Từ kết quả trên, tác giả luận văn xin đưa ra một số nhận xét về việc dạy học các đoạn trích Truyện Kiều ở lớp 10 THPT như sau:
Số lượng các đoạn trích Truyện Kiều được đưa vào giảng dạy trong chương trình chiếm tỉ lệ khá lớn ( 4 đoạn trích). Điều này cho thấy Truyện Kiều có vị trí đặc biệt quan trọng trong chương trình phổ thông.
Khảo sát hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài trong tất cả các đoạn trích được đưa vào giảng dạy, tác giả luận văn cũng nhận thấy, trong chương trình cơ bản có 20% là câu hỏi đối thoại. Trong chương trình nâng cao có 25% là câu
49
hỏi đối thoại. Số liệu trên chứng tỏ sách giáo khoa đã có chú ý tới việc dạy học theo hướng đối thoại, đặc biệt ở chương trình nâng cao thì số lượng các câu hỏi đối thoại được đưa ra nhiều hơn nhằm hướng đến việc khơi gợi, tìm tòi và phát hiện học sinh có năng lực cảm thụ văn chương ở mức cao hơn.
Qua dự giờ, xem xét giáo án dạy các đoạn trích Truyện Kiều, dựa vào kết quả khảo sát giáo viên thấy được số lượng các thầy cô quan tâm đến dạy học đối thoại chiếm 44,4% , không quan tâm chú trọng chiếm 55,6%. Hầu hết giáo án của giáo viên chỉ xoay quanh các phương pháp chinh: thuyết giảng , đặt câu hỏi rồi yêu cầu học sinh trả lời hoặc đưa ra nhận xét. Rất ít câu hỏi khơi gợi, đánh thức được niềm say mê, hứng thú, sự sáng tạo cho học sinh.Từ số liệu này, tác giả luận văn đưa ra nhận định, vẫn còn có rất nhiều những thầy cô chưa quan tâm đến việc dạy học đối thoại . Nếu các thầy cô không chú trọng đến vấn đề này thì làm sao có thể khơi gợi được những hứng thú, phát hiện ra những tài năng còn đang tiềm ẩn trong mỗi học sinh được.
Bên cạnh đó, khi được hỏi về quá trình dạy đoạn trích Truyện Kiều thì có đến 65% không quan tâm đến việc cho học sinh thảo luân, 25 % đôi khi có sử dụng và số lượng quan tâm cho các em thảo luận rất ít 10%. Điều này cho thấy, các thầy cô vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc dạy học theo hướng đối thoại cho học sinh. Hoặc có quan tâm thì cũng rất ít, không chú trọng lắm. Lối dạy Truyện Kiều vẫn chưa thoát khỏi những hệ thống phương pháp cũ, nhiều giáo viên dạy một đoạn trích Truyện Kiều có đến ba mươi câu hỏi nhưng lại rất ít câu hỏi thảo luận đối thoại. Đó là hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng dạy học thơ văn trong nhà trường phổ thông hiện nay.
Có một thực tế là khi dạy Kiều hầu hết các giáo viên đều chưa bao giờ cho học sinh hóa thân vào nhân vật Kiều, cùng sống trong tình yêu, cùng đau nỗi đau của Kiều để có thể cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật và giá trị nhân bản của tác phẩm. Có lẽ đây là một trong những thiếu sót cơ bản khi dạy Kiều. Thời đại Nguyễn Du nhắc trong Truyện Kiều cách xa ngày nay hàng
50
bao thế kỉ. Nếu không để cho các em hóa thân vào nhân vật Kiều để nói nên tiếng nói của mình thì thử hỏi làm sao có thể hiểu được Truyện Kiều theo đúng giá trị của tác phẩm.
Hơn nữa biện pháp đọc nhiều giọng điệu cũng được sử dụng rất ít trong quá trình dạy Truyện Kiều, chỉ chiếm có 18,8%. Giáo viên không cho học sinh đọc đoạn trích mà chủ yếu là thầy giáo đọc (77,5%). Và việc đọc cũng không được sử dụng thường xuyên trong tiết học, chủ yếu diễn ra ở đầu tác phẩm. Việc đọc với nhiều giọng điệu sẽ giúp các em thấy được sự vận động trong cảm xúc của chủ thể trữ tình. Vậy mà biện pháp này đang bị lãng quên, vô hình chung lối dạy học như vậy đã đi chệch bản chất của văn chương, thủ tiêu “cảm xúc thẩm mỹ” của người học.
Điều đáng lưu tâm hơn cả ở các tiết học, khi thầy cô đưa ra các câu hỏi thảo luận thì các em học sinh tỏ ra rất hào hứng, nhiệt tình hăng hái (70%). Điều này chứng tỏ rằng, không phải các em không thích học môn văn, không có niềm say mê với văn chương mà là chưa có ( hoặc là ít cơ hội) để bộc lộ khả năng của mình. Vấn đề ở chỗ vai trò và trách nhiệm của người giáo viên trước khi lên lớp. Ở các tiết đọc hiểu thơ rất ít những câu hỏi thảo luận.Các thầy cô chỉ cố truyền tải cho xong kiến thức. Hầu hết bài giảng không khai thác được khả năng cảm thụ, tiếp nhận, đánh giá của học sinh.