5. Bố cục khóa luận
2.2.2. Văn học Trung quốc hiện đại
Bộ văn học sử Văn học Trung Quốc hiện đại, là một công trình biên soạn công phu về văn học Trung quốc. Trong đó, tác giả đã khái quát được đầy đủ các phong trào văn hóa Trung Quốc từ cuộc “biến pháp” của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và Đàm Tự Đồng, từ đó, đưa đến “Ngũ tứ vận động”. Đồng thời, qua đó, tác giả phân tích cặn kẽ năm trào lưu văn học và giới thiệu khoảng 50 nhà văn, cũng như 100 tác phẩm của họ trong hơn nữa thế kỷ (1898-1960), của cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Trong bộ văn học sử này, Nguyễn Hiến Lê chia thành năm phần. Thứ nhất, thời kì quá độ 1989-1916. Thứ hai, cao trào cách mạng 1917-1927. Thứ ba, những năm phát triển 1928-1937. Thứ tư, thời chống Nhật và thời nội chiến 1938-1949. Và cuối cùng là từ khi chia hai 1949-1960.
Trước hết, Nguyễn Hiến Lê trình bày thời kỳ quá độ 1989-1916. Thời kỳ này, các văn nhân Trung Quốc hăng hái quyết tâm đòi duy tân. Vai trò ở trong tay các nhà cổ học có tư tưởng mới, trẻ tuổi đầy nhiệt huyết như Khang Hữu Vi, Đàm Tự Đồng, Lương Khải Siêu…Họ thất bại về chính trị nhưng chí khí càng thêm nung nấu, họ dùng cây bút mà cảnh tỉnh quốc dân, cách tân văn học.
Về thơ, Hoàng Tuân Hiến đã bắt đầu phá cách luật, đã cung cấp được nhiều ý, cảnh mới, làm cho dòng thơ cũ trẻ lại. “Ông công kích bọn hủ nho trọng cổ mà khinh kim. Mỗi thời có một hoàn cảnh riêng, người mỗi thời cũng có những ý tưởng, cảm xúc riêng, một dụng ngữ riêng thì tại sao lại cứ phải giữ đúng cách luật, dùng đúng những chữ của cổ nhân? Và ông mạnh bạo tuyên bố: “Tay ta chép những lời miệng ta nói, cổ nhân làm sao có thể trói buộc, lôi kéo ta được?” [15, tr.884].
Về văn xuôi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng, đã bỏ hẳn thể biền ngẫu, thể cổ văn để tạo ra một thể mới, tuy vẫn dùng văn ngôn nhưng sáng sủa, bình dị hơn. Khang, Lương còn đề cao tiểu thuyết, coi nó là thể quan trọng nhất trong văn học và một nhóm nhà văn đã cho ra những tạp chí chuyên đăng tiểu thuyết sáng tác và dịch, làm cho văn đàn trở nên náo nhiệt. Tác phẩm rất nhiều, tuy chưa thoát được kỹ thuật truyền thống, nhưng đều có công dụng lớn trong việc cảnh tỉnh quốc dân.
Một nhóm người khác, Nghiêm Phục và Lâm Thư chuyên dịch những tác phẩm ngoại quốc để mở mang kiến thức cho quốc dân, giới thiệu những tư tưởng mới và gián tiếp thúc đẩy sự cách tân quốc gia.
Nhưng xét cho cùng, đây chỉ là giai đoạn giao thời, chỉ có những cải cách rụt rè. “Họ vẫn muốn giữ cái bình cũ, đánh bóng, lau chùi lại một chút, để chứa
một thứ rượu mới nhập cảng ở phương Tây, sau khi chế biến qua loa hợp khẩu vị dân chúng” [15,tr.1239]. Những dao động trong thời quá độ này chỉ mới làm nứt cái nền tảng của văn học truyền thống, những biến động lớn lao trong giai đoạn sau mới làm cho nó sụp đổ.
Giai đoạn thứ nhì, 1917-1927, mới thực là giai đoạn cách mạng. Ngọn cờ chuyển qua tay các nhà tân học ở Nhật hoặc Âu Mỹ về. “Thấy cái bình cũ (văn ngôn) không thể chứa rượu mới được, bọn Hồ Thích, Trần Độc Tú thay nó bằng cái bình mới (bạch thoại). Rượu cũng mới hơn, nồng hơn một chút. Các nhà văn hăng hái áp dụng kỹ thuật phương Tây trong việc sáng tác, và chỉ mới thành công về loại truyện ngắn: Lỗ Tấn, Diệp Thiệu Quân, Băng Tâm, Úc Đạt Phu…” [15,tr.1239]. Nhưng một nền văn học cổ truyền, đã có ít nhất từ trên hai ngàn năm rưỡi, đã tạo được bao tác phẩm bất hủ, làm vẻ vang cho dân tộc, đến nay bỏ đi thì ai chẳng tiếc. Cho nên, khi thấy cuộc vận động của Hồ, Trần thành công, một nhóm người nổi lên phản kháng, cựu cũng như tân, lúc này nội bộ bắt đầu chia rẻ. Cuối giai đoạn này, xuất hiện hai khuynh hướng, một thiên hữu: Hội nghiên cứu văn hoc, một thiên tả: nhóm Sáng tạo.
Hội nghiên cứu văn học, thành lập tháng 11 năm 1920, gồm những nhà văn: Chu Tác Nhân, Thẩm Nhạn Băng, Trịnh Chấn Đạc, Cảnh Tế Chi…Mục đích của hội là xây dựng một nền văn học vị nhân sinh, mà phương pháp sáng tác là chủ nghĩa hiện thực. Họ bảo: “Chúng tôi không muốn có một thứ văn học để tiêu khiển qua những lúc nhàn rỗi. Đối tượng của văn học phải là máu và nước mắt của những kẻ chịu sự bất công, sự áp bức…Văn học chân chính là thứ văn học phản ánh đúng thời đại…Chưa có tác phẩm nào tả thời đại của chúng ta. Nhiệm vụ của tân văn học là vẽ được bức tranh xã hội hiện tại” [15,tr.954].
Danh tiếng và ảnh hưởng ngang với Hội nghiên cứu văn học là nhóm Sáng tạo, thành lập vào khoảng năm 1920 với một số lưu học sinh Trung Hoa ở Nhật: Quách Mạc Nhược, Úc Đạt Phu, Điền Hán, Thành Phương Ngô…Chủ trương của nhóm: “Nghệ thuật không có mục đích. Nó như hoa mùa xuân, nó là
sản phẩm tự nhiên của thiên tài. Đứa trẻ khi chơi giỡn, không có mục đích, nó vô tâm. Nghệ thuật là du hí của trẻ em khi nó thành người lớn” [15,tr.955].
Giai đoạn ba, những năm phát triển từ 1928-1937. Lúc này xuất hiện rất nhiều nhóm khác nhau, họ đều tìm một lý thuyết văn học và đưa ra một chủ trương để chống đối lẫn nhau. Hoạt động mạnh nhất, có đường lối rõ rệt nhất, đoàn kết với nhau nhất là nhóm Tả liên. Chủ trương của nhóm là dùng văn học để tuyên truyền, để phục vụ giai cấp vô sản. Một số người trong đó có tiếng tăm và tài năng nhưng chỉ chú trọng đến chính trị hơn đến nghệ thuật, cho nên, sáng tác của họ chỉ có giá trị trong một giai đoạn. Chính phe Trung đạo mới lưu lại được nhiều tác phẩm có giá trị nhất, làm cho văn học mới phát triển mạnh.
Về tiểu thuyết, giai đoạn trước chỉ thành công về truyện ngắn, bắt đầu từ 1928 ta mới thấy những truyện dài có nghệ thuật của Mao Thuẫn, rồi tiếp theo những truyện của Lão Xá, Ba Kim, Thẫm Tòng Văn…Về kịch, một ngôi sao xuất hiện, đó là Tào Ngu. Tạp văn giai đoạn này cũng có nhiều sắc thái hơn trước. Thơ không phát triển kịp như những ngành trên nhưng cũng có vài nhà sáng tạo những thể mới như Biện Chi Lâm…
Giai đoạn thứ tư, là thời chống Nhật và thời nội chiến 1938-1949, phe tả hữu liên hiệp với nhau để chống Nhật. Phe tả lúc này đông hơn, hăng hái hơn và gồm nhiều tiểu thuyết gia có tài hơn. Nhưng chiến tranh vừa mới kết thúc, họ lại chia rẽ, tả đứng trong hàng ngũ Mao Trạch Đông, hữu về phe Tưởng Giới Thạch. Nội chiến phát sinh, năm 1949 Mao chiếm trọn lục địa, Tưởng phải chạy qua Đài Loan.
Giai đoạn này, sự sáng tác kém về phẩm chất: “Người ta đặt mục tiêu tuyên truyền, cứu quốc lên trên hết, nên tính cách hiện thực sút giảm, đại đa số các tác phẩm chỉ có công dụng nhất thời” [15,tr.1240]. Các nhà văn mới xuất hiện ở vùng Cộng như Ngãi Vu, Triệu Thụ Lý, Lý Quý…và ở vùng bị Nhật chiếm đóng như Thượng Hải, Nam Kinh, Hương Cảng…
Tác phẩm ở vùng Quốc tuy phục vụ chiến tranh nhưng còn chú trọng ít nhiều đến nghệ thuật, tác phẩm ở vùng Cộng tuyên truyền mạnh hơn, kỹ thuật kém hơn, còn tác phẩm ở vùng Nhật chiếm đóng, không chú trọng tới chính trị mà chỉ chú trọng đến nghệ thuật.
Giai đoạn cuối cùng là từ khi chia tay 1949-1960. Từ 1949, đa số văn nghệ sĩ ở lại Hoa lục và nhận sự chỉ huy văn nghệ của Mao Trạch Đông, dùng cây bút phục vụ công, nông, binh, trở lại những “hình thức dân tộc”, họ sáng tác tuy nhiều nhưng đều theo một công thức có sẵn. Gần như năm nào cũng có những cuộc hội nghị để định lại đường lối, hoặc để đấu tranh tư tưởng, khai trừ những văn nghệ sĩ còn giữ tinh thần cá nhân. Giai cấp vô sản đã bắt đầu sáng tác và được khuyến khích nhiệt liệt.
Còn ở Đài Loan, không khí thật yên tĩnh, chính phủ không quan tâm đến văn nghệ sĩ và chính họ cũng thấy chán nản, xa rời thực tế mà mơ mộng hão huyền, cơ hồ như thiếu lý tưởng. Trong mười năm, từ 1949-1959, chỉ có được một tác phẩm của Khương Quý và vài tác phẩm của Trương Ái Linh là có giá trị.
Bộ Văn học Trung Quốc hiện đại là sự nối tiếp và hỗ trợ cho bộ Đại
cương văn học sử Trung quốc. Đây là bộ sách đầu tiên viết về một giai đoạn
nhiều biến chuyển nhất, làm thay đổi triệt để nền văn học mấy ngàn năm của Trung Hoa.
Theo một ý nghĩa nào đó, văn học Trung Quốc là nơi khởi nguồn của văn học Việt Nam, trước hết là sự vay mượn chữ Hán làm văn tự, khởi đầu cho văn học thành văn. Cho nên, muốn hiểu được cái cổ học của các cụ, tức là nền tảng văn hóa Việt, chúng ta không thể không nghiên cứu nền tảng văn học Trung Quốc được. Huống chi văn học Trung Quốc có trên 3000 năm, số lượng tác phẩm đồ sộ và rực rỡ bậc nhất thế giới. Hiểu được điều đó, và có niềm đam mê văn học Trung Quốc ngay thuở nhỏ, Nguyễn Hiến Lê đã bỏ rất nhiều công sức để tìm hiểu, thu thập những tài liệu liên quan. Và với sự hiểu biết, vốn kiến thức của mình, ông đã hoàn thành hai bộ Đại cương văn học sử Trung quốc và Văn
học Trung Quốc hiện đại. Đây được xem là hai bộ văn học sử Trung Quốc rành mạch và đầy đủ nhất.