Mục đích của nghiên cứu là đánh giá mức độ hài lòng công việc của người lao động tại Công ty Điện lực Hải Dương. Vì vậy tổng thể nghiên cứu được xác định là toàn bộ nhân viên đang làm việc tại Công ty. Việc xác định tổng thể nghiên cứu có ý nghĩa rất quan trọng bởi việc xác đinh tổng thể sẽ giúp nhà nghiên cứu lập được khung mẫu và lựa chọn phần tử cho điều tra mang tính đại điện cho tổng thể cao (Nguyễn Cao Văn, 2009).
Để đảm bảo độ tin cậy của nghiên cứu việc lựa chọn một cỡ mẫu phù hợp là cần thiết. Nguyên tắc chung cho việc chọn mẫu là cỡ mẫu càng lớn càng chính xác. Tuy nhiên trong những cỡ mẫu quá lớn cũng ảnh hưởng đến thời gian và chi phí để thực hiện nghiên cứu. Vì vậy các nhà nghiên cứu thường đưa ra các khuyến nghị chọn cỡ mẫu phù hợp với khả năng và đảm bảo tính tin cậy cần thiết (ví dụ: Suanders et al, 2007; Nguyễn Đình Thọ, 2011). Nguyên tắc xác định cỡ mẫu cần thiết phụ thuộc vào tổng thể nghiên cứu và phương pháp phân tích. Các phương pháp lấy mẫu theo quy tắc xác suất thống kê thường dựa vào quy tắc lấy mẫu hai lần. Lần thứ nhất mẫu lấy ngẫu nhiên từ 100 đến 200 mẫu, sau đó dựa trên độ lệch chuẩn và suy điễn thống kê để xác định mẫu cần lấy thích hợp (Nguyễn Cao Văn, 2009). Một số nhà nghiên cứu đưa ra các quy tắc kinh
nghiệm cho việc lấy mẫu cho các phương pháp phân tích khám phá nhân tố hay phân tích hồi quy. Lấy ví dụ Lee and Comrey (1992 dẫn theo Maccalum et al, 1999) đưa ra quy tắc lấy cỡ mẫu và các mức độ tương ứng như: 100 = tốt, 200 = khá, 300 = tốt, trên 1000 = tuyệt vời. Nhìn chung các quy tắc lấy mẫu kinh nghiệm là chưa thống nhất giữa các nhà nghiên cứu khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu này với những giới hạn về nguồn lực cho nghiên cứu nên tác giả cũng sẽ lấy mẫu theo quy tắc cỡ mẫu tối thiểu có thể chấp nhận được. Cỡ mẫu được xác định là 200 theo quy tắc của Lee and Comrey (1992) đạt mức khá. Đồng thời cỡ mẫu này cũng thỏa mãn nhiều quy tắc lấy mẫu khác nhau. Sau khi xác định cỡ mẫu cần điều tra, các bảng hỏi được xây dựng hoàn thiện sẽ được chuyển tới cho người lao động đang làm việc tại tất cả các bộ phận tại Công ty điện lực Hải Dương. Thời gian thực hiện thu thập dữ liệu nghiên cứu từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2013.
Phương pháp thu thập dữ liệu: Để thu được dữ liệu nghiên cứu dùng cho phân tích thống kê. Sau xây dựng được bảng câu hỏi điều tra hoàn chỉnh cho điều tra thực nghiệm (xem thêm 3.4) tác giả sẽ tiến phát phiếu điều tra cho người lao động đang làm việc tại Công ty điện lực Hải Dương. Các phiếu điều tra sẽ được chuyển xuống cho trường các bộ phần kèm theo một bảng hướng dẫn trả lời để đảm bảo người lao động hiểu đúng các câu hỏi đưa ra. Sau khi người lao động điền đầy đủ các thông tin trả lời cần thiết sẽ được tập hợp cho các trưởng bộ phận và chuyển về cho tác giả để tiến hành nhập liệu và phân tích.