Chương trình tư vấn, xét nghiệm tự nguyện (TVXNTN) là điểm khởi đầu quan trọng cho các dịch vụ chăm sóc và dự phòng. Đây là một trong các biện pháp can thiệp cơ bản thiết yếu của chương trình dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS toàn diện. Trên nền tảng TVXNTN các dịch vụ tư vấn chăm sóc và đều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, chương trình can thiệp cộng đồng giảm hành vi nguy cơ được triển khai.
Trong những năm gân đây, các hoạt động TVXNTN cùng với các hoạt động can thiệp giảm hại đã được cải thiện tốt hơn. Hoạt động TVXNTN cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Các hoạt động TVXNTN lưu động được triển khai ngày càng nhiều bù đắp cho những thiếu hụt khi chưa có các phòng TVXNTN ở vùng nông thôn, vùng xa xôi, hẻo lánh nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận dịch vụ này tốt hơn. Kinh nghiệm nghiên cứu ở Ethopia chỉ ra rằng các vùng dân tộc thiểu số có liên quan đến điều kiện kinh tế kém phát triển, sống ở khu vực lạc hậu, đi lại khó khăn, họ đã thành công trong việc lồng ghép chương trình kế hoạch hóa gia đình và chương trình TVXNTN, điểm đáng lưu ý là chương trình TVXNTN lại thành công hơn
nhiều so chương trình kế hoạch hóa gia đình, mặc dù khách hàng cho biết họ quan tâm nhu cầu đặt vòng [42], [74].
Tại Việt Nam từ năm 1992 Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn về chương trình tư vấn xét nghiệm (TVXNTN) thành lập mạng lưới tư vấn toàn quốc từ cấp tỉnh tỉnh/thành tới quận/huyện, phường/xã và hoạt động tư vấn đã được thực hiện từ thời điểm đó. Mặc dù đã thành công trong việc xây dựng hệ thống xét nghiệm ở tất cả các tỉnh/thành nhưng chương trình TVXNTN ở Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, hầu hết các xét nghiệm đã được làm trong thời gian vừa qua là bắt buộc và gắn với giám sát trọng điểm. Tư vấn trước và sau xét nghiệm mới chỉ được thực hành một cách qua loa. Hoạt động cuả chương trình tư vấn và xét nghiệm cần được điều chỉnh theo chuẩn mực quốc tế trong thời gian tới.
Hoạt động TVXNTN được triển khai theo các địa bàn khác nhau trên từng tỉnh, chủ yếu tập trung các thành thị, vùng đông dân cư, nơi có nhiều đối tượng nguy cơ cao, người di biến động. Một bộ phận lớn người dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng cao chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ dịch vụ này. Một nghiên cứu trong nhóm người dân tộc Khmer 15 - 49 tuổi tại Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang năm 2007 cho thấy, mức tiếp cận dịch vụ tư vấn xét nghiệm của người Khmer chỉ đạt xấp xỉ 1%. Nghiên cứu trong nhóm đồng bào dân tộc Dao năm 2006, tỷ lệ người dân tiếp cận dịch vụ TVXNTN trong vòng 1 năm chỉ đạt 0,2%, tỷ lệ từng làm xét nghiệm HIV chỉ chiếm 2,1%. Nhìn chung các hoạt động TVXNTN trong những năm trước đây còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, WHO và nhiều nước đã áp dụng khuyến khích người có hành vi nguy cơ cao như NCMT, PNBD, MSM nên được xét nghiệm HIV lại sau mỗi 6 tháng và ở Mỹ đã khuyến cáo người dân trong độ tuổi trưởng thành nên làm xét nghiệm HIV hàng năm [42], [49].