Đối với doanh nghiệp

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh đông sơn (Trang 25 - 26)

4. Phương pháp nghiên cứu

1.2.5.2.Đối với doanh nghiệp

Trong môi trường kinh tế cạnh tranh, để có thể tồn tại và phát triển được thì các doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư vào tài sản cố định. Bởi lẽ tài sản cố định là tư liệu chủ yếu, là yếu tố quan trọng quyết định lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, trong thực tế giá trị tài sản cố định thường rất cao, nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn tự tích luỹ thì cần phải mất rất nhiều thời gian doanh nghiệp mới đổi mới được trang thiết bị và mở rộng quy mô và sẽ bị tụt lại xa so với các doanh nghiệp có vốn đã trang bị hiện đại. Vì thế lối thoát duy nhất cho doanh nghiệp là đi vay để đổi mới.

Việc đi vay vốn trung và dài hạn ở ngân hàng sẽ làm cho doanh nghiệp có thể tự chủ về khả năng kiểm soát độc lập hoạt động SXKD của mình mà không bị pha loãng quyền kiểm soát doanh nghiệp với các cổ đông mới trong trường hợp phát hành thêm cổ phiếu mới.

Trong trường hợp phát hành trái phiếu, không phải doanh nghiệp nào khi cần huy động vốn trung và dài hạn chỉ cần bán trái phiếu là có người mua ngay mà còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Các nhà đầu tư chỉ tiến hành mua trái phiếu của doanh nghiệp khi họ thật sự tin tưởng vào doanh nghiệp mà yếu tố này không phải bất cứ một doanh nghiệp nào cũng có được.

Khi doanh nghiệp vay vốn trung và dài hạn của ngân hàng, ngân hàng sẽ có thể điều chỉnh được kỳ hạn nợ, nghĩa là họ có thể trả nợ sớm hơn thời gian đến hạn trả nợ khi họ không cần phải sử dụng đến vốn vay trung và dài hạn. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ tại một thời điểm nhất định thì cũng có thể xin ngân hàng gia hạn nợ. Còn việc huy động vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu thì doanh nghiệp luôn phải đối mặt với việc trả lãi trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi khi công việc kinh doanh gặp khó khăn.

Việc trả nợ vốn vay trung và dài hạn cũng được ấn định theo một sự phân chia hợp lý và ổn định, vì vậy các doanh nghiệp có thể chủ động tìm kiếm các khoản trả nợ một cách dễ dàng hơn.

Như vậy, tín dụng trung và dài hạn đã giúp các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị để cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo điều kiện mở rộng quy mô SXKD và mở rộng chiếm lĩnh thị trường mới. Có thể nói, tín dụng trung và dài hạn là trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh là tối đa hóa lợi nhuận.

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh đông sơn (Trang 25 - 26)