Vẽ tranh lụa

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG MỸ THUẬT HỌC (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM MỸ THUẬT) (Trang 25 - 32)

Phác thảo bố cục

Thông thường, ý định sáng tác của hoạ sĩ chuẩn bị qua các bước phác thảo. Đối với người mới vào nghề thì bước chuẩn bị này rất quan trọng. Chỗ dựa của ý định bố cục là các tư liệu, những ký hoạ đã ghi chép từ trước. Cũng như các chất liệu khác, bố cục tranh lụa cũng tuân theo các qui luật bố cục đã được đúc kết. Chỗ khác là hoạ sĩ cần tìm tòi gạn lọc để bố cục đáp ứng được cảm xúc của mình và phù hợp với chất lụa vốn mỏng manh, nhẹ, trong trẻo và óng ả.

Nhiều khi, ý định sáng tác nảy ra tử tiếp xúc với thực tế, có lúc những ghi chép nhanh, bất chợt lại gợi cho hoạ sĩ ý định bố cục. Nhưng khi ý định hình thành rồi, nghĩa là được phác ra trên giấy rồi, thì cần có những nghiên cứu bổ sung vì những ghi chép nhanh thường không đầy đủ. Việc nghiên cứu bổ sung lại giúp nảy sinh ra những ý mới và làm cho bố cục hoàn chỉnh.

Nhiều người ít quan tâm đến việc chuẩn bị này. Họ thường thiếu kiên nhẫn trong việc nghiên cứu sâu, và cứ yên trí với những tư liệu sơ lược. Việc tìm hoà sắc cho bố cục cũng vậy, cần tìm ra hoà sắc cho thích hợp và việc này cũng đòi hỏi kiên nhẫn.

Phóng to phác thảo bố cục

Phác thảo thường được tìm ở khuôn khổ nhỏ, dễ quán xuyến toàn bộ bố cục và có thể điều phối các mảng hình nhanh chóng. Khi phác thảo đã ổn định thì phóng to bằng khuôn khổ lụa định vẽ. Khi phóng to lên, lại có thể nảy sinh những vấn đề mới về tỉ lệ các mảng và cả chi tiết, có thể nảy sinh ý mới làm hoàn chỉnh thêm bố cục. Từ lúc bắt đầu đến lúc phóng to phác thảo là một quá trình tiếp diễn của sự tìm tòi. Không nên đóng đinh vào ý định ban đầu và sao chép nô lệ cái ý phác thảo ban đầu.Bước này các hình trong bố cục đã được phóng to, rất có thể cần đến nghững nghiên cứu bổ sung cho hình, và cũng là lúc cần tìm tòi xây dựng những hình đẹp. Khi phác thảo đã phóng to và hoàn chỉnh việc xây dựng hình, phân phối mảng, có thể dùng giấy can đặt lên can lại, lúc này vẵn có thể điều chỉnh tiếp nếu thấy cần thiết.Nên dùng mực đen, hoặc bút chì đen đậm can hình lên giấy can để khi bản hình đặt dưới lụa, các nét hằn lên dễ nhìn.

Chú ý: Không nên phóng to bản hình bằng đúng khuôn khổ lụa đã căng vì khi vẽ xong thế nào lụa cũng bị xén lẹm ở các cạnh, và như vậy sẽ ảnh hưởng đến bố cục. Vì vậy khi phóng bản hình cần trừ hao mỗi cạnh ít nhất la từ nửa đến một phân so với khổ lụa đã căng hình.

Can hình lên mặt lụa

Đặt một tấm ván mỏng (gỗ dán hoặc carton) nhỏ hơn lòng khung căng lụa. Kê cao tấm ván lên bằng hoặc cao hơn một chút chiều dày của khung căng lụa. Nửa tấm ván co màu đậm, thì cần dính lên một tờ giấy trắng và đặt ngay ngắn bản hình bằng giấy can lên. Việc này nhằm làm cho các nét vẽ của bản hình trên giấy can được nhìn rõ hơn. Đặt khung lụa lên trên bản sao cho bản hình nằm đúng vị trí, rồi can hình lên lụa. Nên dùng bút chì mềm để can phòng khi cần tẩy xoá. Vết chì mềm dễ tẩy đi hơn.

Vẽ tranh lụa

Khi vẽ, lụa cần để ngang lên bàn, có thể kê cho lụa nghiêng dốc về phía người vẽ để tầm mắt dễ nhìn. Lót dưới khung lụa một tờ giấy trắng sạch để dễ nhìn hình và màu. Có những người coi thường việc chuẩn bị này, giấy bản cũng đem lót dưới lụa, ảnh hưởng xấu trong khi vẽ. Cũng có thể để lụa trên giá vẽ hoặc đặt lụa trên bàn có độ dốc lớn, đằng sau khung căng lụa bao giờ cũng kê một tấm ván mỏng có lót giấy trắng sạch.

Vẽ lụa trên giá vẽ có thuận lợi là hoạ sĩ luôn luôn có thể lùi để quan sát mặt lụa, nhưng có nhược điểm là khi vẽ trên mặt lụa ướt, màu dễ bị chảy dọc xuống. Muốn tránh màu bị chảy bút vẽ phải đựng ít màu nước thậm chí gần như bút khô, nhằm cho mặt lụa không bị nhồi thêm nước màu dễ bị chảy, hoặc chờ cho mặt lụa se lại chỉ còn hơi ẩm hãy vẽ.

Đặc điểm của lụa là mỏng, trong và óng. Cần giữ sạch khi vẽ, luôn luôn cần hai ống đựng nước, một để rửa bút, một đựng nước sạch để quét làm lụa ẩm. Khi nước rửa bút bị bẩn cần thay ngay.

Khi vẽ, màu thấm vào các thớ lụa, cần chắc tay để tránh tẩy xoá. Màu nước trong không giống chất liệu sơn dầu hoặc bột màu, tempera hoặc acrylic. Không thể dùng màu nước để lấp, bịt lẫn nhau. Mảng màu đã đen thì không thể trắng được nữa. Khi thấy mặt lụa có nhiều cặn màu, có thể mang cọ rửa, nhưng không nên rửa tràn lan, mặt lụa sẻ bị xác ra, dễ bị nặng nề mệt mỏi. Không nên lúc nào cũng vẽ trên mặt lụa ướt sũng, màu nọ sẽ loang sang màu kia dễ gây sự lù mù. Với những mảng nhỏ không cần thiết phải làm ướt mặt lụa. Những mảng màu lớn như khoảng trời, mặt nước… hoặc những miếng màu tuy nhỏ nhưng muốn diễn tả cho êm, có thể vẽ trên nền lụa ẩm hoặc ướt vừa phải. Khi muốn vẽ thêm màu vào một mảng nào đó, nên chờ khô hẳn rồi làm ẩm lại hãy vẽ tiếp, để tránh màu dồn vào một điểm trông khi xung quanh đã gần khô. Bút vẽ khi khô, khi ướt vừa, tuỳ theo yêu cầu diễn tả, búp lông của bút vẽ không nên lúc nào cũng sũng nước, thậm chí còn có khi cần phải chùi đầu bút vào giấy thấm hoặc giẻ sạch, hoặc lấy ngón tay vắt bớt màu ở bút đi.

Những mảng màu đậm có thể vẽ nhiều lần bằng các sắc màu khác nhau, nhằm làm cho màu chín nhuyễn và óng ánh, còn với các mảng màu sáng không nên vẽ đi vẽ lại nhiều lần để giữ sự trong trẻo.

Hãy xem các mảng màu nâu của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh, nhìn kĩ những mảng nâu ta thấy chúng không chỉ là nâu đơn giản, mà trong đó còn ánh lên lục, đỏ, vàng đen. Màu nâu của Nguyễn Phan Chánh sâu, chín, nhuần nhị, nó óng ánh lên một cách dịu dàng trầm tĩnh. Sinh thời, Nguyễn Phan Chánh đã nói về cách xử lý: vẽ nhiều lần, nhiều màu trên một mảng, đem xối nước rồi lại vẽ đến khi vừa ý. Việc đem lụa ra xối nước của Nguyễn Phan Chánh làm trôi những cặn màu đi, chỉ còn giữ lại tinh chất của màu là một tìm tòi phát hiện riêng của hoạ sĩ.

Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân cũng đã dày công tìm kiếm một hoà sắc với màu nâu tím như màu phất lên các quạt giấy bán ở chợ quê.

Vì lụa rất trong và nhất là loại lụa dệt thưa, nhưng màu đậm hoặc đen khó đạt được mức độ đậm như vẽ trên giấy, do nền giấy biểu ánh lên qua các kẽ lụa thưa, vì vậy không nên cố ép cho đậm mà cần quan tâm đến tương quan của đậm nhạt. Trong quá trình vẽ một tranh lụa, thỉnh thoảng (đợi khi lụa đã khô) áp sát lạu vào mặt giấy trắng để kiểm tra độ đậm nhạt. Khi sát mặt giấy, những mảng đậm, đen sẽ đậm hơn, và các mảng sáng sẽ sáng hơn, để hoạ sĩ có thể điều chỉnh các tương quan theo ý định.

Một số như lụa Hà Đông, lụa Trung Quốc khi day bút màu vào các mảng đậm, các thớ lụa ngang dọc hiện lên rất rõ, nó cho một hiệu quả mà mọi chất liệu khác không có. Màu đậm do cách sử lí ấy đã thấm sâu vào các thớ lụa đến mức có khi rửa cọ, màu cũng không thôi ra nữa. Màu nước vốn trong, khi vẽ những mảng màu sáng, bút vẽ có thể ướt qua các mảng đậm đã vẽ vẫn không bị ảnh hưởng làm đổi màu đã vẽ, mà lại làm cho ranh giới nơi gặp nhau giữa màu sáng và tối mềm đi không bị sắc cạnh.

Vì là màu trong nên có thể pha màu trên bảng màu, hoặc pha màu ngay trên lụa bằng cách lần lượt vẽ các lớp màu khác nhau lên cùng một mảng khi lớp trước đã khô. Ví dụ có thể phủ một lớp vàng lên trên lớp xanh, phủ đen loang hoặc xanh lên đỏ… để có được màu theo ý muốn. Từ lúc bắt đầu cầm bút vẽ lên lụa, cho đến khi kết thúc, vẫn là tiếp tục một quá trình sáng tác. Không làm việc sao chép phác thảo một cách máy móc. Lụa thường mang lại hiệu quả êm, dịu mà phác thảo trên giấy không thể có. Phác thảo chỉ là điểm tựa. Khi theo dõi phác thảo, cần nhặt ra những gì phác thảo đã đạt để phát triển. Vì khi tìm tòi phác thảo hoạ dĩ thường có sự mạnh bạo và thoải mái.

Khi vẽ cần có sự thanh thản từ đầu đến cuối, sự gò bó dễ đưa đến kết quả kho cứng, mệt mỏi. Lụa không có khả năng diễn tả như chất liệu sơn dầu. Sơn dầu có khả năng diễn tả chất, ví dụ, vải, lụa, xa tanh, thủy tinh, vàng, bạc….chất nào ra chất ấy. Không nên bắt ép lụa phải diễn tả không gian, ánh sáng, khối nổi, diễn chất y như sơn dầu . Mặc dù đã nắm vững phương pháp nghiên cứu của sơn dầu, khi đi vào vẽ lụa. Họ không cố tìm cách phát huy cái riêng của lụa. Họ không cố tìm cách diễn tả tự nhiên, nhiều khi chỉ gợi lên sáng, chiều, mưa… nhằm gửi gắm vào đó một ý vị nào đó.

Biểu lụa là dán lên lưng tranh một lớp giấy nhằm làm cho tranh phẳng phiu, không bị xô các thớ lụa. Cũng có những hoạ sĩ không biểu tranh, khi vẽ xong chỉ xén lụa ra và đính các cạnh lụa lên carton hoặc ván hậu khung kính đã có lớp giấy nền. Sau đây là mấy cách biểu mà nhiều hoạ sĩ đã thực hiện.

Cách biểu lụa thứ nhất

Biểu giấy thẳng lên phía lưng tranh lụa khi tranh còn ở trên khung căng. Cách này có thuận lợi là tranh chưa bị xén rời khung, nên đảm bảo được hình vẽ không bị méo đi do cắt rời khung.

- Không tốn nhiều ván bồi nếu phải biểu nhiều tranh.

- Tranh biểu rồi chỉ việc mắc lên đinh trên tường, tranh không bị áp sát vào ván nên dễ khô nhanh.

Dụng cụ để biểu

Một tấm ván rộng hơn khuôn khổ tranh để đặt giấy biểu lên và quét hồ lên giấy. Ván này có thể là vóc sơn mài, hoặc kính dày, hoặc tấm nhựa (fomica), cũng có thể là tấm gỗ dán. Ván luôn luôn phải rất sạch. Một tấm ván khác, cũng to hơn khổ lụa, thật sạch để đặt úp lên mặt tranh lụa xuống để biểu. Một bút lông rộng bản để quét hồ, có thể là một thép sơn mài khổ rộng. Thép sơn mài có thể là làm bằng tóc người, khi gạt hồ dễ đều trên giấy, ít bị rụng lông như các loại bút lông khác làm lông dính vào giấy nền.

Cũng có thể dùng chổi thông bồi điệp của làng Đông Hồ. Chổi thông phải được luộc chín để cho các sợi lá dai, dầu lá thông ở chổi phải được đập rập ra cho mềm. Một xoong nhôm để nấu hồ. Một bút lông rộng bản khác để vuốt lên lưng giấy đã quét hồ xuống lưng tranh. Một bút vẽ nhỏ lông bẹt, sạch, khô, để lùa giấy biểu vào sát các cạnh khung căng và các góc. Có thể dùng ba bốn lông cánh gà thay cho bút để làm việc này. Lông cánh gà vừa mềm lại vừa cứng, lùa giấy vào cạnh và góc khung không làm giấy bị rách. Một thước gỗ bẹt, thẳng, dài hơn chiều dài của tranh. Bột hồ: người ta đã dùng nhiều loại bột làm hồ như bột mì, bột sắn, bột đao. Nhưng tốt nhất là bột tẻ. Bột tẻ lọc để làm bánh giò là tốt nhất, nó mịn và dễ nhuyễn.

Chuẩn bị

Nấu hồ: Bột tẻ lọc ngâm trong nước vài giờ cho nhuyễn. Nếu bột có một hoặc bụi cần lọc qua rây bột sau khi ngâm. Tỷ lệ: 1 bột 6 nước. Hồ nấu chín, luôn tay quấy bằng đũa sạch không để bị cháy. Khi hồ chín, mang xoong hồ ra đổ một ít nước lạnh lên mặt hồ sao cho nước ngập hết hồ. Lớp nước lá này làm cho hồ không bị đóng váng ở trên mặt khi hồ nguội. Lúc sắp biểu thì gạn nước đi. Trước khi nấu hồ có thể cho một ít nước bồ kết đặc để chống gián nhấm. Giấy để biểu: Có thể dùng các loại giấy, nhưng phải là giấy thấm nước và có đọ co giãn đều. Tuỳ theo hoà sắc của tranh mà chọn giấy sáng trắng, ngà hay giấy hơi “ghi” (gris). Các loại giấy thường được dùng để biểu là: giấy báo, giấy dó, giấy siến chỉ, giấy tàu bạch.

Đặc biệt giấy siến chỉ rất xốp, dễ bị mủn ra khi gặp nhiều nước, cho nên khi biểu bằng siến chỉ thì hồ lại phải nhiều nước, cho nên khi biểu bằng siến chỉ thì hồ lại phải quét lên lưng lụa chứ không quét hồ lên giấy. Giấy đặt lên lưng lụa đã quét hồ phải vuốt nhanh để giấy không bị rúm khi gặp hồ. Giấy biểu được xén trước nhỏ hơn khổ tranh mỗi cạnh chừng 1 ly để khi giấy gặp hồ giấy giãn ra là vừa.

Biểu lụa

Hai ván sạch đặt nằm trên hai mặt bàn, 1 ván để quét hồ lên giấy biểu, 1 ván để đặt úp mặt tranh lụa xuống. Giấy biểu đặt lên ván, dùng bút to (thép sơn mài là tốt nhất) lấy nhiều hồ đặt vừa vào giữa giấy, bút quét lần lượt từ giữa giấy ra 4 cạnh, đầu tiên làm thành một dấu công (+) để giữ giấy thẳng, sau đó gạt hồ ra 4 phía đến khi hồ kín mặt giấy, rồi dùng bút dàn mỏng và đều hồ trên mặt giấy bằng các đường gạt bút thật thẳng. Sau khi đã quét hồ lên giấy biểu, lấy thước dẹt dán nhẹ vào một mép giấy biểu như một cái cờ. Tay cầm cán cờ nhấc giấy lên khỏi ván. Tay trái cầm cán, 2 ngón tay cái và ngón trỏ cầm nhẹ góc giấy dưới bên phải đặt vào đúng góc dưới phải của khung căng lụa. Tay trái nhè nhẹ nghiêng thước để góc giấy trên được đặt vào đúng góc phải trên của khung căng. Tay phải dùng một bút rộng bản vuốt nhẹ lên lưng giấy biểu sao cho giấy biểu dính dần xuống lưng lụa từ phải sang trái.

Dựng khung lụa thẳng đứng bằng tay trái. Tay phải dùng túm lông cánh gà hoặc bút nhỏ dẹt đẩy các cạnh giấy biểu lần lượt vào các cạnh khung và góc khung. Bút lùa giấy biểu từ giữa cạnh khung vào góc khung theo chiều mũi tên, tức là từ giữa cạnh khung đến góc khung. Chú ý khi đẩy các mép giấy biểu vào góc khung cần nhẹ nhàng để tránh rách giấy biểu. Sau khi giấy biểu đã được dính vào kín lưng tranh lụa lại úp mặt tranh xuống ván. Lấy giấy sạch lót lên lưng tranh dùng bàn tay xoa đều cho giấy biểu bám kỹ vào lưng tranh. Treo móc tranh lên tường, chờ cho lụa khô hẳn (một ngày sau khi biểu) hãy xén tranh ra. Nếu biểu tranh vào thời tiết ẩm, cần đặt tranh trước quạt để tranh không bị chậm khô, tránh cho tranh khỏi mốc do bị ẩm quá lâu.

Cách biểu lụa thứ hai

- Giấy để biểu lụa xén to hơn khuôn khổ tranh mỗi cạnh từ 5cm đến 10cm, làm ẩm giấy băng cách vuốt nước đều lên mặt giấy, để một lúc.

- Lụa đã xén khỏi khung căng, đặt úp mặt tranh xuống ván thật sạch và khô

- Bút to rộng bản lấy niều hồ đặt vào chính giữa lưng tranh. Bút quét hồ lần lượt từ giữa lưng tranh ra bốn cạnh làm thành dấu (+), không được quên động tác này vì dấu (+) nhằm làm cho tranh được thẳng các hình vẽ không bị xô méo.

- Sau đó bút hồ quét ra bốn phía lưng tranh sao cho hồ kín hết lưng tranh, ròi gạt bút dàn đều hồ dọc theo một chiều của lưng tranh, sao cho các vệt bút được thẳng

- Lấy thước dẹt dán một mép giấy biểu thành một cái cờ như ở cách thứ nhất.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG MỸ THUẬT HỌC (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM MỸ THUẬT) (Trang 25 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w