5. Bố cục khóa luận
2.3.1. Câu chuyện có thật
Con đường thiên lý, là một câu chuyện có thật, kể về một nhà nho thời Tự
Đức (1847-1883), tên là Trần Trọng Khiêm (1821-1856), người làng Xuân Lũy, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ, vì một câu chuyện rắc rối, ông phải ra tay giết người để trả thù cho vợ, nên ông phải chạy trốn, phiêu bạt khắp thế giới. Tình cờ, ông gia nhập vào một đoàn người nhiều quốc tịch khác nhau đến tìm vàng ở miền Tây nước Mỹ. Đoàn người phải vượt qua hàng ngàn cây số vô cùng gian nan vất vả và họ đã đến được San Francisco, California. Cuối cùng họ tìm được nhiều vàng. Nhưng trong cái “thế giới tìm vàng” đó, nhà Nho đâm ra ghê tởm trước cảnh cướp bóc của những kẻ săn vàng. Kinh hoàng trước cảnh chém giết thê lương, ông quay về California làm nhân viên cho tòa soạn báo Daily Evening, nhưng trong lòng không nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, xứ sở. Ông trở về Hồng Kông và gia nhập quốc tịch Trung Quốc, rồi tìm đường về Việt Nam, định cư ở làng Hòa An, Sa Đéc và sống một cuộc đời nông dân, cày sâu, cuốc bẫm. Nhưng đến khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, ông bỏ nhà, bỏ cửa, ruộng vườn, cùng với Võ Duy Dương (đời sau gọi ông là Thiên Hộ Dương, ?-1865), phất cờ chống Pháp ở Đồng Tháp Mười, và trở thành anh hùng dân tộc.
Theo lịch sử, người Việt đầu tiên sang Mỹ là cụ Bùi Viện, vào năm 1870. Nhưng khi đọc Con đường thiên lý của Nguyễn Hiến Lê, ta lại thấy không phải như vậy. Trước đó 20 năm, một người Việt Nam tên là Lê Kim đã đến Hoa Kỳ với tư cách là một di dân đi tìm đất mới. Đó là thời điểm của năm 1849. Qua năm sau, 1850 California mới chính thức trở thành tiểu bang thứ 31 của Hiệp Chủng Quốc. Câu chuyện về cụ Lê Kim đã được học giả Nguyễn Hiến Lê sưu tầm và viết thành cuốn Con đường thiên lý. Tài liệu tác giả phỏng theo là cuốn tiểu thuyết Pháp có tên Le Ruée Vers L’or của René Lefevre. Cuốn tiểu thuyết kỳ thú của học giả Nguyễn Hiến Lê hoàn toàn dựa trên các dữ kiện lịch sử đã được tra cứu, bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ con cháu họ Trần, từ năm 1930, tại quê hương của cụ cố Trần Trọng Khiêm ở miền Bắc. Đó là Trần Văn Bảng, quê ở Phú Thọ, ông và tác giả là bạn học cùng lớp ở Trường Bưởi, hai người chơi rất thân với nhau. Trần Văn Bảng là một người giỏi Sử và chữ Hán. Một lần, nhận lời mời về nhà chơi, Nguyễn Hiến Lê được ông Bảng dẫn đi tham quan nhiều nơi và kể về câu chuyện của ông Trần Trọng Khiêm, là em ruột của cụ sáu đời nhà ông Bảng. Vợ ông Khiêm là một người nhu mì, lại có nhan sắc. Hồi chưa về làm dâu họ Trần, tên chánh tổng trong miền đã có ý hỏi bà làm vợ lẽ nhưng bà không chịu, thêm ông Khiêm là người cương trực, không coi hắn ra gì nên trong lòng hắn luôn ôm mối hận. Năm 1843, nhân lúc ông Khiêm đi làm ăn xa, hắn cho người giết chết bà và gia nhân, đốt hết nhà cửa. Ông Khiêm vì trả thù cho vợ nên giết chết tên chánh tổng và phải trốn bỏ làng, phiêu bạt khắp nơi. Nhiều lần hỏi thăm tin tức nhưng không thấy, mọi người đều nghĩ ông đã mất tích. Đột nhiên, 16 năm sau, ông gửi thư về cho gia đình, báo tin cho mọi người biết. Bức thư được viết bằng chữ Nôm, Trần Văn Bảng và Nguyễn Hiến Lê không am hiểu chữ Nôm nên chỉ hiểu được đại khái nội dung như sau: “Mấy hàng đầu này cụ Khiêm hỏi thăm hết thảy gia đình bên mình, bên vợ. Rồi cho hay, từ khi bỏ nhà đi, oán trả rồi, xuống phố Hiến làm ăn, được người giới thiệu xuống làm một tàu buôn ngoại quốc, theo tàu qua Hương Cảng, vừa làm việc vừa học tiếng
ngoại quốc. Sau đó, theo tàu buôn qua Anh Cát Lợi, Hòa Lan, cuối cùng qua Hoa Kỳ cùng với một đoàn người đi tìm vàng, nhưng rồi chán cảnh hỗn độn, trụy lạc của xứ đó, nhất là nỗi nhớ quê hương, nhân một chuyến tàu, trở về Hương Cảng, nhập tịch Trung Hoa, cùng với vài người bạn Trung Hoa về tỉnh Định Tường, hiện đã có ruộng đất, nhà cửa ở làng Hòa An, phủ Tân Thành, đủ sống. Đã tục huyền với một thiếu nữ trong miền, họ Phan, có được hai con trai, tên là Xuân Lãm, Xuân Lương. Bức thư được viết ngày rằm, tháng hai, năm 1860” [15,tr.1290].
Qua thập niên 1940, tác giả ở trong Nam thời kháng chiến tình cờ có được cuốn sách Le Ruée Vers L’or (Đổ xô đi tìm vàng), viết về chuyện di dân Mỹ và cả dân châu Âu, Pháp , Đức đi qua Cali tìm vàng. Chuyện này có nhắc đến nhân vật Lê Kim, đây chính là Trần Trọng Khiêm.
Theo như câu chuyện, cụ Lê ra đi với tên họ mới là Lê Kim và trong sách ghi là Kim Lee, vì thường lẫn với người Tàu. Làm việc trên thương thuyền hơn năm năm, qua Hồng Kông, Ma Cao, châu Âu rồi đến Hoa Kỳ. Nhờ giao thiệp với giới thương hồ quốc tế nên Lê Kim nói được tiếng Tàu, Anh, Pháp và Hòa Lan.
Trong cuốn sách viết về lịch sử của đoàn người đi tìm vàng, người ta ghi nhận có tên Kim Lee xuất hiện lần đầu tại New Orleans, tiếp theo là tại St. Louis. Đoàn người thành lập bởi một nhà mạo hiểm gốc Canada tên là Max. Các người tình nguyện gia nhập phải góp công sức và tiền bạc. Tổng cộng có 60 người cùng khởi hành. Ông Lê Kim được ủy nhiệm làm liên lạc viên cho thủ lãnh Max và thông ngôn tiếng Hòa Lan, tiếng Tàu, tiếng Pháp. Từ bờ biển phía Nam Đại Tây Dương, tại cảng New Orleans, Lê Kim đi tàu ngược dòng sông Mississippi lên phía Bắc và tới thành phố St. Louis. Tại đây, ông đã gia nhập vào đoàn của Max. Đoàn lữ hành từ đó bắt đầu Tây tiến đi tìm vàng, cất tiếng hát bài ca nổi tiếng “Oh! Susanna” rồi lên đường hướng về phía Tây Bắc, qua Independence, đến Laramie, Salt Lake City.
Đoàn người vượt sông Nebraska, vượt núi Rocky với nhiều gian nan, vất vả, nhiều người bỏ mạng dọc đường. Trong suốt cuộc hành trình, Lê Kim chứng tỏ mình là người tháo vát, anh hùng. Đặc biệt, ông xử sự rất tử tế, đàng hoàng, luôn được mọi người kính trọng và thủ lĩnh Max rất tin tưởng. Khi đến Salt Lake City, đoàn người bất đồng ý kiến rồi chia làm hai toán. Đa số người Mễ Tây Cơ đi theo đường hướng Bắc. Chỉ còn 14 người, gồm có thủ lãnh Max, Lê Kim… đi về hướng Tây Nam vượt qua sa mạc để vào miền Sacramento của California.
Đoàn của Max khi đến đồn Sutter bên bờ sông Sacramento, được mời vào trình diện đồn trưởng là Đại úy Sutter. Sau đó, tất cả mọi người đều đi đào vàng. Lê Kim và anh bạn Hòa Lan chỉ làm thử một thời gian rồi trở về tìm việc làm ở San Francisco. Năm 1849, Cựu Kim Sơn là một thành phố bừa bộn đang tái lập trật tự. Lê Kim và anh bạn Hòa Lan phải dựng chòi dưới chân đồi ở tạm.Vài ngày sau, Lê Kim nhận được việc làm tại tòa báo Daily Evening, vì biết nhiều thứ tiếng nên ông dễ dàng đi thu lượm tin tức. Nhân vật Lê Kim mất dấu từ đây. Cuốn tiểu thuyết còn một vài chương sau, nhưng chỉ là những câu chuyện về nhân vật Max, một đôi chỗ có nhắc tới Kít, còn các nhân vật khác không đề cập đến.
Cuối năm 1952, Nguyễn Hiến Lê về Sài Gòn, ông cố gắng tìm tìm kiếm thêm tài liệu và tung tích của ông Lê Xuân Liêm, người có cuốn Le Ruée Vers
L’or nhưng tất cả đều vô vọng. Năm 1961, nhân có một cậu du học sinh sang
Đại học California, Nguyễn Hiến Lê nhờ kiếm giúp những số báo Daily
Evenrning xuất bản trong những năm 1849-1954. Cũng buộc miệng nói vậy chứ
ông cũng không hi vọng gì nhiều. Thế nhưng, hè năm 1962, ông nhận được tin ở thư viện còn giữ những bài báo đó, trong đó, có hai bài viết về Max và một bài về Lee Kim. Đồng thời, cuối năm 1962, ông cũng được một người bạn gửi cuốn
L’or của Blaise Cendrars, chép tiểu sử của tướng Suter và đã tìm được cuốn Le
Ruée Vers L’or, vì sách đã tuyệt bản nên ông nhờ bạn ông tóm tắt những chương
đầu của truyện. Thế là không uổng công ông tìm kiếm bấy lâu nay, nhưng vấn đề quan trọng lúc này là tìm được ông Lê Xuân Liêm để biết được câu chuyện
khi về Việt Nam của cụ Trần Trọng Khiêm. Trong thời gian này, không khí trong nước vô cùng căng thẳng nên ông cũng không còn tâm trí nghĩ đến việc tìm ông Lê Xuân Liêm nữa. Năm 1964, ông viết thư về làng Mỹ Quới, quê của ông Lê nhưng không có hồi âm, ông lại đăng tin tức tìm người. Bẵng đi bảy tám năm, năm 1972, ông nhận được thư của Lê Xuân Lưu, con trai của Lê Xuân Liêm. Đến đây, những thắc mắc của tác giả đã được giải đáp.
Như vậy, Nguyễn Hiến Lê đã trải qua 42 năm, từ những năm 1930 khi ông còn học ở trường Bưởi cho đến khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết năm 1972, mới hoàn tất Con đường thiên lý về cuộc đời của một nhân vật lịch sử từ họ Trần miền Bắc đến họ Lê miền Nam.