Thế giới:
Hành vi dùng chung bơm tiêm trong khi TCMT đang là phương thức lây nhiễm HIV chủ yếu tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm NCMT trên toàn cầu là 5 - 10%. Tuy nhiên tại một số khu vực ở các nước Châu Âu và Châu Á, tỷ lệ này là trên 50%. Những hành vi nguy cơ cao ở người NCMT được rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đề cập đến. Trong số các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV, sử dụng chung BKT là hiện tượng phổ biến của những người NCMT ở nước ta cũng như trên toàn thế
giới, là một trong những nguy cơ lan tràn HIV. Người ta ước tính: hơn 5,1% các trường hợp lây nhiễm HIV liên quan đến hành vi TCMT không vô trùng, hơn 10,2% các trường hợp bệnh nhân AIDS là người NCMT [21], [31], [99].
Các nghiên cứu ở Châu Mỹ và Châu Âu cho thấy tần số TCMT, dùng chung dụng cụ tiêm chích, các hành vi tình dục có nguy cơ cao và số lần tiêm chích trong ngày là yếu tố nguy cơ có ý nghĩa về mặt thống kê. Một nghiên cứu thời kỳ đầu ở New York cho thấy: tỷ lệ nhiễm HIV ở những người dùng ma túy không chích là 21%, tỷ lệ này là 31% ở những người tiêm chích 1 - 5 lần một tháng 47,1% ở những ngươi tiêm chích 6 - 45 lần/tháng và 61% ở những người tiêm chích trên 45 lần/tháng. Một nghiên cứu khác trong 110 người NCMT ở NewYork cho thấy một số yếu tố quyết định việc dùng chung BKT là nhận thức sai lệch về nguy cơ lây nhiễm, vấn đề giảm tải về chi phí và việc tiện lợi không phải mang theo dụng cụ tiêm chích. Các nghiên cứu đều thống nhất cho thấy rằng: tiêm chích tại các tụ điểm tiêm chích là yếu tố nguy cơ của nhiễm. Tại các tụ điểm này ma túy được bán và các dụng cụ tiêm chích được chuẩn bị sẵn để thuê hoặc dùng chung. Hàng chục, hàng trăm người NCMT có thể sẽ đến các tụ điểm tiêm chích như vậy trong một ngày và dùng chung số lượng nhất định các dụng cụ tiêm chích [21], [94].
Mặc dù, một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng giá trị văn hóa và xã hội quyết định hành vi dùng chung trong cộng đồng người NCMT, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng chung BKT bị chi phối phần lớn bởi yếu tố luật pháp và kinh tế. Tại hầu hết các bang ở Mỹ, việc tàn trữ các dụng cụ tiêm chích trong người được xem là phạm pháp. Vì vậy để tránh sự bắt bớ khi mang dụng cụ tiêm chích, người NCMT đã lựa chọn việc dùng chung dụng cụ tiêm chích [21], [94].
Tìm hiểu các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng nhiễm HIV ở người NCMT là chủ đề được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Theo kết quả nghiên cứu của Davies và Peters, trong 346 người NCMT tại thành phố Edinburgh, Scotland cho rằng những người NCMT sớm không có nghề nghiệp ổn định, nguy cơ mắc HIV cao hơn những người khác nhiều lần [79]. Một nghiên cứu ở Trung tâm Kirketon Road, bệnh viện Sydney-Úc do Dwyer và Richardson tiến hành trên 1.245 trường hợp NCMT gồm 908 nam và 337 nữ, kết quả cho thấy rằng các đối tượng NCMT là nữ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn do dùng chung BKT nhiều hơn, nhiều hoạt động mại dâm, nhiều bạn tình và thường bạn tình của họ là những người NCMT [80].
Cayla và các cộng sự tiến hành một nghiên cứu ở Edinburgh cho thấy: tỷ lệ nhiễm HIV ở những người TCMT không dùng chung BKT là 30,0% so với 56,2% ở những người có một vài lần tiêm chích chung BKT và 75,1% ở những người thường xuyên dùng chung BKT. Trong số 1.363 người NCMT ở Italia, tỷ lệ nhiễm HIV là 22,1% ở những người không dùng chung BKT so với 67,4% ở những người luôn dùng chung BKT [75].
Bên cạnh hành vi dùng chung BKT khi TCMT, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những hành vi dùng chung dụng cụ tiêm chích gián tiếp khác cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Cách chia thuốc theo vạch chia sẻ “Frontloading” là một cách người NCMT sử dụng một BKT để pha thuốc và đo lường lượng thuốc chia cho một bạn chích sau đó đẩy thuốc trực tiếp vào đầu BKT của người đó. Kết quả cho thấy 72,0% người NCMT ở Denver có hành vi dùng chung các dụng cụ này trong vòng một tháng trở lại. Tỷ lệ dùng chung dụng cụ tiêm chích gián tiếp này gấp đôi tỷ lệ dùng chung BKT. Kết quả nghiên cứu này cho thấy người NCMT chưa nhận thức đầy đủ các biện pháp dự phòng [21], [86].
Việt Nam:
Hiện nay, ở Việt Nam và một số nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lây nhiễm HIV phổ biến qua nhóm người NCMT. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là người nhiễm HIV vẫn tiếp tục TCMT và sử dụng chung BKT. Trong vòng 15 năm trở lại đây, hành vi dùng chung BKT khi tiêm chích là hành vi phổ biến ở nhóm quần thể NCMT, tỷ lệ dùng chung BKT trong 6 tháng qua ở người NCMT là 14 - 50%. Các nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, trong số những người NCMT có 87% đối tượng dùng chung BKT, trong đó thường xuyên dùng chung BKT là 40%. Việc làm sạch BKT khi chích chung rất tùy tiện và không đảm bảo tiệt khuẩn cũng là yếu tố nguy cơ làm lây nhiễm HIV trong nhóm TCMT [11].
Một cuộc điều tra tại 7 tỉnh ở Việt Nam năm 2002 để lượng giá nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho thấy: Tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 - 24 tuổi đã từng TCMT tại Thanh Hóa là 0,4%, Nghệ An 1%, Bình Dương 1,5%, Bình Phước 0,4% và Long An 1,7%. Do đặc điểm tâm sinh lý của thanh niên là thích khám phá và do sự lôi kéo của bạn bè, nhiều thanh niên đã sử dụng ma túy khi còn ở tuổi vị thành niên [17], [33].
Số năm TCMT càng nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV càng cao. Tỷ lệ người NCMT có thời gian TCMT trên 3 năm chiếm 69%, nhóm TCMT từ 3 năm trở xuống chiếm 31%. Phân bố theo thời gian TCMT có sự khác biệt giữa các tỉnh: ở phần lớn các tỉnh, tỷ lệ người NCMT có thời gian TCMT trên 3 năm chiếm phần lớn trong số các trường hợp nghiệm chích ma túy. Tỷ lệ người NCMT có thời gian tiêm chích trên 3 năm cao nhất ở Thái Nguyên (94%), tiếp đến là các tỉnh Cao Bằng (92,6%), Lạng Sơn (89,5%), Nam Định (87,2%), Hà Nội (87%), Hải Phòng (85,3%). Ngược lại, một số tỉnh có tỷ lệ
người nghiện chích ma túy có thời gian tiêm chích từ 3 năm trở xuống chiếm tỷ lệ cao như Gia Lai (68,1%), Bình Dương (60%), Sóc Trăng (59,1%), Nghệ An (53%) [16], [23].
Qua khảo sát 40 tỉnh điều tra giám sát trọng điểm năm 2012 cho thấy tuổi trung bình của nhóm NCMT là 30 tuổi. An Giang và Gia Lai là hai tỉnh có tuổi trung bình tham gia nghiên cứu trẻ nhất (25 và 26 tuổi). Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình và Thái Nguyên là các tỉnh có tuổi trung bình cao nhất (trên 35 tuổi). Người NCMT tập trung nhiều nhất ở nhóm từ 30 tuổi trở lên (49,5%), tiếp đến là nhóm từ 25 đến dưới 30 tuổi (20,9%), nhóm tuổi từ 20 đến dưới 25 tuổi (20,1%), thấp nhất ở nhóm dưới 20 tuổi (9,6%). Phân bố nhóm tuổi trong nhóm NCMT cũng khác nhau giữa các tỉnh, phần lớn các tỉnh, người NCMT tập trung trong nhóm tuổi trên 25 tuổi, như Thái Nguyên (98,1% người NCMT trên 25 tuổi), Thái Bình (93,5%), Bắc Giang (91,6%), Nam Định (90%); nhưng ở một số tỉnh như Gia Lai, Sóc Trăng, An Giang tỷ lệ người NCMT có tuổi dưới 25 tuổi lại chiếm đa số, ở An Giang là 60,7%, Sóc Trăng (59,3%), Gia Lai (57,2%). Mặt khác, phần lớn người NCMT tiêm chích lần đầu ở độ tuổi dưới 25 tuổi (64%) [14], [23], [64].
Nghiên cứu tỷ lệ hiện nhiễm HIV và yếu tố hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong người NCMT của Nguyễn Thanh Long tại Thị xã Lai Châu và 3 huyện của tỉnh Lai Châu được tiến hành năm 2007 trên 330 người NCMT. Kết quả cho thấy: có 40,3% người NCMT nhiễm HIV; 87,3% người NCMT không bao giờ dùng lại BKT. Trong tổng số 43 người NCMT có sử dụng lại BKT thì chỉ có 27,9% là luôn luôn làm sạch BKT. 10% người NCMT có QHTD với PNMD trong thời gian 1 tháng trước khi tiến hành nghiên cứu [45].
Xu hướng tỷ lệ nhiễm HIV của những người NCMT nói chung qua các năm cho thấy, tỷ lệ nhiễm tăng từ 9,4% năm 1996 lên lới 29,3% vào năm
2002-2003 và sau đó giảm dần còn 11,6% vào năm 2012 và 10,3% năm 2013 [16]. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tỷ lệ này còn khá cao như: Thái Nguyên 32,7%, Lai Châu 27,7%, Hà Nội 24%, Quảng Ninh 22,4%, TP Hồ Chí Minh 18,24% [16]. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường TCMT rất cao do tình trạng người sử dụng ma túy thường xuyên dùng chung BKT. Kết quả giám sát hành vi kết hợp với chỉ số học sinh năm 2005 - 2006 cho thấy tỷ lệ sử dụng chung BKT có giảm nhưng vẫn khá cao, tỷ lệ này là 37% tại TP Hồ Chí Minh, An Giang 33%, Quảng Ninh 14%, TP Hải Phòng 15%. Ngoài ra, nhóm người NCMT thường xuyên có QHTD trong đó có QHTD với PNMD và ít khi sử dụng BCS [11], [16], [52].
Hành vi dùng chung BKT trong TCMT những năm gần đây có chuyển biến tích cực. Kết quả điều tra IBBS năm 2012 cho thấy, tỷ lệ người NCMT dùng chung BKT trong một tháng qua là 16,7%. Tỷ lệ này có giảm so các năm trước, nhưng vẫn còn cao ở các tỉnh như Sóc Trăng (80,3%), Bà Rịa - Vũng Tàu (67,3%), Kiên Giang (35,2%), Bình Dương (34,5%), TP. Hồ Chí Minh (31,3%), Gia Lai (31%). Hành vi dùng chung BKT tuy có giảm nhưng không bền vững và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV. Kết quả nghiên cứu hành vi kết hợp với các chỉ số sinh học được tiến hành tại 10 tỉnh/thành phố năm 2009, trong nhóm nguy cơ cao đã nhận định dịch HIV/AIDS tại Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong những năm tới đây [14], [23].
Dùng chung BKT trong nhóm nghiện chích ma tuý còn tương đối phổ biến. Kết quả điều tra IBBS năm 2012 cho thấy, tỷ lệ dùng chung BKT ở nhóm nghiện chích ma tuý trong vòng 6 tháng trước cuộc điều tra rất cao tại Đà Nẵng (37%) và trên 20% tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Yên Bái, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Hải Phòng là thành phố có tỷ lệ sử dụng chung BKT trong nhóm người NCMT thấp nhất với tỷ lệ
7% và 3% trong khoảng thời gian 6 tháng và 1 tháng trước điều tra. Dịch HIV tại các tỉnh có tỷ lệ dùng chung BKT cao vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cao [14].