Giới thiệu, phân tích tranh, tượng tiêu biểu của hoạ sĩ Việt Nam

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG MỸ THUẬT HỌC (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM MỸ THUẬT) (Trang 41 - 42)

- Tạo chất: là thêm vào để tạo ra những thứ khác.

4.3.2. Giới thiệu, phân tích tranh, tượng tiêu biểu của hoạ sĩ Việt Nam

(Phân tích qua các slide phiên bản mỹ thuật qua máy chiếu) - Đề tài, thể loại, chất liệu hội họa, đồ họa.

- Phân tích nội dung nghệ thuật - Phân tích về hình thức biểu đạt

Trần Văn Cẩn (1910 - 1994) thuộc thế hệ họa sĩ MTĐD đầu tiên của Việt nam, được đào tạo chính qui, vững vàng nghề nghiệp, và là một trong số những họa sĩ đi đầu nghiên cứu đưa sơn mài trở thành chất liệu của nghệ thuật tạo hình. Tác phẩm tát nước đồng chiêm (sm, 1958) sáng tác vào giai đoạn đầu hoà bình là tác phẩm sơn mài thành công nhất của ông, thể hiện niềm vui lao động tập thể của người nông dân sau cải cách ruộng đất, thành lập hợp tác xã. Trên cánh đồng trải rộng gần lấp chân trời, trong một gam màu xám sẫm gợi vẻ khô cằn của đồng chiêm, những cô thôn nữ nét mặt tươi cười hồ hởi, hàng đôi say sưa tát nước, dáng điệu nhịp nhàng uyển chuyển như một điệu múa chèo. Đàn cò lao xao về tổ gợi không khí đầm ấm, trữ tình của làng quê. Bố cục và tạo hình của tranh tự nhiên, truyền cảm. Nét vẽ bay bổng, mềm mại. Đây là một thành công của họa sĩ khi cố gắng tiến gần tả thực trên chất liệu sơn mài vốn khó tính, khó đi vào tả thực. Ngoài ra, bức tranh cũng toát lên vẻ đẹp tinh thần của con người mới XHCN, lạc quan yêu đời, hăng say lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, một yêu cầu chính trị đặt ra lúc bấy giờ. Trần Văn Cẩn cũng là họa sĩ có tài và có duyên khi vẽ chân dung và các chủ đề về phụ nữ.

Mùa đông đang đến (sm, 1960), Thằng cu đất mỏ (sm, 1964) của ông đều là những tác phẩm thể hiện thế giới nội tâm bình dị, chan chứa tình cảm của người phụ nữ, trong niềm vui gia đình đoàn viên. Mùa đông đang đến gợi một ngày thu vàng rực rỡ, có cái đẹp bâng khuâng lộng lẫy của thiên nhiên. Những thiếu phụ hiền thục đang ngồi đan áo thanh thản, hạnh phúc bên con trẻ trong sự chờ đợi, hy vọng. Đâu đây như có một làn gió thu se lạnh thoảng qua mái tóc, cành cây và tà áo bồng bềnh của họ. Bằng một vài màu cơ bản: son, vàng, đen, trắng vỏ trứng, họa sĩ đó tạo được phối sắc ấm áp, gam màu vàng đỏ gợi không khí mùa thu, vẻ đẹp lộng lẫy lung linh của sơn mài cũng như sức diễn đạt diệu kỳ của chất liệu được phát huy cao độ. Một tình cảm lưu luyến, bền chặt, đoàn tụ như niềm mơ ước hoà bình của tác giả gửi gắm vào bức tranh. Hình ảnh chim bồ câu như ẩn dụ về niềm vui hoà bình, hạnh phúc ở tầm khái quát. Bức tranh Con đọc bầm nghe (lụa, 1955) bắt nguồn từ phong trào đón thương binh về nhà nuôi dưỡng, thể hiện tình cảm quân dân sâu nặng, đồng thời phản ánh cuộc chiến tranh đó qua với cái nhìn lạc quan, giàu tính nhân văn: anh thương binh đang ngồi đọc báo Cứu quốc cho bà cụ vừa ôm cháu vừa chăm chú ngồi nghe. Bên anh, một bé gái tay cầm cành hoa đang tò mò ghé sát tờ báo...Một không gian tràn ngập tình người, tình yêu thương đồng loại. Hoà sắc ấm dịu dàng, trong trẻo ở mảng tranh sơn dầu, bút pháp của Trần Văn Cẩn ít có sự thay đổi so với trước kia, chủ yếu vẫn là lối vẽ hiện thực pha ấn tượng của trường MTĐD mà ông theo đuổi từ những năm 40, nhưng thế giới quan của ông đã có nhiều thay đổi. Các nhân vật trong tranh bớt đi vẻ đài các, tư lự, mơ mộng thị dân, thêm vào chất khoẻ mạnh, hào hứng, lãng mạn cách mạng. Tác phẩm Nữ dân quân miền biển (sd, 1960) là một ví dụ điển hình về sự thay đổi hình tượng trong sáng tác của Trần Văn Cẩn theo xu hướng hiện thực XHCN. Hình tượng người thiếu nữ tươi tắn, duyên dáng, khoẻ mạnh, được phóng to cận cảnh như chủ nhân của đất nước với ánh mắt lạc quan, vui sống, tràn trề hạnh phúc. Phía sau cô là toàn bộ trời mây sông nước, không khí và ánh sáng lung linh, nhiều sắc độ, được vẽ bằng bút pháp chấm phá ấn tượng tài hoa, truyền cảm, giàu chất hội họa. Song song lĩnh vực sáng tác, họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng là Tổng thư ký của Hội MTVN trong nhiều năm. Trên cương vị này, ông đã có những đóng góp nhất định cho sự hình thành và phát triển của mỹ thuật. Ở ông kết hợp một cách hài hòa phẩm chất của người nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội và nhà giáo uy tín, đáng kính.

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ là một trongnhững tác phẩm tiêu biểu, điển hình nhất cho tinh thần nghệ thuật của Nguyễn Sáng. Tác phẩm thể hiện một lễ kết nạp Đảng trong chiến hào. Tám nhân vật chiến sĩ choán gần hết nền tranh. Một người đỡ đồng đội bị thương, một người khác giơ tay như tuyên thệ. Phần còn lại là vách chiến hào với lá cờ đỏ. Các nhân vật được phóng to chính diện, cận cảnh. Ngôn ngữ hội họa được hiện đại hóa bằng cách lược bỏ viễn cận và vờn khối, giản hoá đường nét, tạo hình vững chãi, góc cạnh. Bố cục khỏe, chặt, dồn nén hình và không gian trong một hòa sắc đậm, đanh bởi chất sơn mài, tất cả tạo cảm giác về sức mạnh bi tráng, lòng quả cảm và ý chí chiến đấu của người chiến sĩ Điện Biên. Nguyễn Sáng thường tạo hình bằng mảng phẳng và nét, dựng những gam màu đầm nặng, ít màu nhưng nhiều sắc độ, gợi không gian. Ở sơn mài, ông chủ trương rời bỏ hoàn toàn tính trang trí mỹ nghệ, đồng thời cũng không áp dụng kỹ thuật mầu dầu châu Âu để cố gắng tả thực như nhiều họa sĩ Việt Nam từng làm. Nhìn chung, ngôn ngữ nghệ thuật của ông rõ ràng, đậm cá tính, nét vẽ tài ba, ngang tàng, phóng khoáng, lúc thì khỏe, lúc mảnh mai, mềm mại, tình cảm, thiết tha. Nguyễn Sáng có nhiều ảnh hưởng tới thế hệ trẻ bởi ông cũng là một cầu nối hiện thực hoá giữa nghệ thuật dân tộc- dân gian với tính hiện đại. Do hoàn cảnh chính trị xã hội của đất nước, nhiều họa sĩ tham gia kháng chiến đó thực sự trở thành họa sĩ - chiến sĩ trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Đây là đặc điểm chung của mỹ thuật Việt Nam sau năm 1945, nghệ thuật gắn bó với cuộc sống, với chính trị, ý thức được vận mệnh dân tộc và phản ánh hiện thực đấu tranh cách mạng.

Trong tác phẩm Ra đồng (sm, 1961) của Trần Đình Thọ, thiên nhiên rực rỡ tưng bừng, những người nông dân gồng gánh, đẩy xe cút kít trên con đường hẹp trong buổi sáng hoan ca của thiên nhiên đầy nắng và gió. Mọi chi tiết từ những tàu lá chuối tung tẩy đung đưa, những cành xoan non tơ thanh mảnh, những khóm tre, bụi khoai bên bờ ao đều được chăm chút bằng chất sơn mọng thắm lộng lẫy. Nghệ thuật của ông hướng tới hiện thực chân phương, bình dị, kết hợp với tính trang trí còn khá đậm dấu ấn của mỹ nghệ truyền thống. Bức Tre (sm, 1957) là một ví dụ, rất gần với tính trang trí mỹ nghệ. Ông sử dụng mấy màu ước lệ cơ bản của sơn mài như son, then, vàng, để tả thuần tuý bóng tre vàng trước gió, trên nền sơn đỏ thắm, vừa rực rỡ, vừa đạm bạc kiêu hãnh, gợi lại một góc cảnh quê. Ở bức Hành quân đêm (sm, 1974), cũng vẫn với cấu tứ trang trí đó, ông thêm vào một đoàn bộ đội hành quân, súng vác vai, đi qua luỹ tre làng để tạo thêm chủ đề và sức nặng nội dung cho tác phẩm.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG MỸ THUẬT HỌC (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM MỸ THUẬT) (Trang 41 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w