3 Lý thuyết định lượng trong quản trị

Một phần của tài liệu Tiểu luận quản trị tác nghiệp Quy trình tín dụng của VPBank (Trang 30 - 33)

Thế chiến II đã đặt ra nhiều vấn đề mới cho việc quản trị. Nước Anh đã thành lập đội nghiên cứu hành quân (Operation research team) bao gồm các nhà khoa học để tìm cách chống lại sự tấn công của Đức.

Kết thúc chiến tranh thế giới II và từ thập niên 50, các kỹ thuật định lượng được các nhà công nghiệp Mỹ quan tâm và áp dụng vào nghiên cứu, tạo điều kiện để nâng cao tính chính xác của các quyết định quản trị. Kết quả từ những cố gắng này của họ đã làm nảy sinh một lý thuyết nữa về quản trị ra đời. Lý thuyết quản trị mới này được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: lý thuyết hệ thống (system theory), lý thuyết định lượng về quản trị (quantitative management), lý thuyết khoa học quản trị (management science). Tất cả tên gọi này chẳng qua nhằm để biểu đạt ý nghĩa về lý thuyết quản trị mới này được xây dựng trên nhận

thức cơ bản rằng “quản trị là quyết định” và muốn việc quản trị có hiệu quả, các quyết định phải đúng đắn).

Do sự bùng nổ về thông tin và cuộc cách mạng về thông tin, xã hội loài người có những bước chuyển biến mang tính cách mạng mạnh mẽ trên bình diện của từng nước và toàn cầu, kéo theo đó là những thay đổi có tính cách mạng trong việc áp dụng những kỹ thuật công nghệ cao vào các quá trình lao động. Cùng với những trào lưu này, trường phái quản trị định lượng với cơ sở là lý thuyết quyết định, đã áp dụng có hiệu quả thống kê và sự phát triển của mô hình toán kinh tế với sự trợ giúp của máy tính điện tử vào quá trình ra quyết định. Trường phái này dựa trên sự suy đoán là tất cả các vấn đề đều có thể được giải quyết bằng các mô hình toán, và nó có các đặc tính sau:

- Nhấn mạnh phương pháp khoa học trong khi giải quyết các vấn đề quản trị.

- áp dụng phương pháp tiếp cận hệ thống để giải quyết các vấn đề. - Sử dụng các mô hình toán học.

- Định lượng hoá các yếu tố có liên quan và áp dụng các phép tính toán học và xác suất thống kê.

- Chú ý các yếu tố kinh tế kỹ thuật trong quản trị hơn là các yếu tố tâm lý xã hội.

- Sử dụng máy tính điện tử làm công cụ.

- Tìm kiếm các quyết định tối ưu trong hệ thống khép kín.

Theo lý thuyết định lượng, hệ thống được các tác giả định nghĩa như sau: + Berthalanfly: Hệ thống là phối hợp những yếu tố luôn luôn tác động lại với nhau.

+ Miller: Hệ thống là tập hợp các yếu tố cùng với những mối quan hệ tương tác.

Tổng hợp những khái niệm trên, chúng ta có thể thấy hệ thống là phức tạp của các yếu tố:

+ Tạo thành một tổng thể + Có mối quan hệ tương tác.

+ Tác động lẫn nhau để đạt mục tiêu.

Doanh nghiệp là một hệ thống. Đó là một hệ thống mở có liên hệ với môi trường (với khách hàng, với nhà cung cấp, với các đối thủ cạnh tranh…). Nó có một mục tiêu đặc thù: tạo ra lợi nhuận. Hệ thống doanh nghiệp bao gồm nhiều phân hệ có mối quan hệ tương tác với nhau như: phân hệ công nghệ, phân hệ nhân sự, phân hệ tài chính, phân hệ tổ chức, phân hệ quản trị, phân hệ kiểm tra…

Như vậy, lý thuyết quản trị định lượng có các đặc trưng cơ bản sau: - Trọng tâm chủ yếu là để phục vụ cho việc ra các quyết định. Giải pháp được tìm thấy nhờ các kỹ thuật phân tích định lượng chỉ rõ cách thức mà các nhà quản trị có thể tiến hành.

- Sự lựa chọn dựa trên tiêu chuẩn kinh tế. Biện pháp hành động được lựa chọn dựa vào những tiêu thức có thể đo lường được như chi phí, doanh thu, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư và những tác động của thuế.

- Sử dụng các mô hình toán học để tìm giải pháp tối ưu. Các tình huống được giả định và các vấn đề được phân tích theo các mô hình toán học.

- Máy tính giữ vai trò rất quan trọng. Máy tính được dùng để giải quyết những “bài toán vấn đề” phức tạp mà nếu tính toán bằng tay sẽ tốn rất nhiều chi phí và thời gian.

Tóm lại: Trường phái định lượng trong quản trị có các ưu và nhược điểm sau:

- ưu điểm:

+ Định lượng là sự nối dài của trường phái cổ điển (quản trị một cách khoa học)

+ Trường phái định lượng thâm nhập hầu hết trong mọi tổ chức hiện đại với những kỹ thuật phức tạp. Ngày nay khoa học quản trị, quản trị tác nghiệp và quản trị hệ thống thông tin rất quan trọng cho các nhà quản trị các tổ chức lớn và hiện đại. Các kỹ thuật của trường phái này đã đóng góp rất lớn trong việc nâng cao trình độ hoạch định và kiểm tra hoạt động.

- Hạn chế:

+ Không hề chú trọng đến yếu tố con người trong tổ chức quản trị.

+ Các khái niệm và kỹ thuật quản trị của lý thuyết này khó hiểu cần phải có những chuyên gia giỏi, do đó việc phổ biến lý thuyết này còn rất hạn chế.

Một phần của tài liệu Tiểu luận quản trị tác nghiệp Quy trình tín dụng của VPBank (Trang 30 - 33)