Thực trạng tăng trưởng kinh tế

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên (Trang 49 - 55)

5. Bố cục của luận văn

3.2.1.Thực trạng tăng trưởng kinh tế

3.2.1.1. Tổng quan tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2001 - 2010

Nền kinh tế tỉnh Thái Nguyên, nhìn chung, gắn liền với sự thăng trầm của nền kinh tế cả nước. Giai đoạn 2001-2005, cùng với đà phục hồi kinh tế của thế giới sau khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực Đông và Đông Nam Á (bùng nổ vào cuối năm 1997, đầu năm 1998), nền kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã có sự khởi sắc. GDP cả nước tăng từ 292.535 tỷ đồng năm 2001 lên 393.031 tỷ đồng năm 2005, đạt tốc độ tăng

trưởng bình quân 7,51%/năm. Ở giai đoạn này, các chỉ tiêu tăng trưởng của tỉnh Thái Nguyên cũng có sự biến đổi tương ứng. Năm 2001, GDP của tỉnh (theo giá cố định 1994) là 2.653,58 tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2001 - 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,14%/năm. Đến năm 2005, GDP của tỉnh đã đạt 3.773,03 tỷ đồng, tăng 9,35% so với năm 2004 và bằng 142,19% so với năm 2001.

Những kết quả đạt được là do những cải cách mạnh mẽ về pháp lý và kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế bắt đầu phát huy hiệu quả, đi kèm với nỗ lực cao của chính quyền, nhân dân cả nước nói chung cũng như địa phương tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Hình 3.1. Diễn biến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước và tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2001-2005 (phụ lục 1)

(Nguồn: website Tổng cục thống kê, Niên giám Thống kê Thái Nguyên năm 2005, 2006)

Giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xu hướng tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng bình quân từ 2006 - 2010 đạt 11,08 %. Tuy nhiên, 2 năm 2008 - 2009 tốc độ tăng trưởng

kinh tế có chiều hướng giảm và giảm mạnh nhất vào năm 2009 xuống còn 9,31%. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế này vẫn đảm bảo kế hoạch đề ra. Sở dĩ như vậy là vì năm 2009 tiếp nối những khó khăn của sự khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới 2008, làm cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và đầu tư giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ở giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cả nước đạt 7,01%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của tỉnh Thái Nguyên. Nguyên nhân một phần do kinh tế Thái Nguyên không phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và tỷ trọng sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thấp hơn so với bình quân chung cả nước nên kinh tế trên địa bàn bị ảnh hưởng nhẹ hơn.

Hình 3.2: Diễn biến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước và tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006 - 2010 (phụ lục 1)

(Nguồn: website Tổng cục thống kê, Niên giám Thống kê Thái Nguyên 2010)

Nhìn chung, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2001 - 2010 có những thăng trầm theo diễn biến chung của kinh tế cả

nước do ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,11%. Theo đó, GDP bình quân đầu người liên tục tăng, đời

sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Năm

2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 17,52 triệu đồng, tăng gấp 5,53 lần so với năm 2001.

3.2.1.2. Tăng trưởng kinh tế theo ngành

Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế tỉnh Thái Nguyên có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành Công nghiệp - xây dựng không ngừng tăng lên, tỷ trọng ngành dịch vụ có xu hướng tăng nhưng chậm hơn, còn tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản có xu hướng giảm dần. Nếu như năm 2001, giá trị ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 32,55%, tiếp theo là ngành nông lâm thủy sản chiếm 34,55%, dịch vụ chỉ chiếm 31,3% thì đến năm 2010 tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng vượt xa hai ngành còn lại, đạt 45,36%, ngành dịch vụ vươn lên thứ hai đạt 33,44%, ngành nông lâm thủy sản chỉ còn chiếm 21,2%. Diến biến về sự thay đổi cơ cấu kinh tế ngành của tỉnh Thái Nguyên được biểu diễn qua hình 3.3:

Hình 3.3: Cơ cấu kinh tế tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2001 - 2010

Trong giai đoạn này, cơ cấu kinh tế cả nước có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng duy trì tỷ trọng ngành dịch vụ trong tổng GDP, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng có xu hướng tăng, ngành nông lâm nghiệp thủy sản có xu hướng giảm sút. Đây là kết quả của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Hình 3.4: Cơ cấu kinh tế cả nước giai đoạn 2001 - 2010

Nguồn: website Tổng cục Thống kê

Từ hình 3.3 và 3.4 cho thấy tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên có sự khác biệt so với cả nước. Ngành công nghiệp - xây dựng của tỉnh được phát triển trên cơ sở khai nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh với những sản phẩm chủ yếu như sắt, thép, xi măng, than và các loại quặng kim loại khác (kẽm, titan...). Trong tương lai, tỉnh cần có chính sách chuyển hướng vào các dự án chế biến sâu khoáng sản, đồng thời phát triển ngành dịch vụ để theo kịp với cơ cấu tăng trưởng chung của cả nước.

3.2.1.3. Tăng trưởng kinh tế theo thành phần kinh tế

Xét theo thành phần kinh tế, trong giai đoạn 2006 - 2010, GDP của tỉnh Thái Nguyên có sự khác biệt so với cả nước.

Hình 3.5: GDP tỉnh Thái Nguyên theo thành phần kinh tế giai đoạn 2006 - 2010

(Nguồn: Niên giám Thống kê Thái Nguyên 2010)

Đồ thị cho thấy, GDP tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006 - 2010 tăng trưởng theo xu hướng tăng dần giá trị GDP khu vực kinh tế Nhà nước, tỷ trọng GDP khu vực nhà nước trong GDP tăng từ 42,01% năm 2006 lên 44,39% năm 2010. Tỷ trọng khu vực ngoài nhà nước (bao gồm kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) có xu hướng giảm dần tương ứng, từ 57,99% năm 2006 xuống 55,61% năm 2010.

So sánh với cả nước, cơ cấu GDP của tỉnh có sự khác biệt hẳn. Cụ thể tại hình 3.6:

Hình 3.6: GDP cả nước theo thành phần kinh tế giai đoạn 2006 - 2010

(Nguồn: website Tổng cục Thống kê)

Nhìn vào đồ thị GDP theo thành phần kinh tế của cả nước giai đoạn 2006 - 2010, ta thấy xu hướng ngược lại so với tỉnh. Tỷ trọng GDP khu vực Nhà nước giảm dần theo từng năm, từ 39,89% GDP năm 2006 xuống 36,99% năm 2010. Tỷ trọng GDP khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng dần tương ứng, từ 60,11% năm 2006 lên 63,01% năm 2010. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Điều này phần nào cho thấy, kinh tế khu vực Nhà nước có vai trò lớn trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên. Đây là điểm cần lưu ý đối với các nhà quản lý trong việc hoạch định, hướng chính sách ưu tiên vào khu vực nào để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên (Trang 49 - 55)