn học nào cũng có đề tài, chủ đề, tư tưởng tác phẩm, các biện pháp thể hiện, hình tượng cảm xúc (đối với tác phẩm trữ tình), cốt truyện, các tính cách nhân vật (đối với tác phẩm tự sự), và hệ thống lập luận (đối với các tác phẩm nghị luận có giá trị văn học). Trong các yếu tố đó, thì chủ đề và tư tưởng tác phẩm - tức là chủ đích sáng tác của nhà văn, điều mà nhà văn muốn nhắn gửi đến người đọc - là hai yếu tố cốt lõi, chỉ đạo và quán xuyến toàn bộ tác phẩm. Mặt khác, tác phẩm văn học nào cũng thuộc một loại thể nhất định (cũng có khi tác giả sử dụng đồng thời vài thể loại, nhưng bao giờ cũng có một thể loại chính). Mỗi loại thể lại có những đặc điểm thi pháp riêng. Chẳng hạn, tác phẩm thuộc loại thể tự sự, thì phải có cốt truyện (tình tiết, sự kiện), có nhân vật và lời kể của tác giả. Tác phẩm thuộc loại thể trữ tình (thơ trữ tình, tuỳ bút...) thì phải có cấu tứ, hình tượng cảm xúc (ví dụ như hình tượng “Sóng” của nữ sĩ Xuân Quỳnh)…Như vậy nắm vững loại thể là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với người giáo viên trước khi lên lớp
2.2.1.2. Giáo viên phải kích thích được sự chủ động, sáng tạo, hứng thú cho học sinh, đảm bảo không khí dân chủ của giờ văn hiện đại
Có thể thấy rằng, trong bất cứ một công việc gì, nếu có hứng thú làm việc con người sẽ có cảm giác dễ chịu, nảy sinh khát vọng hành động và hành
52
động có sáng tạo. Ngược lại, nếu hứng thú không được thoả mãn sẽ dẫn đến cảm xúc tiêu cực và hiển nhiên hiệu quả hoạt động không cao. Việc phát triển hứng thú học văn đang được xem là ngọn nguồn phát sinh tình cảm của học sinh với môn học. Vai trò của giáo viên trong hoạt động này vô cùng quan trọng. Họ là người “châm ngòi” cho niềm say mê hứng thú còn tiềm ẩn trong học sinh để được “tiếp lửa” và “bùng nổ”.
Để kích thích tính tự giác, tích cực và tạo hứng thú học tập cho học sinh, đòi hỏi ở người giáo viên rất nhiều điều.Trước hết giáo viên phải xác định đối tượng tiếp nhận tác phẩm văn chương là học sinh THPT. Đối tượng này không thể là khách thể thụ động, chịu sự tác động của thầy giáo, của tài liệu. Cần phải thấy được vai trò chủ thể năng động đầy tiềm năng sáng tạo của các em HS lứa tuổi này. Có hiểu như vậy thì chúng ta mới đặc biệt chú ý đến thái độ học tập của các em, tìm cách giảng dạy sao cho phát huy được năng lực chủ thể đó.
Để học sinh có hứng thú học tập, giáo viên phải gây được những xúc cảm thẩm mĩ, kích thích tiềm năng sáng tạo, qua đó giáo dục phát triển nhân cách cho học sinh. Giáo viên phải biết lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức thích hợp, trong đó có hình thức tổ chức dạy học thích hợp.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: Giáo viên là “nhân vật trung tâm” của nhà trường. Giáo viên là người chủ đạo, người truyền thụ kiến thức, người hướng dẫn, gợi ý để học sinh tìm hiểu, tiếp nhận, khám phá các giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Giáo viên phải định hướng cho học sinh tìm hiểu, phân tích tác phẩm, đồng thời cũng phải khuyến khích các em tinh thần phản biện, tìm tòi, phát hiện những cái đẹp, cái hay (và cả cái khiếm khuyết) của tác phẩm; nghĩa là phải phát huy tinh thần “dân chủ” trong giờ học. Mặt khác, giáo viên cần phải thể hiện tính nghệ sĩ trong giờ dạy giảng văn. Khát khao truyền đạt những cái đúng, cái hay, cái đẹp của tác phẩm, với những cảm xúc phù hợp và chân thành biểu hiện trên gương mặt,
53
dáng vẻ, cách đọc tác phẩm và giọng nói, cùng với chữ viết bảng đẹp và cách trình bày của giáo viên sẽ rất cuốn hút học sinh.
2.2.1.3. Giáo viên chủ động phát hiện và tạo ra tình huống có vấn đề đảm bảo tính sư phạm và phù hợp với sức tiếp nhận của học sinh
Giáo viên tạo dựng tình huống có vấn đề từ các hiện tượng văn học mang tính vấn đề trong tác phẩm, từ những khó khăn vướng mắc của HS trong hoạt động cảm thụ và tiếp nhận.
Hiện tượng văn học mang tính vấn đề chính là những “điểm sáng thẩm mĩ” mà các nhà văn, nhà thơ đã dày công tạo dựng nên. Hiểu theo cách ấy thì mỗi tác phẩm văn học có thể sẽ có nhiều hiện tượng mang tính vấn đề và như vậy việc tạo dựng tình huống cho học sinh cũng sẽ phong phú hơn. Tuy nhiên điều đáng quan tâm ở đây là không phải học sinh nào khi đọc tác phẩm văn chương cũng thấy được ý nghĩa tư tưởng chủ đề của truyện bộc lộ qua các hiện tượng có vấn đề này. Như vậy, việc để cho các em học sinh nhận thấy được giá trị của những hiện tượng văn học có vấn đề là rất quan trọng. Điều này không chỉ tạo ra ở học sinh những cách hiểu, cách đánh giá khác nhau mà còn đưa đến cho các em những rung động thẩm mĩ để có thể đạt được kết quả học tập cao nhất. Nhận thức được vai trò đó, giáo viên cần hướng sự tập trung chú ý và hứng khởi học tập của học sinh vào điểm sáng thẩm mĩ, điểm cảm xúc của tác phẩm; qua đó rèn luyện năng lực cảm thụ của học sinh để có được độ nhạy cảm cao trước những sác thái ý nghĩa của mỗi từ cũng như những giá trị biểu trưng, biểu cảm tinh tế, đặc sắc nhất của các chi tiết, hình ảnh cụ thể.
Mỗi giờ học cần phải thường xuyên tạo ra những mâu thuẫn, mặt đối lập, những thắc mắc trong nhận thức của học sinh về tác phẩm. Nếu không tạo ra ở học sinh trạng thái mất cân bằng về tâm lí nhận thức thì không làm nảy sinh mong muốn vươn lên, khát vọng kiếm tìm, hứng thú học tập ở HS và mặt khác, cũng không tồn tại tình huống có vấn đề trong hoạt động tiếp nhận văn học.
54
Tạo tình huống có vấn đề là một trong những cách thức kích thích hứng thú học tập của HS để mang lại hiệu quả cao trong giờ học, là một trong những nguyên tắc cơ bản để xây dựng một giờ học đối thoại. Song cần nhận thấy rằng để có được những tình huống có vấn đề phù hợp với một giờ dạy học tác phẩm văn chương, giáo viên không chỉ cần có những phẩm chất khoa học, những phẩm chất sư phạm mà còn phải tạo ra không khí văn chương, phẩm chất nghệ thuật, cảm xúc thẩm mĩ trong từng tình huống. Một sự hài hoà về tính khoa học, tính sư phạm, tính nghệ thuật và cảm xúc thẩm mĩ không chỉ tạo ra cái đúng mà còn mang đến cái hay, sự hấp dẫn cho giờ giảng văn. Với quan điểm đổi mới dạy học tác phẩm văn chương hiện nay ở bậc THPT, việc tuân thủ các nguyên tắc nêu trên có vai trò quan trọng đối với kết quả của một giờ giảng văn theo hướng đối thoại.