Con người và cuộc sống thời chống Pháp, Mỹ

Một phần của tài liệu nguyễn hiến lê – nhà văn, nhà nghiên cứu văn học (Trang 39 - 49)

5. Bố cục khóa luận

2.3.2. Con người và cuộc sống thời chống Pháp, Mỹ

Bên cạnh câu chuyện có thật đầy hấp dẫn và lý thú, ta còn nhận thấy một nội dung song song với câu chuyện, là con người và cuộc sống thời chống Pháp và Mỹ. Tác phẩm được tác giả trình bày trong suốt 42 năm với bao biến động về lịch sử, xã hội. Đây là cuốn tiểu thuyết được viết dựa vào hồi ký của Nguyễn Hiến Lê. Len lỏi theo hành trình và cuộc sống của ông, ta thấy số phận con người và những vấn đề xã hội dần dần hiện ra.

Năm 1945, khi Pháp đổ bộ vào Sài Gòn, người dân ồ ạt thu dọn đồ đạt để tản cư, cuộc sống ở đây trở nên xáo trộn. Mọi người chỉ kịp mang theo những đồ dùng cần thiết mà thôi. Những sách báo của Pháp dù viết về vấn đề gì đi nữa đều bị tịch thu. Năm 1946, Nguyễn Hiến Lê dừng chân ở Phước Thạnh, Cần Thơ, ông đến ủy ban xã để kiếm việc. Khi đến đây, ông nhận thấy không khí không còn căng thẳng như nửa năm trước nữa. Chiến tranh xảy ra, cuộc sống con người không còn theo một nguyên tắc hay kỷ luật nào. Mọi người thờ ơ, vô trách nhiệm trong công việc của mình. Một cơ quan nhà nước mà không khác gì một nơi tụ họp, bàn bạc chuyện riêng. “Thanh niên nam nữ tự do ra vào Nhà việc, không có vẻ e dè, ngại ngùng. Nông dân bu quanh ba cái bàn, cười nói ồn ào, không ra một công sở: người xin giấy di chuyển, người lại trình

báo, việc này việc khác, người lại xin cắt đặt công việc để làm. Trên kệ, trên bàn không thấy sổ sách” [15,tr.1300].

Thời này là thời của thanh niên, nông dân, thôn quê như dần trẻ lại. Thân phận của các điền chủ ở miền Nam rất điêu đứng, một số đại địa chủ bóc lột họ, có kẻ chiếm đất, chiếm vợ con của họ nữa. Vì vậy, thời cách mạng, bọn phú gia phải bỏ hết dinh cơ, trốn đi nơi khác. Thế nhưng, không phải điền chủ nào cũng tàn ác như nhau. Cũng có một số gia đình điền chủ hết lòng với dân, với cách mạng, vì thế họ được mọi người quý mến và tôn trọng. Điển hình là gia đình anh Ba làm ở Ủy ban hành chính xã. “Một số tá điền đêm đến vào xúc trộm lúa. Anh hay được nhưng làm thinh, họ thấy vậy xúc nữa và xúc nhiều hơn trước, anh cũng làm thinh. Lần thứ ba, họ cả gan xúc cả chục giạ. Anh viết vào một tờ giấy: “Tôi biết anh em nghèo nhưng anh em xúc vừa vừa thôi, ba tôi biết sẽ rầy tôi”, để lên trên đống lúa. Từ đó không mất trộm nữa” [15,tr.1316]. Dù chiến tranh loạn lạc, cuộc sống thiếu thốn nhưng tình cảm con người vẫn còn đó. Còn đó những tấm lòng cao cả, biết giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Và điều quan trọng nữa là ta biết cách ứng xử trong mọi tình huống để giữ được tình cảm đó.

Sau tám năm tản cư, Nguyễn Hiến Lê trở lại Sài Gòn. Nơi đây đã khác xưa rất nhiều, nhà cửa san sát, ngổn ngang, tạm bợ, chật chội, bẩn thỉu, dân cư đông đúc, xe cộ đầy đường khiến tác giả cảm thấy nghẹt thở. Không chỉ cảnh quan nơi đây có sự thay đổi, mà sự thay đổi đó còn thể hiện ở chính con người. “Sau ngày Nhật đảo chánh và ngay cả khi quân Pháp theo gót quân Anh mới đổ bộ lên Sài Gòn, dân chúng tuy thắc mắc về tương lai, nhưng hầu hết đều vui vẻ, hăng hái; họ nghĩ, muốn gì thì gì thế nào cũng có sự thay đổi, chưa biết thay đổi ra sao, nhưng không thể nào tệ hơn tám chục năm nô lệ được. Lúc đó ai cũng nghĩ tới quốc gia. Năm 1953, trái lại tôi có cảm tưởng ai cũng chỉ nghĩ tới bản thân, tới việc kiếm tiền, tới sự yên ổn. Người ta không thân mật với nhau như trước, họ còn nghi kỵ nhau nữa” [15,tr.1435]. Sau bao năm xa cách, khi gặp lại

bạn bè, tưởng chừng là những cái tay bắt mặt mừng, nhưng không phải thế, nó chỉ là những câu hỏi qua loa, mang tính xã giao. Những đồng nghiệp của tác giả sau khi tản cư vẫn quay về với công việc của mình, bề ngoài có vẻ phong lưu hơn nhưng lối sống vẫn như cũ. Sau một biến cố lớn như vậy, dường như họ chẳng có sự thay đổi gì cả. Nhưng không phải ai cũng được như vậy, bên cạnh đó còn có những số phận hẩm hiu, khổ cực sau ngày tản cư. “Tội nhất là một anh bạn tản cư về, chỉ còn mỗi một chiếc ghe cui mươi đồng bạc và một con heo nọc. Anh bận quần cụt, đội cái nón lá, chân đi đất, cầm đầu dây dắt con heo y hệt một chú lái, đem bán nó để dựng một quán cóc” [15,tr.1438].

Tháng 7 năm 1954, hiệp định Genève ký kết và non chín trăm nghìn đồng bào Bắc di cư vô Nam. Tất cả đều có vẻ chua chát, họ bảo, có thể chịu được cảnh nghèo khổ như bao người, nhưng họ không thể chịu được chế độ căm thù giai cấp ở miền Bắc được. “Có những người đã tính ở lại, sau nghe nói những cảnh con tố cáo cha, vợ tố cáo chồng, bạn bè do thám nhau, nên phải vội vã xuống tàu, không mang theo được gì cả” [15,tr.1444]. Chế độ quá hà khắc khiến nhiều người bất mãn. Một người bạn của tác giả tâm sự: “Ngay từ năm 1944, tôi đã liên lạc với một số anh em hoạt động trong tổ chức của họ, thường giúp đỡ tiền nong cho họ. Khi Nhật đảo chánh, nhà tôi là nơi tụ họp, giấu khí giới nữa. Và khi họ mới lên cầm quyền, tháng 9 năm 1954, tôi tự nguyện phân phát hết ruộng đất cho bần nông trong làng…” [15,tr.1445]. Thế nhưng, vì tính tình ngay thẳng, thấy những gì quá đáng, anh ta thường lên tiếng phản đối. Vậy là dần dần bị mọi người xa lánh, cho anh ta là phản động.

Khi hiệp định ký kết, đồng bào hai miền có thể trao đổi tin tức qua một tấm bưu thiếp đã in sẵn, có đủ chỗ trống để viết khoảng mười hàng. Nhưng chỉ là những câu hỏi thăm đơn thuần mà thôi, những gì muốn nói và muốn hỏi đều sợ người ta nghi kỵ. “Chính sách bưu thiếp đó quả thực là chính sách tài tình nhất để cấm người thân hỏi thăm nhau, để làm cho hai miền lần lần cách biệt hẳn nhau. Hàng rào giấy đó còn công hiệu hơn cả hàng rào sắt nữa” [15,tr.1447].

Ở miền Nam không tiến được, mỗi ngày một sa đọa, chính vì họ Ngô có tinh thần hẹp hòi, không biết dùng người có tư cách. “Chính sách của họ Ngô thời đó là chỉ dùng những tay sai cũ của Pháp và những người ở đảng Cần lao, những người di cư, còn hạng người không theo cộng cũng là cộng hết ráo. Những chiến sĩ đánh Pháp, theo họ đều là cộng hết” [15,tr.1449].

Chiến tranh khốc liệt, chế độ hà khắc, khiến cuộc sống con người gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những cá nhân có tinh thần vượt lên trên tất cả khó khăn đó, yêu thương giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau thì cũng không ít người sống chỉ vì lợi ích bản thân. Đồng thời, những vấn đề cấp thiết của xã hội cũng như chính trị giai đoạn này cũng được tác giả khái quát một cách đầy đủ và rõ nét.

Tóm lại, qua đi sâu phân tích bốn tác phẩm được trình bày ở trên, ta thấy được tài năng cũng như tâm huyết của Nguyễn Hiến Lê gửi gắm vào đó. Nghiên cứu văn học là một trong những khía cạnh nổi bật trong sự nghiệp đồ sộ của ông. Trong đó, Hương sắc trong vườn văn là một tác phẩm phê bình văn học sâu sắc và mang nhiều giá trị. Đại cương văn học sử Trung QuốcVăn học Trung

Quốc hiện đại là hai bộ văn học sử được xem là đầy đủ và công phu nhất trong

giai đoạn đó. Và dù chỉ có một cuốn tiểu thuyết duy nhất, nhưng không đồng nghĩa với việc nó lu mờ và không có giá trị. Thông qua cuốn tiểu thuyết, ta biết được nhiều điều mới mẻ, bổ ích và hiểu hơn về cuộc sống của tác giả cũng như người dân hai miền Nam Bắc trong giai đoạn đó.

CHƯƠNG 3

ĐÓNG GÓP CỦA NGUYỄN HIẾN LÊ VÀO TIẾN TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA VĂN HỌC

3.1. Tư duy nghiên cứu và sáng tạo

Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam, tập 4: “Tư duy là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức một cách đặc biệt - Bộ não người - Tư duy phản ánh tích cực hiện thực khách quan dưới dạng các khái niệm, sự phán đoán, lý luận...”.

Nhu cầu giao tiếp của con người là điều kiện cần để phát sinh ngôn ngữ. Kết quả tư duy được ghi lại bởi ngôn ngữ. Ngay từ khi xuất hiện, tư duy đã gắn liền với ngôn ngữ và được thực hiện thông qua ngôn ngữ. Vì vậy, ngôn ngữ chính là cái vỏ hình thức của tư duy.

Tư duy là kết quả của nhận thức đồng thời là sự phát triển cấp cao của nhận thức. Xuất phát điểm của nhận thức là những cảm giác, tri giác và biểu tượng... được phản ánh từ thực tiễn khách quan với những thông tin về hình dạng, hiện tượng bên ngoài được phản ánh một cách riêng lẻ. Giai đoạn này được gọi là tư duy cụ thể. Ở giai đoạn sau, với sự hỗ trợ của ngôn ngữ, hoạt động tư duy tiến hành các thao tác so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp, khu biệt, quy nạp những thông tin đơn lẻ, gắn chúng vào mối liên hệ phổ biến, lọc bỏ những cái ngẫu nhiên, không căn bản của sự việc để tìm ra nội dung và bản chất của sự vật, hiện tượng, quy nạp nó thành những khái niệm, phạm trù, định luật... Giai đoạn này được gọi là giai đoạn tư duy trừu tượng.

Nguyễn Hiến Lê không chỉ là nhà văn, mà còn là nhà văn hóa, nhà phê bình, nhà ngôn ngữ học, dịch giả…Cho nên, những công trình nghiên cứu và sáng tạo văn học của ông, là sự kết hợp những trang văn giàu tính nghệ thuật và những trang viết giàu chất thông tin, đòi hỏi nhà nghiên cứu phải tư duy theo

nhiều hướng khác nhau bằng việc đan xen nhiều phương pháp. Tư duy, giúp nhà văn, nhà nghiên cứu phát huy khả năng sáng tạo của bản thân.

Khi dịch sách, Nguyễn Hiến Lê thường chọn những cuốn mà bút pháp của tác giả không trái với bút pháp của ông, nghĩa là phải bình dị, tự nhiên. Ông tâm sự rằng, ông thích sách của Lev Tolstoy, Somarset Maugham. Dịch Chiến tranh và

hòa bình của Tolstoy, mặc dù nhận thấy bộ sách “Rất dài và có nhiều chương lý

thuyết về lịch sử đọc chán lắm”, nhưng ông vẫn dịch trọn, không để sót một dòng. Quan điểm của ông về vấn đề này rất rạch ròi: “Tôi nghĩ tác phẩm đó lớn quá, nước mình nên có một bản dịch đầy đủ, rồi sau muốn phổ biến rộng thì sẽ cắt bớt”.

Là người có lối nghĩ Tây học, tân tiến, song, Nguyễn Hiến Lê vẫn không sao dung nạp được cách sống tự do thái quá, xem nhẹ sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình như ở một số nước Âu, Mỹ. Ông kể: “Người Âu Mỹ, khi lớn rồi thì ra ở riêng, cả tháng, có khi cả năm không lại thăm cha mẹ một lần; cha mẹ già thì đưa vào viện dưỡng lão”. Ông cũng than phiền về một nghịch lý trong xã hội Việt Nam, ấy là việc “Người già phải giữ cháu cho con, sắp hàng mua thực phẩm cho con, nấu cơm cho con. Mấy bạn già của tôi cũng phàn nàn phải làm “vú đực” cho cháu”.

Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê ghi lại tinh thần làm việc say mê và tính kỷ luật của ông: mỗi ngày, ông dành thời gian để sắp xếp tài liệu, ghi chép, suy nghĩ trước khi ngồi vào bàn viết. Ông có thói quen viết vào buổi sáng và buổi chiều, còn buổi tối dành để đọc sách báo. Trung bình mỗi năm ông in ba cuốn sách, tổng cộng khoảng 900 trang. Có người hỏi: “Thời gian ở đâu mà ông viết được nhiều vậy?”. Ông bảo: “Có gì đâu mà nhiều, tính bình quân mỗi ngày chỉ viết có ba trang chứ mấy!”. Viết văn, nhiều người cứ ngồi chờ cảm hứng đến. Với những người như ông, muốn có cảm hứng, phải ngồi vào bàn và cầm bút viết ra giấy. Kiên trì, nhẫn nại, toàn tâm toàn ý, Nguyễn Hiến Lê xây dựng sự nghiệp của mình như vậy. Thật là đáng trọng một nghị lực, một tính cách, một nhân cách: “Hơn 20 năm ở Sài Gòn ông chỉ đi ăn đám cưới bốn, năm lần; ông từ

chối lời mời dạy học ở trường Đại học Văn khoa Sài Gòn vì sợ thì giờ bị phân tán; hai lần ông lịch sự mà kiên quyết không nhận giải thưởng văn học nghệ thuật để giữ trọn sĩ khí của một nhà văn hoá độc lập với chính quyền”.

Ở Sài Gòn thời đó, ông thường xuyên nhận được những cuốn sách mới nhập về từ Âu Mỹ, ông nắm bắt thông tin về khoa học, tư tưởng trên thế giới một cách nhạy bén, kịp thời nhưng ông không vồ vập mà cân nhắc, chọn lọc để giới thiệu cái gì có ích cho dân tộc mình.

Nguyễn Hiến Lê từng nói, để viết ra được một cuốn sách, cần phải đọc thật nhiều sách; viết là một cách học tập, học tập để mà viết. Muốn có gì để nói với mọi người thì trước hết mình, phải nạp năng lượng tri thức và tiêu hoá năng lượng. Nhờ thế, những hạt giống được gieo trong sách mới nẩy mầm và đơm hoa kết trái.

Xét riêng về phương diện thăng tiến trong nghề nghiệp, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hiến Lê cũng là một người thành đạt. Tuy nhiên, ông không chuộng hư danh phù phiếm hoặc an nhiên hưởng thụ thành quả, đánh mất mình, trái lại, lúc nào cũng sống giản dị, tìm cách nói lên tiếng nói trung thực tự đáy lòng để mong vớt vát được phần nào cho tình trạng xã hội đã khá suy bại đương thời. Có lẽ vậy, nên dù không ưa chính trị và không tham gia chính trị, ông vẫn phải nói hoài, viết hoài, dần dần lên đến trên 300 bài báo có tính thời sự, liên quan đủ các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, xã hội... mặt nào ông viết trong loại này cũng không khỏi có dính dáng ít nhiều đến chính trị, bởi một lẽ dễ hiểu là mọi mặt trì trệ trong đời sống xã hội nếu có ở mọi thời đều phải liên quan đến trách nhiệm của kẻ cầm quyền. Nhưng điểm đặc biệt là tất cả những bài ông viết đều không mang dấu ấn của động cơ cá nhân hay có tính đại diện cho bất kỳ phe phái nào, cũng không chỉ trích cá nhân nào trong tầng lớp cầm quyền đương thời, mà chỉ dựa trên lương tri và kiến thức với tâm tình độ lượng thiết tha để phân tích vấn đề một cách khách quan, tinh tường, nhằm góp phần xây dựng những chính sách vĩ mô dài hạn, mang lại lợi ích cho quần chúng.

Với tính cách của người trí thức luôn băn khoăn, trăn trở và ý thức trách nhiệm trước tiến đồ dân tộc, Nguyễn Hiến Lê thường tổng duyệt lại những kinh nghiệm lịch sử, phân tích các mặt ưu, khuyết điểm của phương Đông, phương Tây, rồi dựa trên thực tế văn hoá của nước mình để đề xuất việc nào nên làm, việc nào nên tránh, rồi viết lại như những lời tha thiết dặn dò.

Trong những tác phẩm nghiên cứu và sáng tạo của mình, Nguyễn Hiến Lê có sự lập luận hết sức công bằng, khách quan. Viết về Tô Đông Pha, tác giả không bỏ quên, không vì tình cảm mà xuyên tạc ngòi bút bằng cách hạ những phe đối lập với người mình viết. “Đọc Tô Đông Pha, ta thấy, ông viết về Tô Đông Pha nhưng gián tiếp đề cao Vương An Thạch. Nếu ngòi bút của ông hứng thú khi trình bày những cảm nghĩ và việc làm chân thực của một Tô Đông Pha, nghệ sĩ tài hoa, thì tinh thần của ông cũng rất khoái trá trong việc làm của một Vương An Thạch cách mạng, nhiều sáng kiến” [7,tr.237].

Một phần của tài liệu nguyễn hiến lê – nhà văn, nhà nghiên cứu văn học (Trang 39 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w