Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong đầu tư công

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên (Trang 74 - 79)

5. Bố cục của luận văn

4.2.1. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong đầu tư công

4.2.1.1. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch

Công tác quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch chi tiết phải đi trước một bước. Để đảm bảo tính thống nhất của quy hoạch từ tỉnh đến huyện, quy hoạch phải do Tỉnh quản lý, điều phối chung, không được mạnh ai nấy làm. Quy hoạch phải được hiệu chỉnh kịp thời, đáp ứng sự thay đổi nhu cầu của thị trường. Phải gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị. Chuyển mạnh từ lối quy hoạch hành chính, áp đặt và thiếu khả thi, không tính đến nhu cầu của thị trường sang quy hoạch xuất phát từ yêu cầu của thị trường, từ đó có bước đi và lộ trình đầu tư có hiệu quả hơn.

Các ngành, các cấp cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, coi trọng chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, phải coi quy hoạch là cơ sở xuất phát để xây dựng các kế hoạch đầu tư phát triển của ngành, của địa phương. Các dự án đầu tư phải tuân thủ theo quy hoạch bao gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng. Phải có các chế tài đủ mạnh đối với các dự án đầu tư không tuân thủ quy hoạch hoặc làm sai quy hoạch.

4.2.1.2. Phân công, phân cấp rõ ràng, xây dựng chế độ trách nhiệm các chủ thể tham gia các giai đoạn của dự án

+ Giai đoạn lập dự án:

Mọi dự án đều phải theo quy hoạch, kế hoạch. Chỉ triển khai khi dự án có trong quy hoạch, kế hoạch. Nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của HĐND các cấp trong phê duyệt kế hoạch, dự án đầu tư. Quy định bắt buộc chủ đầu tư phải là đơn vị sử dụng, khai thác, vận hành dự án.

+ Giai đoạn thực hiện dự án:

Kiên quyết không đưa vào kế hoạch mọi dự án thiếu thủ tục. Chỉ khởi công dự án khi đảm bảo vốn. Chỉ khởi công công trình khi đã giải phóng mặt bằng theo tiến độ.

+ Giai đoạn vận hành, khai thác dự án:

Quy định chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm ở toàn bộ vòng đời dự án. Bổ sung các quy định về bảo trì, bảo dưỡng, duy tu với dự án, trong đó đưa ra các quy định nhằm đảm bảo thực hiện đúng theo thời gian quy định. Đảm bảo cấp đủ vốn theo tiến độ duy tu, bảo dưỡng nhằm đảm bảo tuổi thọ công trình.

4.2.1.3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban quản lý dự án

Ban quản lý là đơn vị được đại diện cho chủ đầu tư để thực hiện quản lý dự án khi chủ đầu tư không có đủ năng lực chuyên môn để trực tiếp quản lý. Do không phải là chủ đầu tư đích thực nên Ban quản lý dự án có thể thiếu đi sự ràng buộc trách nhiệm quản lý tài sản, bảo toàn vốn khi dự án đi vào hoạt động, từ đó dẫn đến việc buông lỏng quản lý là một trong những nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư. Do vậy cần kiện toàn việc tổ chức Ban quản lý dự án gắn với việc nâng cao trình độ quản lý cho các thành viên trong ban quản lý.

Đối với mỗi dự án, công trình có đặc thù khác nhau (giao thông, thủy lợi...) do đó trong mô hình tổ chức quản lý cần linh hoạt, tránh rập khuôn cứng nhắc, áp dụng mô hình tổ chức của dự án này cho dự án khác không tương thích.

4.2.1.4. Quản lý tốt việc cấp phát vốn và thanh toán vốn đầu tư

Việc cấp phát vốn đầu tư phải gắn với nhu cầu thực tế của công trình, phù hợp với tiến độ thi công của các hạng mục công trình, tránh tình trạng cấp phát vốn tràn lan dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn không cao.

Tiếp tục thực hiện cấp phát vốn theo cơ chế đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Đó là với các dự án chuyển tiếp trong năm kế hoạch, thực hiện cấp phát tối đa 80% tổng vốn đầu tư của dự án; các dự án khởi công mới trong năm kế hoạch cấp phát tối thiểu 50% vốn; các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng thực hiện cấp phát 100% vốn sau khi đã được xác định chi phí đầu tư thực tế cuối cùng.

Mặt khác cần nâng cao chuyên môn của cán bộ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo công tác nghiệm thu công trình đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng công trình đưa vào sử dụng, qua đó nâng cao chất lượng thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Khi cấp phát vốn cho các dự án đầu tư để thanh toán cho giá trị khối lượng thực hiện, cơ quan cấp phát vốn phải kiểm tra chặt chẽ tính pháp lý của hồ sơ xin cấp phát. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm từng khâu, từng cấp, từng đơn vị có liên quan một cách cụ thể, có chế độ thưởng phạt rõ ràng.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ linh hoạt giữa Kho bạc nhà nước tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ đầu tư để tổ chức tập huấn về công tác giải ngân vốn cho chủ đầu tư, thực hiện thanh toán vốn theo chế độ một cửa, đúng quy trình, thông thoáng, nhanh chóng và chặt chẽ.

4.2.1.5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước thường xuyên hơn, liên tục hơn để chống thất thoát lãng phí trong đầu tư công

Kiểm toán nhà nước và các cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính cần tăng cường công tác chuyên môn nghiệp vụ để thẩm định, đối chiếu, so sánh, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; ngăn ngừa, phát hiện những sai sót trong lập kế hoạch dự án đầu tư, bảo đảm chất lượng đầu tư, chống tham nhũng. Kiên quyết xuất toán các khoản chi sai mục đích, không đúng khối lượng, đơn giá, không đúng tiêu chuẩn định mức, vượt dự toán lớn. Cần thực hiện chế độ trách nhiệm vật chất, kể cả trách nhiệm đối với nhà thầu, tư vấn giám sát trong việc xác nhận thanh toán khối lượng thiếu trung thực, không đúng quy định. Việc thanh toán vốn đầu tư phải được tiến hành theo đúng quy trình và phương thức thanh toán theo tiến độ thực hiện.

Thực hiện giám sát ngay từ khâu bố trí vốn cho dự án để đảm bảo tuân thủ đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt. Giám sát khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động đầu tư dự án nhằm ngăn chặn những hành vi gây lãng phí, thất thoát vốn nhà nước. Thực hiện chặt chẽ khâu lập, thẩm định trước khi trình phê duyệt dự án đầu tư. Sử dụng cơ chế thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực kiểm tra và thẩm tra chất lượng các sản phẩm của tất cả quá trình đầu tư dự án.

4.2.1.6. Sử dụng nguồn vốn Ngân sách tập trung, chống dàn trải, chống thất thoát, thực hiện tiết kiệm, chống tiêu cực và lãng phí

Xử lý kịp thời, nghiêm minh trong việc sử dụng Ngân sách Nhà nước cho đầu tư công. Làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với Thủ trưởng đơn vị sử dụng Ngân sách Nhà nước trong quản lý điều hành ngân sách khi để xảy ra thất thoát, lãng phí và chi tiêu không đúng mục đích. Phải kiên quyết đình hoãn những dự án không hiệu

quả, không bố trí vốn những dự án không đủ thủ tục đầu tư, không phê duyệt dự án nếu không xác định được nguồn vốn thực hiện cho việc đầu tư mới.

4.2.1.7. Có chế tài đủ mạnh để nâng cao trách nhiệm của người quyết định đầu tư

Người quyết định đầu tư sai, gây lãng phí, thất thoát phải bị xử phạt hành chính, cắt chức hoặc truy cứu trách nhiệm. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả, chất lượng của dự án, chấm dứt tình trạng giao cho người không đủ điều kiện năng lực và chuyên môn nghiệp vụ thực hiện quản lý dự án. Sắp xếp Ban quản lý dự án theo đúng các tiêu chí và tiêu chuẩn phù hợp. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên Ban quản lý dự án, phát hiện kịp thời những vấn đề phát sinh và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời.

4.2.1.8. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định hiệu quả dự án

Hiện tại, các dự án đầu tư của Tỉnh còn quá sơ sài, còn nhiều nhược điểm, chưa có dự án đầu tư công nào phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội. Phương pháp phân tích chi phí vòng đời chưa được áp dụng trong so sánh chọn lựa phương án. Đánh giá tác động môi trường nếu có chỉ là hình thức.

Việc thẩm định, phân tích các lợi ích kinh tế xã hội mà dự án mang lại đảm bảo cho quá trình sử dụng vốn đúng mục đích và đem lại hiệu quả cao nhất. Bởi thế, nâng cao chất lượng công tác thẩm định là vấn đề cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư.

Việc thẩm định chủ yếu dựa vào sự đánh giá của các cán bộ, chuyên gia trực tiếp thực hiện công tác này do đó chất lượng công tác thẩm định phụ thuộc phần lớn năng lực, trình độ chuyên môn của người làm công tác thẩm định. Cần thường xuyên cập nhật thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật mới, đưa cán bộ đi học tập, bồi dưỡng. Từ đó mới có thể tham mưu đề xuất được những dự án đảm bảo hiệu quả đồng vốn bỏ ra.

Xây dựng hệ thống quy trình thẩm định rõ ràng, chặt chẽ đảm bảo tính khách quan trên cơ sở bám sát các tiêu chuẩn, quy định của nhà nước.

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên (Trang 74 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)