Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên (Trang 36 - 38)

5. Bố cục của luận văn

3.1.1.Điều kiện tự nhiên

Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi trung du, nằm trong vùng trung du và miền núi Bắc bộ, có dịện tích tự nhiên 3.531,02 km2. Tỉnh Thái Nguyên phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía tây giáp với tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang, phía đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang và phía Nam tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội.

Với vị trí địa lý là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi đông bắc nói chung, Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc bộ. Sự giao lưu này được thực hiện thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình dẻ quạt mà thành phố Thái Nguyên là đầu mối. Đường Quốc lộ 3 từ Hà Nội lên Bắc Kạn, Cao Bằng cắt dọc toàn bộ tỉnh Thái Nguyên chạy qua thành phố Thái Nguyên là cửa ngõ phía Nam nối Thái Nguyên với Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh khác trong cả nước, đồng thời còn là cửa ngõ phía Bắc qua tỉnh Bắc Kạn lên Cao Bằng thông sang biên giới Trung Quốc. Các quốc lộ 1B, 37 cùng với hệ thống tỉnh lộ, huyện lộ là những mạch giao thông quan trọng nối Thái Nguyên với các tỉnh xung quanh. Tuyến đường sắt Hà Nội - Quan Triều, Lưu Xá - Kép - Đông Triều nối với khu công nghiệp Sông Công, khu Gang Thép và thành phố Thái Nguyên. Vị trí này đã và đang tạo điều kiện cho Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế vùng miền núi Bắc Bộ, nhất là sau khi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được xây dựng xong.

Cùng với vị trí trung tâm của Việt Bắc, Thái Nguyên còn là nơi hội tụ nền văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc, là đầu mối các hoạt động văn hóa, giáo dục của cả vùng núi phía Bắc rộng lớn.

Địa hình: Thái Nguyên có nhiều dãy núi cao chạy theo hướng Bắc Nam và thấp dần xuống phía Nam. Cấu trúc vùng núi phía Bắc chủ yếu là đa phong hóa mạnh, tạo thành nhiều hang động và thung lũng nhỏ. Phía Tây Nam có dãy Tam Đảo với đỉnh cao nhất 1.590m, các vách núi dựng đứng và kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Ngoài dãy núi trên còn có dãy Ngân Sơn bắt đầu từ Bắc Kạn chạy theo hướng Đông Bắc, Tây Nam đến Võ Nhai và dãy núi Bắc Sơn chạy theo hướng Tây Bắc, Đông Nam. Cả ba dãy núi Tam Đảo, Ngân Sơn, Bắc Sơn đều là những dãy núi cao che chắn gió mùa đông bắc.

Địa hình Thái Nguyên không quá phức tạp so với các tỉnh trung du, miền núi khác. Đây là một thuận lợi của Thái Nguyên cho canh tác nông lâm nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung. Thái Nguyên nằm trong vùng sinh khoáng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương. Hiện đã phát hiện 177 điểm quặng và mỏ khoáng sản với hơn 30 loại hình khoáng sản khác nhau phân bố tập trung ở các huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai...

Thái Nguyên có 176.731 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên là 96.303 ha và rừng trồng là 80.428 ha. Diện tích đất chưa sử dụng là 15.761 ha chủ yếu là núi đá không có rừng cây.

Thái Nguyên có nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên và nhân tạo như Hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, Núi Văn, Núi Võ; các bảo tàng văn hóa, di tích lịch sử và các di tích kiến trúc nghệ thuật đình, đền, chùa, hang động như khu di tích ATK Phú Đình, đình Phương Độ, đền thờ Đội Cấn...

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên (Trang 36 - 38)