NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC TÀI CHÍNH

Một phần của tài liệu thực trạng triển khai tài chính vi mô tại hội liên hiệp phụ nữ việt nam nhìn từ mô hình tài chính vi mô thành công nhất của hội (Trang 51 - 52)

-

3.2.1.NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC TÀI CHÍNH

Việc phát triển nguồn lực cho tài chính vi mô sẽ gồm hai nội dung chính là xây dựng con người và sử dụng con người. Hai nội dung này bao gồm ba quá trình là đào tạo, tuyển dụng và tạo động lực làm việc hay chế độ đãi ngộ xứng đáng. Ba quá trình này có quan hệ mật thiết và không thể thiếu hay tách rời nhau trong quá trình xây dựng nguồn nhân lực cho tài chính vi mô.

Tuyển dụng nhân sự phụ thuộc vào việc kế hoạch hoá nguồn nhân lực, cụ thể là yêu cầu về số lượng, chất lượng của nhân lực. Khi đã xác định được các yếu tố này, Hội tiến hành thi tuyển công khai, minh bạch nhằm chọn được những nhân sự phù hợp nhất với lĩnh vực tài chính vi mô.

Khi đã tuyển được các nhân sự đủ điều kiện ban đầu, bước tiếp theo là đào tạo trang bị kiến thức và kỹ năng đặc thù của ngành tài chính vi mô. Đây là một bước quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của công tác xây dựng nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực cho tài chính vi mô nói riêng. Tài chính vi mô có mục tiêu hỗ trợ người nghèo, do đó việc đào tạo cho người làm công tác tài chính vi mô phải tập trung vào yếu tố con người và khả năng làm việc với người nghèo, đồng thời cũng cần chú trọng các kiến thức về tài chính, kinh tế. Cụ thể, việc đào tạo bao gồm các nội dung sau:

- Trang bị các kiến thức về tài chính là điều kiện bắt buộc. Có một thực tế là nhiều cán bộ Hội trường thành và phát triển từ các lĩnh vực xã hội, do đó chưa có nền tảng kiến thức sâu sắc về lĩnh vực tài chính. Việc đào tạo này không chỉ dạy các kỹ năng làm việc mà phải tạo cho học viên tư duy một cách kinh tế, từ đó giúp họ có khả năng thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh với quy mô lớn và tính chất phức tạp.

- Kỹ năng tiếp xúc và làm việc với cộng đồng. Nếu như lớp cán bộ trưởng thành thiếu kiến thức nền về tài chính thì các học viên trẻ có xu hướng thiếu kỹ năng tiếp xúc và làm việc với cộng đồng, đặc biệt là với những người nghèo vốn mang trong mình nhiều mặc cảm, tự ti. Do đó, nội dung đào tạo này là thực sự cần thiết đối với các cán bộ hoạt động tài chính vi mô.

- Khả năng nhận biết tính khả thi của kế hoạch kinh doanh cũng là một yếu tố cần thiết để tránh rủi ro cho khách hàng cũng như tổ chức tài chính vi mô. Có được khả năng này, cán bộ tài chính vi mô có thể tư vấn cho người vay sử dụng vốn hiệu quả, đồng thời tránh các thất thoát của tổ chức.

- Kỹ năng tuyên tuyền, đào tạo cũng cần được đào tạo từ ban đầu. Đối với hoạt động tài chính vi mô, tuyên truyền là một hoạt động không thể thiếu. Nó xuất hiện từ việc tuyên truyền thông tin của tổ chức để phát triển khách hàng đến quá trình truyền

đạt các chính sách thủ tục hay chương trình phát động của tổ chức trong quá trình cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, đào tạo cũng là kỹ năng cần thiết để thực hiện các hoạt động lồng ghép của tổ chức, và thậm chí để đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận trong điều kiện nhu cầu nguồn nhân lực cho tài chính vi mô ngày càng tăng.

Khi đã có đội ngũ nhân sự đủ năng lực làm việc, chế độ đãi ngộ hay việc tạo động lực làm việc cũng không kém phần quan trọng. Hiện nay, do tiết kiệm chi phí tối đa, chi phí nhân công ở các tổ chức tài chính vi mô còn thấp, chưa tương xứng với chế độ của các tổ chức khác trong lĩnh vực tài chính. Điều này có thể khiến các nhân sự giàu năng lực và kinh nghiệm không còn muốn gắn bó với tổ chức tài chính vi mô. Do vậy, Hội cần xem xét đến các chế độ đãi ngộ khác như cơ hội đào tạo, thăng tiến hay chia sẻ quyền lợi của tổ chức thông qua chia sẻ quyền sở hữu hoặc chia sẻ lợi nhuận. Các chế độ này góp phần tạo sự gắn kết lâu dài giữa nhân viên và các chương trình, tổ chức tài chính vi mô của Hội.

Một phần của tài liệu thực trạng triển khai tài chính vi mô tại hội liên hiệp phụ nữ việt nam nhìn từ mô hình tài chính vi mô thành công nhất của hội (Trang 51 - 52)