Ngôn ngữ và giọng điệu

Một phần của tài liệu nguyễn hiến lê – nhà văn, nhà nghiên cứu văn học (Trang 49 - 52)

5. Bố cục khóa luận

3.3. Ngôn ngữ và giọng điệu

“Ngôn ngữ là một bộ phận cấu trúc tác phẩm. Ngôn ngữ cấu trúc tác phẩm xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ tự nhiên nhưng nó không chỉ phục tùng quy luật ngôn ngữ mà còn phục tùng quy luật cấu trúc tác phẩm với tư cách là hệ thống

năng lượng. Ngôn ngữ không chỉ là chất liệu mà còn là phương tiện kết hợp với hệ thi pháp - cũng là một năng lượng vật chất - tạo nên giá trị tác phẩm” [13,tr.29].

Ngôn ngữ của văn học không chỉ là ngôn ngữ của hình tượng mà còn là hình tượng của ngôn ngữ, nó còn là chất liệu cho ngôn từ văn học. “Bởi vì ngôn ngữ không chỉ là phương tiện vật chất để miêu tả mà còn là đối tượng của miêu tả” [13,tr.29].

Ngôn ngữ là công cụ để thực hiện chức năng tư duy và giao tiếp giữa con người với con người trong xã hội. Trong nghệ thuật, ngôn ngữ trở thành chất liệu xây dựng nên thế giới hiện thực phản ánh cuộc sống. Trong văn học, ngôn ngữ phản ánh một cách cụ thể, chính xác, sinh động những biến đổi tư duy của văn học. Bởi ngôn ngữ, ngoài chức năng định danh, còn có chức năng biểu hiện đời sống bên trong của con người. Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên nhà văn sử dụng trong quá trình sáng tạo tác phẩm, cũng là yếu tố xuất hiện trong sự tiếp xúc của người đọc với tác phẩm.

Văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Nhà văn là nhà sáng tạo ngôn từ. Nó được cá thể hóa đến mức trở thành quy luật ngữ pháp riêng, giọng điệu riêng của từng người chứ không chỉ tuân theo ngữ pháp chung của ngôn từ. “Đối với văn chương, người đọc không phải chỉ để hiểu mà để cảm, nghĩa là cảm nhận thấy toàn bộ những gì nhà văn gửi gắm đằng sau những hàng chữ, vượt ra khỏi nghĩa của từng từ, từng chữ. Đối với văn chương, nếu chỉ bám vào những kí hiệu trực tiếp, chỉ là một cuộc tìm kiếm vô bổ trong nghĩa địa của ngôn từ” [12,tr.183]. Do đó, giọng điệu văn chương, cũng xuất phát từ ngôn ngữ, song nó có nghĩa rộng hơn nhiều, nó bao hàm cả ngữ cảnh, thái độ, quan niệm, cách ứng xử…và cá thể hóa đến mức trở thành đặc trưng riêng biệt của từng người.

Giọng điệu và ngôn ngữ là một trong những nhân tố quyết định đến giá trị tác phẩm cũng như tạo một phong cách riêng cho mỗi nhà văn. Theo Từ điển

thuật ngữ văn học, giọng điệu được hiểu như là một “Thái độ, tình cảm, lập

trong lời văn, quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm… Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ, tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và có tác dụng truyền cảm cho người đọc…Giọng điệu là phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học, nó đòi hỏi người trần thuật, kể chuyện, hay nhà thơ trữ tình phải có khẩu khí, có giọng điệu…”[4,tr.134].

Ngôn ngữ, giọng điệu mang sắc thái riêng của mỗi cá nhân. Do đó, mỗi người có một ngôn ngữ, giọng điệu khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu phản ảnh để có ngôn ngữ, giọng điệu phù hợp. Ngôn ngữ, giọng điệu thể hiện tâm tình và phản ánh tâm trạng nhà văn. Vì vậy, nó có nhiều sắc thái khác nhau: vui, buồn, giận hờn, trách móc, châm biếm, mỉa mai…

Nguyễn Hiến Lê từng tâm sự rằng, hồi trẻ, khi viết văn, ông hơi mắc bệnh khoa trương. Sau này tuổi càng lớn, ông càng trân trọng sự bình dị. Những gì viết trước đây, nếu chưa kịp in thì ông cũng chỉ giữ lại làm kỷ niệm, chứ không cho in lại nữa.

Trọng sự bình dị, ông còn trọng cá tính của mình nữa. Một lần, có nhà biên tập sau khi đọc đoạn văn ký sự của ông, đã cất công đảo câu văn lên, câu văn xuống, cắt tỉa, thêm bớt cho “có nhạc hơn”. Ông khen người nọ “sửa khéo” nhưng khi đưa in bài viết, ông giữ nguyên đoạn văn ông viết vì thấy phải nói như thế mới tự nhiên, mới đúng ý, đúng cảm xúc của mình.

Khi viết thể loại chính luận, do không có tư tâm, tư kỷ nên lời văn Nguyễn Hiến Lê thường trung thực, mạnh mẽ, đôi khi gay gắt, phẫn nộ, đả thẳng vào cái thói tệ hại của nhà cầm quyền, nên bài viết khi đăng ra thường bị đục bỏ nhiều chữ, nhiều đoạn do chế độ kiểm duyệt báo chí của hệ thống thông tin lúc bấy giờ. Mặc dù, đôi khi không thể không gay gắt trong cách bày tỏ nhưng thái độ của ông cơ bản vẫn luôn ôn hoà, nhũn nhặn và thấu tình đạt lý, chứ không bao giờ nói càn theo kiểu thiếu trách nhiệm để thoả mãn cái tôi.

Nguyễn Hiến Lê viết rất nhiều sách về loại “Học làm người”, những cuốn đó đều được viết với một giọng văn thành thực, thân mật, với một nhiệt tâm giúp đỡ thanh niên bằng những kinh nghiệm sống của bản thân ông.

Điều chân lý đối với Nguyễn Hiến Lê là văn phải thật tự nhiên, rõ ràng, minh bạch. Do đó, giọng văn của ông: “Khi thì bình đạm như nói sự thực bằng những danh từ cụ thể và chính xác, diễn tả được đúng mức sự việc; khi thì dịu dàng, đằm thắm, phản ánh xác thực tâm hồn chân thực và cái duyên đặc biệt của người miền Nam; khi thì duyên dáng, thỉnh thoảng xen chút ít mỉa mai, dí dỏm, triết lý vào; khi thì sôi nổi như tuôn ra hết cái gân sức lên đầu ngọn bút; khi thì khêu gợi, tình tứ, hoặc bóng bẩy một cách tự nhiên, hoặc rực rỡ từ hoa như vận dụng cái kho “Hương sắc trong vườn văn” mà diễn tả cho được cảm xúc của mình hay của người đã viết ra tác phẩm cho mình chọn mà dịch; khi thì hùng tráng trong cái vẻ cổ kính Á đông; khi thì tinh luyện, minh xác mà nghiêm trang như trong một số bài nghị luận vừa đủ tình, đủ lý, không khô khan, không rườm rà, vừa đạt tới cái mức cao nhất về phương diện kỹ thuật; khi thì tha thiết mà tâm lý như Tội bà ngoại, tựa Thế hệ ngày mai…” [6,tr.280].

Văn chương Nguyễn Hiến Lê đặc sắc ở chỗ, ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, lối diễn đạt dễ hiểu, không ước lệ, không tô vẽ. Khi dịch sách nước ngoài, ông chú ý việc dịch sát nghĩa, ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu, chứ không lai, pha, làm mất đi bản sắc Việt Nam trong văn từ mà ngược lại, làm nổi lên đặc điểm trong sáng của ngôn ngữ Việt. Có thể nói, ngôn ngữ, giọng điệu trong nghiên cứu và sáng tạo văn học của Nguyễn Hiến Lê, “Vừa hoạt bát, tự nhiên; vừa nghiêm trang cảm khái; vừa khí khái cao ngạo, vừa triết lý, duyên dáng, dí dỏm; vừa đẹp đẽ, tươi tắn, trẻ trung, nhí nhảnh nữa; vừa nhẹ nhàng lịch sự với một ít chua cay thật tế nhị, tài tình” [6,tr.299].

Một phần của tài liệu nguyễn hiến lê – nhà văn, nhà nghiên cứu văn học (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w