Những giới hạn lịch sử và thời đại

Một phần của tài liệu nguyễn hiến lê – nhà văn, nhà nghiên cứu văn học (Trang 54 - 82)

5. Bố cục khóa luận

3.5. Những giới hạn lịch sử và thời đại

Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Mỗi cá nhân luôn chịu sự chi phối của những thiết chế, những ràng buộc, những truyền thống… trong môi trường xã hội mà họ đang sống. Yếu tố lịch sử, thời đại có ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Trong lĩnh vực văn học, yếu tố

này gần như quán xuyến tất cả. Bởi văn học tái hiện, phản ánh lại cuộc sống qua lăng kính, cái nhìn của tác giả mà thôi.

Mỗi một thời đại đều có những quan niệm riêng về cái hay, cái đẹp, lối sống, cách ứng xử với môi trường xung quanh. Nên sẽ có những cái nhìn, cách tiếp nhận khác nhau giữa những thời đại ấy, hay chính trong bản thân mỗi cá nhân của một thời đại cũng có sự khác nhau đó. Con người sinh ra không phải ai cũng hoàn hảo. Trong quá trình hoàn thiện bản thân, ta không thể muốn thế nào là nó thế đó, mà ta chịu sự tác động của yếu tố lịch sử, thời đại rất lớn. Yếu tố này không cho phép ta vượt ra khỏi giới hạn của nó.

Những ảnh hưởng của lịch sử, thời đại, bên cạnh những mặt tích cực, nó cũng mang đến những mặt hạn chế nhất định. Trong sự nghiệp nghiên cứu và sáng tạo văn học của Nguyễn Hiến Lê cũng không thể tránh khỏi.

Nguyễn Hiến Lê là một người sống khép kín, không thích sự ồn ào, náo nhiệt và những bộn bề xã hội. Ông rất ít khi ra ngoài hay tham dự các buổi sinh hoạt, công tác xã hội.

Nguyễn Hiến Lê là một trí thức chân chính, thể hiện ở phong cách sống và làm việc tận tâm, trung thực, đem sự hiểu biết của mình song song phục vụ bản thân còn phục vụ cho đời. Duy có điều, do quá tôn trọng nguyên tắc lề lối sinh hoạt để đảm bảo sức khoẻ và công việc, suốt mấy mươi năm liền, ông chỉ ngồi nhà đọc sách, viết sách. Có lẽ vì thế mà kiến thức, vốn sống của ông cũng có phần hạn chế trong chốn sách vở mà thiếu sự thâm nhập thực tế sinh động của đời sống vốn rất đa dạng, thành ra có thể ông hiểu đời qua sách vở, tiểu thuyết chứ không hiểu thấu thực tiễn một cách trực tiếp.

Nhìn lại Nguyễn Hiến Lê, chúng ta thấy ông có nhiều tương phản. Ông là người lớn lên ở miền Bắc, nhưng yêu quý miền Nam và lấy hai người vợ đều người Nam. Ông viết về nhiều nơi, nhiều nước khắp toàn cầu nhưng cả đời chỉ đi ra ngoài Việt Nam một hay hai lần. Ngay cả trong nước, sau 1950, ông ít ra ngoài Sài Gòn và Long Xuyên. Ông đọc nhiều về chủ nghĩa cộng sản, nhưng

không tỏ ra tán đồng cũng không phản đối. Nhưng vì tình cảm với một số bạn bè kháng chiến chống Pháp, cũng như sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong miền Nam, tạo cho ông có thiện cảm đối với cách mạng và ông nghĩ là chế độ Hà Nội sẽ không tệ sau thống nhất. Ông không thích chính phủ Sài Gòn, nhưng không thể nghiên cứu và phổ biến nếu không có nền văn hóa tương đối tự do của chế độ này.

Nguyễn Hiến Lê sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Trong hoàn cảnh đó, việc tập trung vào sự nghiệp nghiên cứu và sáng tạo văn học của ông gặp rất nhiều khó khăn. Nguyễn Hiến Lê phải chật vật trong cuộc sống và vấn đề sức khỏe cũng ảnh hưởng một phần đến công việc của ông. Bên cạnh đó, việc thu thập tài liệu gặp nhiều khó khăn và tốn kém, phải bỏ ra khá nhiều công sức. Thế nhưng, những hạn chế về mặt lịch sử, thời đại không ngăn được ý chí, sự quyết tâm của một người tận tâm với nghề như Nguyễn Hiến Lê.

Đồng thời, với sự phát triển mạnh mẽ của thông tin và khoa học hiện nay, những tìm tòi nghiên cứu của ông chưa phải đã đạt đến mức hoàn thiện, thậm chí, có nhiều vấn đề chỉ đạt đến mức lý giải giản đơn, phù hợp với nhiều tầng lớp bạn đọc rộng rãi, giá trị học thuật chưa cao.

Yếu tố lịch sử, thời đại có ảnh hưởng không nhỏ đến những quan niệm sáng tác cũng như nghiên cứu và sáng tạo văn học của Nguyến Hiến Lê. Dù ông có những hạn chế nhất định, nhưng chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp hết sức to lớn của ông đối với nền văn học nước nhà.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu văn học với tư cách là sự ý thức về văn học, có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của văn học, giáo dục và sinh hoạt văn hoá nói chung của một dân tộc. Một nền nghiên cứu văn học phát triển sẽ tác động nhiều mặt đến nhà văn, người đọc, văn hoá, xã hội của một dân tộc và sự giao lưu quốc tế. Trình độ nghiên cứu văn học trực tiếp ảnh hưởng đến giáo dục văn học của một nước. Nghiên cứu văn học Việt Nam đang ở vào giai đoạn tiếp xúc văn hoá thế giới rộng rãi nhất của thời đại hội nhập, toàn cầu hoá tri thức, đang mở ra nhiều triển vọng, có nhiều trách nhiệm và thách thức chưa từng có.

Nguyễn Hiến Lê là một trong những nhà văn, nhà nghiên cứu văn học có tiếng ở miền Nam. Dù bước vào nghiệp văn chương như một sự tình cờ, không định trước và khá muộn so với các nhà văn khác nhưng ông lại để lại cho chúng ta một khối lượng tác phẩm đồ sộ và mang nhiều giá trị. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, ông có điều kiện tiếp xúc với văn chương ngay từ nhỏ và với tinh thần ham học hỏi của mình, ông đã mày mò tìm hiểu và tự học chữ Hán, đây là một trong những điều giúp ích cho công việc viết văn của ông sau này. Nguyễn Hiến Lê là một nhà văn sáng suốt, một kiện tướng trong giới nghiên cứu văn học ở miền Nam. Ông là người có óc tổ chức công việc, biết nắm bắt cơ hội, và nhờ nghị lực phi thường, nhờ đức tính cần cù mà ông đã đạt được nhiều thành công trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Sự thành công đó còn nhờ vào óc thực tiễn, tinh thần lạc quan, tâm lý trọng đạo đức, lấy tình nghĩa để chi phối mọi tương quan hằng ngày, và đặc biệt là óc tò mò tìm hiểu của ông. Ông chịu khó đọc nhiều sách về nhiều vấn đề, trong 45 năm, hễ bỏ bút xuống là ông cầm sách lên.

Nguyễn Hiến Lê là một người đa tài, ông không chỉ là nhà văn, nhà dịch giả, nhà ngôn ngữ học mà còn là nhà sử học, nhà triết học, nhà văn hóa độc lập. Ở lĩnh vực nào, ông cũng để lại một khối lượng tác phẩm lớn và có giá trị, nhất

là trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo văn học. Đây là một trong những lĩnh vực quan trọng và nổi trội trong sự nghiệp đồ sộ của ông.

Trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo văn học, chúng tôi tập trung chủ yếu vào lý thuyết văn chương, văn học sử và bộ tiểu thuyết duy nhất của ông. Một trong những tác phẩm về lý thuyết văn chương nổi tiếng của Nguyễn Hiến Lê là Hương sắc trong vườn văn. Đây là tác phẩm có ý nghĩa lý luận và phê bình nhằm phân tích cái Đẹp và kỹ thuật tạo cái Đẹp trong văn chương, giúp độc giả yêu văn trong những bước đầu tìm hiểu nghệ thuật. Đây là một trong những tác phẩm được độc giả quan tâm và đón đọc, có người khi vượt biên chỉ đem theo mỗi cuốn này. Hương sắc trong vườn văn là một trong những tác phẩm yêu thích của Nguyễn Hiến Lê. Qua đây, ông gửi gắm thông điệp đến mọi người “Trong nghệ thuật cũng như ngoài đời, phân tích tỉ mĩ quá không có lợi gì cho người và cho mình. Những kẻ sung sướng nhất là những kẻ lí luận ít mà cảm xúc nhiều. Bạn cứ hỏi trái tim bạn, hạnh phúc ở đó, mà cái đẹp cũng ở đó”. Đại

cương văn học sử Trung QuốcVăn học Trung quốc hiện đại là hai trong số

những bộ văn học sử rành mạch và đầy đủ nhất từ trước đến nay. Say mê văn học Trung Quốc từ lâu, ông tìm tòi và đọc nhiều tài liệu liên quan trong suốt nhiều năm liền mới có thể hoàn thành hai bộ văn học sử này. Khi đọc tác phẩm, ta chẳng những biết về văn học Trung quốc mà còn biết về lịch sử Trung Quốc, thật lợi ích cho những ai không hiểu về lịch sử Trung Quốc. Bởi ở mỗi giai đoạn, ông đều nhắc lại bối cảnh lịch sử rồi mới phân tích đến các trào lưu văn học, sau cùng là giới thiệu các tác giả và tác phẩm tiêu biểu. Nhờ việc đối chiếu những biến chuyển trong văn học, và những biến cố về chính trị mà độc giả hiểu được một cách chính xác và đầy đủ hơn về văn học Trung Quốc. Số lượng sách nghiên cứu, lí luận, dịch thuật rất lớn nhưng riêng về tiểu thuyết, Nguyễn Hiến Lê chỉ có một cuốn duy nhất mang tựa đề Con đường thiên lý.

Tư duy nghiên cứu và sáng tạo của Nguyễn Hiến Lê là tập hợp tư duy của nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, triết học, ngôn ngữ, phê bình…Cho nên,

tư duy nghiên cứu và sáng tạo của ông khá đa dạng. Nguyễn Hiến Lê được xem là nhà trí thức tân tiến nhưng tâm hồn nhà Nho. Khi viết về những vấn đề mới, kiến thức của ông rất hiện đại, nhưng ông cũng không bỏ qua những vốn cổ, cổ học của Trung Quốc và của dân tộc. Tư duy của ông xen lẫn giữa tư duy sáng tạo và tư duy nghiên cứu, giữa truyền thống và hiện đại, nó không mâu thuẫn mà ngược lại, nó còn hỗ trợ lẫn nhau tạo nên cái riêng của nhà văn.

Trong công trình nghiên cứu và sáng tạo văn học của mình, đối tượng mà Nguyễn Hiến Lê tập trung vào là những loại sách học làm người, sách giúp học tốt, rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho thanh niên. Bên cạnh đó, những sách ông chọn dịch đều là những tác phẩm bất hủ, có ảnh hưởng quan trọng trong cách nhìn nhận và đánh giá cuộc sống. Ông còn hướng đến lĩnh vực văn học sử Trung Quốc, vì đây là cội nguồn văn hóa dân tộc ta. Không những thế, ông còn bình phẩm, giới thiệu những trang cổ văn giúp ta hiểu hơn về lịch sử văn học nước nhà. Điều này, góp phần lý giải những sáng tác của ông luôn nhằm vào mảng đề tài lịch sử.

Ngôn ngữ, giọng điệu trong nghiên cứu và sáng tạo văn học của Nguyễn Hiến Lê cũng mang dấu ấn riêng. Văn ông tự nhiên, giản dị, thành thực, gần gũi với mọi người, không hoa mỹ, trau chuốt nên rất dễ hiểu, phù hợp với nhiều độc giả khác nhau và dễ đi vào lòng người. Khi viết văn, ông luôn chú trọng đến mục đích và đối tượng thưởng thức. Ông viết vì niềm đam mê, vì mọi người, vì nhu cầu xã hội chứ không vì lợi ích bản thân. Đọc sách của ông, chúng ta thấy ông đề cao tình yêu thương, yêu cái chân, thiện, mỹ và giúp con người trở nên can đảm, làm chủ bản thân.

Mỗi nhà văn đều tạo dựng cho mình một phong cách sáng tạo riêng, không nhòa lẫn với bất kỳ ai. Nguyễn Hiến Lê cũng vậy, phong cách nghiên cứu và sáng tạo mà ta có thể nhận thấy qua các tác phẩm của ông là phong cách bình dị và không xa cách quần chúng, tự nhiên và thật trong sáng.

Qua những tư tưởng ông trình bày trong các tác phẩm, trong bối cảnh một miền Nam phân hóa, phải nhận rằng, với một lập trường dứt khoát, không bị lệ thuộc vào chính quyền, gần gũi với tư tưởng của đại đa số nhân dân, ông đã khẳng định một nhân cách trí thức, tạo một hình ảnh đẹp trong lòng người đọc.

Trong khi lớp lớp người chạy theo áp lực ngoại lai, ngã mình theo danh lợi, tiền bạc, tạo ra những “tác phẩm thời trang”, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của một số “độc giả thời đại” hoặc giới độc giả tuổi nhỏ nhẹ dạ cả tin, làm thay đổi nếp sống, cách suy nghĩ, đánh mất ý thức đạo đức, thì những tác phẩm của ông là luồng sinh khí lành mạnh thổi hồn vào tâm thức người Việt.

Do đó, sự nghiệp nghiên cứu và sáng tạo văn học của Nguyễn Hiến Lê đã là một phần đời sống tinh thần của mọi tầng lớp thuộc giới trí thức, sinh viên, học sinh…hầu hết mọi gia đình không nhiều thì ít, đều có vài cuốn sách của ông. Có thể nói, ông là người của hai, ba thế hệ: thế hệ của ông, của môn sinh ông và bây giờ là con của môn sinh ông.

Vào hàng con cháu nhà Nho khẳng khái, kiên cường, ông không mới quá mà cũng không bảo thủ quá, ông tiêu biểu cho sự trung dung, song khi cần nói thẳng, thì ông vẫn dám phê bình, dù cho là phê bình các nhà chức trách đi nữa.

Đối với nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hiến Lê, sẽ còn nhiều vấn đề đặt ra và cần được nghiên cứu, tìm hiểu như về giáo dục, ngôn ngữ học, triết học, đạo đức, chính trị, kinh tế, dịch thuật…

Nguyễn Hiến Lê là một học giả lớn, để nghiên cứu một cách đầy đủ sự nghiệp văn chương của ông quả là một việc khó khăn. Hơn nữa, do giới hạn của đề tài, thời gian, điều kiện, tài liệu và khả năng hạn hẹp nên chúng tôi chỉ có thể trình bày một khía cạnh trong sự nghiệp đồ sộ của ông mà thôi và chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót. Nhưng chúng tôi hy vọng, với đề tài này, có thể đóng góp một phần nào đó vào việc khẳng định tên tuổi của nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê. Đồng thời, đây có thể là nguồn tài liệu giúp ích cho những ai nghiên cứu về ông sau này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO TÀI LIỆU SÁCH

1. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

2. Hà Minh Đức (1999), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục.

3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển thuật ngữ

văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên), (2004), Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.

5. Quang Hùng, Quang Long (2007), Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

6. Châu Hải Kỳ (1993), Nguyễn Hiến Lê – Cuộc đời và tác phẩm, Nxb Văn hóa.

7. Nguyễn Hiến Lê (2006), Đời viết văn của tôi, Nxb Văn hóa thông tin. 8. Nguyễn Hiến Lê (1967), Mấy vấn đề xây dựng văn hóa, Nxb Tao Đàn. 9. Phương Lựu (2004), Lý luận Văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

10. Phương Lựu (2001), Lý luận văn học phương Tây thế kỷ XX, Nxb Văn học, Trung tâm Văn hóa Đông Tây xuất bản.

11. M. Bakhtin (2003), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

12. Phạm Phú Phong (2008), Đọc văn, Nxb Thuận Hóa, Huế.

13. Phạm Phú Phong (1997), Thi pháp và thi pháp truyện ngắn, Nxb Thuận Hóa, Huế.

14. Vũ Đức Phúc (1973), Bàn về phương pháp nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

15. Nguyễn Q. Thắng (2006), Tuyển tập văn học Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn học.

16. Lộc Phương Thủy (2007), Lý luận phê bình văn học thế giới thế kỷ XX, 2 tập, Nxb Giáo dục.

17. Trần Mạnh Thường (2008), Các tác gia văn chương Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

TÀI LIỆU MẠNG

1. Đường Bá Bổn, Nguyễn Hiến Lê và thư viết tay gửi bạn văn, http://newvietart.com/index3.2740.html.

2. Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hiến Lê và Không Khí của Văn Hóa VNCH,

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120117nguyenhien lecomment.shtml.

3. Hoàng Kim, Nguyễn Hiến Lê học và viết,

http://hoangkimlong.wordpress.com/2013/06/06/nguyen-hien-le-hoc- va-viet/.

4. Lâm Điền (2013), Lãng quên “tượng đài văn hóa” Nguyễn Hiến Lê,

http://laodong.com.vn/phong-su/lang-quen-tuong-dai-van-hoa-nguyen- hien-le/133546.bld#FeedbackForm.

4. Lê Phương Chi, Tâm tình học giả Nguyễn Hiến Lê,

http://4phuong.net/ebook/12189662/tam-tinh-hoc-gia-nguyen-hien-

Một phần của tài liệu nguyễn hiến lê – nhà văn, nhà nghiên cứu văn học (Trang 54 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w