Tập quán ma chay

Một phần của tài liệu đời sống kinh tế, văn hóa của người pu péo ở huyện đồng văn tỉnh hà giang (1986-2012) (Trang 73 - 76)

6. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Tập quán ma chay

3.3.2.1. Lễ ma tươi.

Khi tộc người Pu Péo có người tắt thở (bỏ đi rồi ) trước đây khi nhà nước chưa cấm, đồng bào dùng súng săn thường do con cháu bắn 3 phát súng kíp để báo cho mọi người biết gia đình có người chết, nhưng ngày nay đồng bào thường loan tin cho hàng xóm và người thân biết. sau đó gia đình làm lễ tang cho người chết.

Tộc người Pu Péo có 2 lễ làm ma cho người chết lễ ma tươi và lễ chay. Khi nhà có người chết thì người con trai trưởng thắp hương trên ban thờ và cố ý gạt nhẹ hũ thờ đổ nghiêng hoặc tự tay đặt nghiêng nhằm báo hiệu cho tổ tiên biết gia đình có người chết. Theo một số nhà nghiên cứu thì hành động đó còn mang ý nghĩa là trách cứ tổ tiên sao không bảo vệ để người ốm phải chết. chôn người chết được 13 ngày phải làm lễ cúng đặt lại hũ thờ này, đồng thời trong những ngày làm ma quan tài còn quản trong nhà thì gia đình không được nhóm lửa ở bếp chính mà phải kê đá ở trước cửa gian chính để nấu nướng. Trong những ngày đó, con cháu không được ăn những món ăn có mỡ, muối và tuyệt đối không được uống rượu, không được ăn cơm mà chỉ ăn cháo, hoặc cơm nát. Cách ăn cũng rất đặc biệt khi bố hoặc mẹ chết thì khi ăn chỉ được dùng một chiếc đũa. Con cháu không được đi dép, đội mũ hay hút thuốc lào thì không được đổ nước trong ống điếu.

Quan tài của người chết được quản ở ngay nửa sau gian giữa của nhà. Tộc người Pu Péo rất coi trọng việc chọn gỗ làm quan tài thường đồng bào hay dùng gỗ của cây sa mộc. Quan tài của tộc người Pu Péo được đóng phần trên cũng cong giống như viên ngói máng. Sau khi tắm rửa cho người chết người ta khâm niệm và cho vào miệng người chết đồng bạc đặt người chết vào quan tài đầu hướng vào trong chân hướng ra cửa. Có rất nhiều bài cúng lễ cho người chết những bài cúng này đều do thầy cúng đảm trách. Các bài cúng có nhiều nội dung khác nhau nhưng chủ yếu kể về truyền thuyết của tộc người Pu Péo.

Trước đây đồng bào tiến hành làm ma tươi cho người chết thường từ 3 đến 5 ngày do tùy từng gia đình nên rất tốn kém nhưng ngày nay do sự vận động của chính quyền địa phương thực hiện nếp sống văn hóa mới nên đồng bào chỉ làm ma cho người chết không vượt quá 2 ngày.

Sau khi đưa người chết ra khỏi nhà thầy cúng thực hiện bài cúng lễ và phải hát bài đưa hồn về quê cũ ở Mươi Gươi, đồng thời người ta cắm Ta leo (là hình ngôi sao năm cánh đan bằng tre ) ngoài cửa ngăn không cho ma vào nhà. Đám tang của người Pu Péo rất đông những người thân, họ hàng, bạn bè của gia đình tiễn đưa người chết, riêng khiêng quan tài người chết phải là anh em trong nhà. Việc chọn đất để chôn người chết cũng rất kĩ lưỡng họ xem tuổi của người chết và chọn hướng. Điều đặc biệt là khi đưa người chết ra bìa rừng thì mới đào huyệt chôn, trước khi chôn có lễ mở nắp quan tài theo đồng bào nghi lễ này để mọi người thân được nhìn mặt người chết lần cuối, sau đó người ta đóng nắp quan tài lại và chôn. Người con trai trưởng phải quì lạy người chết sau đó mọi người trong gia đình làm theo, huyệt của người Pu Péo đào nông chỉ 50cm sau đó người ta đắp mộ cao và chắc chắn. Mộ của tộc người Pu Péo thường đặt trong rừng và được xây được xây bằng phiến đá lớn có chạm khắc tinh xảo. Trên tấm bia mộ được khắc tên địa chỉ và cả tên con cháu rất đầy đủ của người chết, trước đây chữ khắc trên bia mộ là chữ Quan Hỏa nhưng ngày nay là chữ phổ thông theo sự giải thích của ông Củng Chẩn Tráng phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phố Là cho biết lí do khắc như vậy là do người Pu Péo rất sợ chiến tranh, loạn lạc, chia ly vì thế đồng bào cho rằng con cháu sau này khó có thể nhận ra mộ của tổ tiên ông bà mình nếu không khắc như vậy.

Mọi việc cúng lễ cho người chết đều do thầy cúng đảm nhiệm, khi xong việc gia chủ phải cảm ơn thầy cúng bằng việc đưa thầy mang về tất cả các lễ vật trên mâm cúng thậm chí ngày nay còn phải biếu thầy cúng cả tiền nữa (số tiền này tùy gia chủ mà thầy cúng không đưa ra giá). Tộc người Pu Péo tin vào sự tái sinh của người chết, sau khi chôn người chết xong trước khi vào nhà mọi

người đều rửa tay, buổi tối trước khi đi ngủ người ta rắc tro ở trước cửa và sáng hôm sau xem lại vết chân trên lớp tro rắc trước cửa nhà là của con gì thì hồn người chết nhập vào con vật đấy.

3.3.2. 2. Lễ ma khô (Lễ chay)

Ngoài lễ ma tươi chôn người chết thì tộc người Pu Péo còn làm lễ ma khô hay còn gọi là lễ chay, nghi lễ này thường được tiến hành sau vài ngày khi chôn người chết đối với những gia đình khá giả hoặc sau vài năm đối với những gia đình khó khăn về kinh tế. Theo kết quả điền dã thực địa tháng 7 năm 2014 của tác giả thì lễ chay theo đồng bào kể đó là lễ cảm ơn công lao của người chết và đưa hồn người chết về quê cũ. Điều dặc biệt trong lễ này đồng bào dựng lại hình ảnh người chết và làm lễ cúng (do thầy cúng được gia đình mời tiến hành). Trong lễ cúng chay của tộc người Pu Péo còn bảo lưu hai phong tục cổ truyền là đánh trống đồng và tổ chức uống rượi cần. Trong các tộc người ở trên cao nguyên đá Đồng Văn ngày nay thì việc bảo lưu và sử dụng trống đồng của người Pu Péo còn in đậm bản sắc tộc người và trống đồng được coi như một báu vật thiêng của tộc người Pu Péo, họ chỉ sử dụng trống đồng trong lễ cúng chay mà thôi. Cách đánh trống cũng rất độc đáo, có 2 trống gọi là trống đực và trống cái khi đánh người ta treo trống trước cửa nhà hai mặt trống quay vào nhau, người đánh đứng ở giữa cầm củ chuối để đánh trống phục vụ lễ cúng chay của thầy cúng. Nếu như lễ ma tươi làm đơn giản thì trong lễ tang chay thường kéo dài 2 tới 3 ngày, đồng bào còn mổ lợn, gà ăn uống tốn kém và đặc biệt đồng bào có phong tục uống rượi cần (đây là bản sắc độc đáo nhất trong lễ ma chay) mà tộc người Pu Péo ở huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang còn lưu giữ đến tận ngày nay.

Trải qua nhiều cuộc vận động của chính quyền địa phương, phong trào bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống mới, đã tác động đến tư tưởng nhận thức của đồng bào Pu Péo ở Đồng Văn.

Ngày nay khi trong nhà có người ốm đồng bào không còn mời thầy cúng đến cúng ma nữa mà đưa người bị ốm đi bệnh viện huyện nếu nặng hơn thì đi

bệnh viện tỉnh hay bệnh viện trung ương. Người phụ nữ khi mang thai đã đến các cơ sở y tế khám và khi sinh đều đến bệnh viện huyện chứ không còn sinh tại nhà nữa. Riêng trẻ em vẫn duy trì cúng gọi hồn đến năm 13 tuổi song đã đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh theo lịch của cán bộ y tế thôn bản.

Các thủ tục, nghi lễ rườm rà trong đám ma đã giảm đi nhiều, đồng bào chỉ giữ thi thể qua đêm rồi làm lễ mai táng, riêng lễ chay vẫn được tiến hành và đã bớt tốn kém, song 2 phong tục đánh trống đồng và uống rượu cần luôn được duy trì đây chính là nét độc đáo trong lễ tang chay của tộc người Pu Péo ở huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang.

Một phần của tài liệu đời sống kinh tế, văn hóa của người pu péo ở huyện đồng văn tỉnh hà giang (1986-2012) (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)