III – TÌM HIỂU KIẾN THỨC CƠ BẢN:
ÔN TẬP PHẦN TIẾNG VIỆT
I/ MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT:
- Hệ thống hóa nội dung kiến thức về phần tiếng Việt trong năm học để củng cố và nâng cao nhận thức.
- Tiếp tục rèn luyện và nâng cao những kĩ năng cần thiết liên quan đến những nội dung kiến thức về tiếng Việt đã được hình thành trong năm học.
II/ TRỌNG TÂM KIẾN THỨC, KĨ NĂNG:
1. Kiến thức:
- Khái quát về lịch sử tiếng Việt: nguồn gốc, quan hệ họ hàng, lịch sử phát triển và chữ viết của tiếng Việt.
- Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ: khái niệm giao tiếp ngôn ngữ, hai quá trình trong giao tiếp ngôn ngữ, các nhân tố giao tiếp, đặc điểm của dạng nói và dạng viết trong giao tiếp ngôn ngữ.
- Hai phong cách ngôn ngữ (phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách ngôn ngữ nghệ thuật): khái niệm, các dạng biểu hiện, các đặc trưng cơ bản của từng phong cách và những đặc điểm về phương tiện ngôn ngữ của từng phong cách.
- Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt: sử dụng đúng chuẩn mực và sử dụng hay. 2. Kĩ năng:
- Kĩ năng tổng hợp, hệ thống hóa kiến thức: so sánh, đối chiếu, khái quát hóa. - Kĩ năng lập bảng tổng kết để hệ thống hóa kiến thức.
- Kĩ năng luyện tập thực hành để củng cố, nâng cao kiến thức.
II/ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN:
1. Tìm hiểu chung:
- Khái quát hóa và hệ thống hóa theo bốn chủ đề: lịch sử tiếng Việt, hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, phong cách ngôn ngữ, yêu cầu về sử dụng tiếng Việt.
- Gợi nhớ lại kiến thức theo hệ thống câu hỏi và bài tập trong SGK, từ đó hệ thống hóa kiến thức.
- Nên lập bảng tổng kết, so sánh, đối chiếu như yêu cầu của các bài tập trong SGK, sau đó tự điền những nội dung cụ thể.
2. Luyện tập:
- So sánh, đối chiếu và hệ thống hóa kiến thức bằng hình thức lập bảng tổng kết và ghi những nội dung tương ứng và từng cột (Bài tập 2, 3, 4, 6).
- Trình bày kiến thức lí thuyết dưới hình thức trả lời câu hỏi trong SGK (Bài tập 1, 3, 5) - Nhận diện câu đúng, phát hiện câu sai, từ đó nhận thức được yêu cầu về sử dụng tiếng Việt (Bài tập 7).
3. Hướng dẫn tự học:
- Lập những bảng tổng kết khác cho những kiến thức đã học trong năm học về tiếng Việt. Ví dụ: bảng so sánh ẩn dụ và hoán dụ về những điểm giống nhau và khác nhau.
- Hai phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và nghệ thuật có từ rất sớm ở tất cả các ngôn ngữ, kể cả ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và các ngôn ngữ chưa có chữ viết (các ngôn ngữ này có thể chưa có phong cách khoa học, báo chí, nghị luận, hành chính). Tìm thêm ví dụ về vấn đề này.