Sản phẩm của biến đổi lòng sông

Một phần của tài liệu ứng dụng công nghệ viễn thám và gis trong nghiên cứu tái hiện hệ thống lòng cổ sông đáy, sông nhuệ đoạn chảy qua thành phố hà nội (Trang 33 - 35)

Quá trình biến đổi lòng sông để lại một số sản phẩm đặc trưng, thông qua đó có thể cho phép chúng ta khôi phục được diễn biến của chúng trong quá khứ. Các sản phẩm quan trọng nhất chính là bãi bồi (bao gồm cả hình thái địa hình và cấu tạo vật chất), các bộ phận chi tiết của bãi bồi là hồ móng ngựa, gờ cao ven lòng.

a. Bãi bồi

Bãi bồi là bộ phận đáy thung lũng tương đối rộng và khá bằng phẳng, được bao phủ bởi lớp trầm tích aluvi và chỉ bị ngập về mùa lũ. Quá trình hình thành bãi bồi diễn ra lâu dài và bề mặt không hoàn toàn bằng phẳng với nhiều dạng vi địa hình đồi hay rãnh tạo nên đời sống của bãi bồi (ngập úng rãnh về mùa lũ, lắng đọng phù sa…). Đối với những khúc uốn thứ sinh thì địa hình thường tạo ra những bãi bồi sắp xếp xen kẽ trái, phải lòng sông, tạo ra bãi bồi phân đoạn hay bãi bồi hai phía. (Hình1.11)

Theo lát cắt ngang vuông góc với thung lũng, cấu trúc bề mặt bãi bồi thể hiện tính chất ít nhiều đối xứng và gồm những bộ phận: Bãi cát ven lòng sông, dải bãi bồi cao có dạng gợn sóng, (đây là những đê cát ven lòng sông), phần bãi bồi trung tâm trũng (có dạng lõm, cao dần về hai phía, có dạng đường tanvec), phần bãi bồi chân bậc thềm (là dải bãi bồi cao thứ hai - những đê cát ven bờ cổ, hình thành ở chỗ bờ lồi xưa kia của lòng sông, nay đã bị dòng sông bỏ rơi) và dãi trũng nằm giữa bãi bồi cao và chân bậc thềm (là di tích của lòng sông cũ đã bị bùn cát lầy hoá, ngập nước). Tuy nhiên mặt cắt bãi bồi không phải bao giờ cũng đầy đủ các thành tạo trên.

25

1. Bờ không còn bị ngập về mùa lũ; 2. Đoạn bờ bãi bồi bị xâm thực; 3. Đoạn bờ bãi bồi tích tụ; 4. Ranh giới nham tướng aluvi; 5.Bãi bồi trung tâm;

6.Bãi bồi chân bậc thềm; 7. Bãi bồi ven lòng sông;

8.Hướng dòng chảy chính trong lòng sông;

9. Hướng dòng chảy khi có lũ.

Hình 1.11.: Cấu tạo của một bãi bồi hoàn chỉnh (theo N.I.Macaveiev)

Hình 1.12: Sơ đồ minh họa các tầng trầm tích của bãi bồi

Trong hầu hết trường hợp có thể quan sát thấy hai mực bãi bồi dọc theo lòng sông là: bãi bồi cao - chỉ bị nước lũ tràn ngập vài năm một lần, hoặc thậm chí, mấy chục năm một lần; bãi bồi thấp - bị nước lũ tràn ngập hằng năm và bao giờ cũng hẹp hơn bãi bồi cao. Bề mặt bãi bồi thấp thường xuyên bị dòng sông tái trầm tích, nên có tuổi trẻ hơn aluvi của bãi bồi cao.

b. Đê cát ven lòng sông

Bãi cát ven lòng sông có dạng bán nguyệt, phát triển ở phần lồi của bờ sông. Cứ mỗi mùa lũ nó lại được bồi thêm một bậc nhỏ hình lưỡi liềm lấn sâu vào lòng sông. Các đê cát ven bờ được tạo thành sau mỗi kì nước lũ (tức là những bậc nhỏ được nhắc

26

tới ở trên) bắt đầu chồng phủ lên nhau. Do vậy mà các đê cát ở vị trí đó mỗi năm một cao thêm và có thể đạt tới độ cao của nước lũ lớn nhất. Những đê cát ven lòng sông có vị trí và độ cao như vậy được gọi là đê thiên nhiên. Khi đê cát ven lòng sông đã tương đối cao thì quá trình bồi đắp tiếp theo tăng tốc độ khá nhanh, bởi vì khi nước lũ tràn qua đê cát, tốc độ dòng chảy bị giảm đi rất đột ngột. Tại đây, trước hết tích tụ những hạt vụn cỡ lớn nhất. Quá trình này lại được thúc đẩy thêm do lớp thực vật bắt đầu phát triển mạnh ở đây làm cản trở dòng chảy và tăng cường độ tích tụ.

Hình 1.13: Gờ cao ven lòng (đê thiên nhiên) và hồ móng ngựa

c. Hồ móng ngựa: là các hồ sót lại sau hiện tượng cắt cổ khúc uốn của quá trình uốn khúc lòng sông. Ở chỗ cổ khúc uốn vừa bị cắt đứt, xuất hiện đoạn lòng sông mới thẳng và dốc hơn, vì vậy, đáy của nó bị xâm thực mạnh hơn, nhiều nước chảy qua hơn so với lòng sông cũ. Dần dần, nó trở thành lòng sông chính, còn lòng sông cũ bị bồi lấp dần, thậm chí bị lấp kín hai đầu rồi trở thành lòng sông chết gọi là hồ móng ngựa.

Một phần của tài liệu ứng dụng công nghệ viễn thám và gis trong nghiên cứu tái hiện hệ thống lòng cổ sông đáy, sông nhuệ đoạn chảy qua thành phố hà nội (Trang 33 - 35)