1. Vận dụng phép biện chứng duy vật trong kinh doanh
1.6. Trong các hoạt động quản trị khác
Vận dụng phép biện chứng duy vật vào thực tiễn để chỉ đạo sản xuất kinh doanh, điều hành doanh nghiệp thể hiện rất nhiều khía cạnh cụ thể khác nhau của khoa học, khoa học quản lý kinh tế, quản lý con người, văn hoá, đạo đức… tạo ra sức mạnh tổng hợp, trong đó mỗi khía cạnh là một chuyên đề khoa học khá lý thú. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu một số ý kiến được rút ra từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực quản lý sản xuất kinh doanh, cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phê phán các hình thức biểu hiện của tư tưởng duy tâm chủ quan; đồng thời phải củng cố, xây dựng quan điểm và phương pháp tư duy duy vật biện chứng để chỉ đạo sản xuất kinh doanh. Đó là vấn đề bức thiết cần phải có trong việc tạo dựng những tố chất của người quản lý hiện nay.
Sản xuất kinh doanh vốn là một hoạt động thực tiễn khá phong phú. Quản lý sản xuất kinh doanh bao hàm sự tác động qua lại lẫn nhau một cách tổng hợp nhiều mối quan hệ mang tính kinh tế - kỹ thuật - xã hội - nhân văn. Thông qua quá trình cạnh tranh sản xuất kinh doanh hằng ngày trong doanh nghiệp, những điều tai nghe, mắt thấy và cả những suy nghĩ, việc làm đều phản ánh sự biến đổi có tính quy luật của sự vật, tính năng động chủ quan của con người. Cuộc sống sản xuất kinh doanh sôi động của doanh nghiệp vẫn là nơi bồi dưỡng và rèn luyện cực kỳ sâu sắc và sinh động thế giới quan duy vật biện chứng cho mỗi thành viên, nhất là với người quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế quản lý sản xuất kinh doanh hoặc nhiều hoặc ít, tự giác hoặc không tự giác biểu hiện ra một số quan điểm duy tâm và phương pháp siêu hình trong công việc nên dẫn đến những tổn thất nhất định trong công tác sản xuất kinh doanh.
Phạm vi của việc quản lý tương đối rộng, nó bao gồm nhiều mặt hoạt động: sản xuất kinh doanh, kỹ thuật, tài vụ, kế hoạch và tổ chức của toàn bộ doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng của việc quản lý sản xuất tập trung biểu hiện ở thành quả sản xuất và hiệu quả kinh tế. Thực tế trong quá trình sản xuất, những hoạt động của con người và của sự vật (tài liệu, công cụ, thiết bị, thành phẩm…) không ngừng biến đổi. Đó là những tác động qua lại một cách biện chứng giữa cái khách quan và cái chủ quan. Vì vậy, tư duy của người quản lý cũng phải linh động, mềm dẻo để phù hợp với những điều kiện khách quan đang biến đổi đó.
Trong doanh nghiệp phải có cơ cấu bộ máy quản lý, điều hành và có các phân xưởng, tổ sản xuất và cá nhân tham gia trực tiếp qua trình lao động sản xuất kinh doanh. Do đó sản xuất kinh doanh đang tiến hành, đang phát triển, con người đang hoạt động, sự vật đang biến đổi, mâu thuẫn bên trong các mặt và giữa các mặt với nhau đang phát sinh, phát triển và chuyển hóa không ngừng. Những yếu tố mấu chốt của vấn đề (mâu thuẫn) sản xuất kinh doanh không ngừng xuất hiện và không ngừng được khắc phục. Vấn đề cũ đã được giải quyết, vấn đề mới lại nảy sinh. Nhưng nội dung của các vấn đề ấy tuyệt nhiên không giống nhau, hình thức biểu hiện rộng - hẹp, nông - sâu cũng không như nhau, mà thực chất và biểu hiện của vấn đề lại ẩn hiện luôn luôn bất định. Chỉ đạo sản xuất kinh doanh như chỉ huy trận đánh, nếu người quản lý chưa được rèn luyện và trang bị kiến trức về chủ nghĩa duy vật biện chứng một cách cơ bản, không có sự hiểu biết rộng rãi về sản xuất, kinh doanh, về điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, không nắm được nghệ thuật quản lý sản xuất thì khó tránh khỏi bị mất phương hướng, hoặc rơi vào thế bị động và bối rối.
Biểu hiện của tư tưởng duy tâm chủ quan, duy ý chí thường gặp trong việc quản lý sản xuất kinh doanh rất đa dạng, nhưng chủ yếu thường có các mặt sau đây:
Tư tưởng chỉ đạo thoát ly điều kiện hiện thực khách quan một cách nghiêm trọng. Nó biểu hiện trong việc xác định các chỉ tiêu, đặt ra kế hoạch sản xuất
kinh doanh hoặc là mạo hiểm, hoặc là bảo thủ, thiếu tính nhìn xa trông rộng trong việc chỉ đạo sản xuất kinh doanh.
Tách con người ra khỏi sự vật, không thấy hết vai trò to lớn, phát huy được tính năng động chủ quan của con người. Biểu hiện đó là sau khi đặt ra kế hoạch sản xuất kinh doanh thì thiếu những biện pháp về kỹ thuật và tổ chức có hiệu lực, không có khả năng đáp ứng thực hiện những biện pháp đó.
Gặp những vấn đề sản xuất phức tạp, không tìm ra “đầu mối” (yếu tố then chốt), tức là không vạch ra được mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu. Do đó mà không thể giải quyết thẳng vào vấn đề một cách nhanh chóng, không giải quyết được mặt chủ yếu để thức đẩy các mặt khác, cũng không thể chuyển hoá nhân tố tiêu cực thành nhân tố tích cực thúc đẩy sản xuất kinh doanh một cách mau chóng.
Trong việc quản lý sản xuất thiếu linh hoạt hoặc không hiểu tính linh hoạt một cách chính xác. Nó biểu hiện khi chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sản xuất hoặc “tuyệt đối không sửa đổi”, hoặc “tuỳ tiện sửa đổi”.
Trong quản lý, không kết hợp được giữa yếu tố “giữ tính nguyên tắc”với “phát huy tính sáng tạo”. Biểu hiện rõ nhất của hậu quả này là trượt dài sang chủ nghĩa giáo điều, hoặc biểu hiện thành chủ nghĩa kinh nghiệm.
Khi cải cách chế độ quản lý, không kết hợp được việc “phá bỏ” với việc “xây dựng”, mà biểu hiện tư tưởng này là muốn “phá” là “phá”, muốn “xây” là “xây”, tách rời mối quan hệ hài hoà của chúng với nhau.
Tóm lại: Doanh nghiệp tồn tại và phát triển tùy thuộc vào phương thức quản lý, nhưng phương thức quản lý lại bị các tư tưởng quản lý chi phối, cho nên con người trong doanh nghiệp từ giám đốc đến nhân viên, suy cho cùng đều chịu sự chi phối của các tư tưởng quản lý ấy. Trong điều hành doanh nghiệp cần tránh những căn bệnh chủ nghĩa duy tâm chủ quan, duy ý chí sẽ làm cho chúng ta thất bại trong điều hành sản xuất, có khi lái định hướng nền kinh tế đi chệch khỏi mục tiêu đã chọn. Cho nên muốn điều hành tốt doanh nghiệp hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất đề ra, tạo được môi trường văn hoá lành mạnh trong kinh doanh, chúng ta phải thường xuyên trau dồi vốn kiến thức hiểu biết của mình, bồi dưỡng cho mình một thế giới quan duy vật biện chứng, đồng thời phải ra sức đấu tranh chống những biểu hiện của tư tưởng duy tâm chủ quan, siêu hình trong công tác điều hành sản xuất kinh doanh, quản lý doanh nghiệp.