3. Nhại ngôn ngữ và giọng điệu giễu nhại 1 Nhại ngôn ngữ
3.2. Giọng điệu giễu nhạ
Giễu nhại là chất giọng đặc trưng của văn học hậu hiện đại và cũng rất phổ biến ở văn học Việt Nam sau 1975. Giễu nhại đôi khi là một cách đùa vui đôi khi là sự phản ứng với những gì khuôn mẫu giáo điều, với những gì giả tạo.
Giọng giễu nhại thể hiện trực tiếp khi nhà văn nói về cái lố bịch, đáng cười của nhân vật, khi hình thức lại mâu thuẫn với bản chất. Thường trong một đoạn văn ngắn, nhà văn làm xuất hiện hai hiện tượng, hai sự việc và cách nói nối tiếp nhau nhưng chúng hoàn toàn mâu thuẫn với nhau đem lại tiếng cười hài hước trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương:
“Cụ Điển: Dào ơi, thuốc nam thuốc bắc bú cặc cho cơm. Ăn mạnh vào là khỏe tất. Như tôi đây này, cái…
[…] Mùi thuốc bắc dậy lên thơm sền sệt” (Người đi vắng- trang 21)
Lời nói của cụ Điển tưởng như đầy sức thuyết phục khi cụ lấy dẫn chứng từ chính kinh nghiệm của bản thân mình. Đó là cách nói tự nhiên bắt nguồn từ lối nói dân gian. Nhưng mùi thuốc bắc thơm dậy lên mà lão Bính ngửi thấy đã tố cáo bản chất giả dối trong lời nói của cụ. Sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của cụ Điển đã làm bật lên tiếng cười hài hước về một ông lão ham ăn mà lại hay nói khoác.
Trong Những đứa trẻ chết già chúng ta cũng bắt gặp giọng điệu này:
“ Trời tối hẳn, Loan giở trong túi xách ra một cuốn sổ bìa đỏ, mạ chữ vàng. Cô hắng giọng đăm chiêu lật từng tờ một. Bà Liên nhìn con, cảm động:
- Mày học vừa vừa thôi con ạ, không khéo lại bị tâm thần thì chết.
Bà động viên con bằng giọng trìu mến xen lẫn trách móc. Loan vờ không nghe tiếng, chìm đắm vào những con chữ. Trước khi đi ngủ, cụ Trường cố ra nhìn đứa cháu, rồi gật gù, mắt rơm rớm:
-Ừ, con này có chí.
Thực ra cuốn sổ của Loan chỉ ghi toàn các món ăn và địa chỉ rạp hát” (Những đứa trẻ chết già-trang 40)
Sau hàng loạt những câu văn diễn tả sự quan tâm và khen ngợi đầy âu yếm của người thân trước sực chăm chỉ của Loan, nhà văn chen vào câu văn miêu tả sự thật có tác dụng lật tẩy tất cả. Thì ra, sự tập trung chăm chỉ của Loan mà mọi người lầm tưởng lại che đậy cho bản chất ham chơi, lười học của cô. Cô sinh viên lười học ham chơi chỉ tạo ra cái vẻ trí thức để đánh lừa mọi người. Cả người đọc cũng bị đánh lừa và chỉ bật cười khi đọc đến câu văn cuối.
Nhân vật văn sĩ, nhà thơ của Nguyễn Bình Phương say sưa nói chuyện văn chương. Họ thể hiện sự tôn thờ, nguyện dâng hiến cả đời mình cho thứ “tôn giáo” cao cả đó. Nhưng đôi khi đó chỉ là cái vỏ ngôn từ sáo rỗng che giấu bên trong bản chất tầm thường, giả dối của con người:
“Hai người ngủ với nhau được mấy ngày thì Huấn tuyên bố cắt đứt quan hệ. Lý
do của anh ta vô cùng đơn giản nhưng không kém phần quan trọng, thiêng liêng:
- Em ạ, anh đã thuộc về nhân loại rồi. Mắt Huấn nhắm lại, vẻ khổ sở-
Thế nên đừng ích kỉ bắt anh phải thuộc về riêng em…Anh biết, em là cô gái có lòng nhân vị cao cả. Lịch sử thi ca sẽ ghi công cho sự hi sinh của em! Nói xong, Huấn nức nở bỏ đến nhà Thúy lùn, một cô giáo vừa li dị chồng để nằm ngấm nỗi đau của sứ mệnh vĩ nhân. Loan bàng hoàng, đồng thời cũng cảm thấy ở nơi xa có ai đó đang sắp sửa ghi tên mình vào từ điển văn học thật” (Những đứa trẻ chết già-trang 67-68)
Huấn dùng những lời nói bay bổng, hoa mỹ như một vĩ nhân nhưng hết sức giả dối để đánh lừa cô gái nhẹ dạ như Loan. Mâu thuẫn gợi lên tiếng cười cho chàng thi sĩ nửa mùa vừa chấp nhận hi sinh một người con gái để “ thuộc về nhân loại” thì hành động tiếp sau của anh ta lại là “nức nở bỏ đến nhà Thúy lùn, một cô giáo vừa li dị chồng để nằm ngấm nỗi đau của sứ mệnh vĩ nhân”.
Hai hành động đối lập đã tố cáo bản chất lời nói giả dối của con người này. Với Huấn, ta như gặp lại đâu đó những thi sĩ nửa mùa, những con người tài năng thấp kém mà nhân cách cũng thấp hèn. Bên cạnh đó, ta nhận thấy giọng điệu giễu cợt những con người sống ảo tưởng như Loan, đi tìm hạnh phúc trong hư danh để rồi đau đớn khi quay lại hiện thực.
Giọng giễu nhại của nhà văn còn thể hiện gián tiếp thông qua lời nhân vật. Trong Những đứa trẻ chết già, bên cạnh thi sĩ Huấn ở trên còn có Công- nhà báo tập tọng làm thơ. Với hai hình tượng nhân vật này, Nguyễn Bình Phương đã giễu một bộ phận không nhỏ văn nghệ sĩ bất tài, vô nhân cách. Nhà văn đã thuật lại nguyên xi giọng điệu sặc mùi tiểu thuyết diễm tình mà ngọng líu ngọng lô của Công:
“ Anh sẽ nàm nọ hoa để em ngự trong đó. Trời, em nộng nẫy làm sao” (trang
82)
Trong “Ngồi”, giọng giễu nhại thể hiện rõ khi nhà văn thuật lại nguyên xi giọng nói ngọng của Hùng:
“ Nghĩa nói, đám tang nhiều vòng hoa thật. Hùng chen ngang, nhưng mà khâu
tổ chức kém quá, sư thì nói nắp, núc rước nại quên cả ảnh, nộn xà nộn xộn thế lào ấy. Khẩn bảo ma chê cưới trách, trách làm sao được”(trang 74)
Cả Công và Hùng đều là những nhân vật nói nhiều trong hai tác phẩm. Đặc biệt Hùng là nhân vật nói nhiều nhất trong Ngồi. Nội dung nói đã đáng cười, đến cách phát âm lại càng đáng cười. Cũng như Công đã làm mất giá thê thảm lớp văn nghệ sĩ trong Những đứa trẻ chết già, những câu nói của Hùng khiến cho đời sống viên chức trong Ngồi hiện lên thật thảm hại.
Như vậy thủ pháp nhại ngôn ngữ và giọng điệu giễu nhại đã góp phần biểu hiện chất giễu nhại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương.
KẾT LUẬN
1. Chất giễu nhại với nét nổi bật là tiếng cười với mục đích giải thiêng đã trở thành xu hướng chung trong sáng tác của các nhà văn đương đại. Trong sự phát triển mạnh mẽ của văn học với rất nhiều cây bút thuộc nhiều thể loại, chúng tôi nhận thấy Nguyễn Bình Phương đã không bị chìm khuất. Khơi sâu vào thế giới vô thức để tạo nên một thế giới huyền ảo với những cách nhìn nhận mới về con người, Nguyễn Bình Phương cũng để lại dấu ấn sáng tạo độc đào về ngôn ngữ, kết cấu, nhân vật để làm nên sự thành công của chất giễu nhại.
Như các nhà văn khác, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương cũng chịu ảnh hưởng của đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và văn học nước ta sau 1975. Có thể thấy dấu ấn hậu hiện đại trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài,… trong đó có Nguyễn Bình Phương. Bên cạnh yếu tố khách quan, điều quan trọng hơn là cá tính sáng tạo của nhà văn. Cách nhìn nhận mới mẻ, không chấp nhận những gì rập khuôn, máy móc đã thôi thúc các nhà văn trong đó có Nguyễn Bình Phương tìm kiếm những chân trời mới cho nghệ thuật. Điều đó ít nhiều sẽ chi phối trong việc đưa chất giễu nhại như một thủ pháp quan trọng để biểu hiện tác phẩm.
2. Về chất giễu nhại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, chúng tôi tập trung vào hai vấn đề chính: Nội dung giễu nhại trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương nhằm hướng tới mục đích giải thiêng những giá trị truyền thống và nghệ thuật biểu hiện chất giễu nhại.
Qua bốn tiểu thuyết được khảo sát, chúng tôi nhận thấy Nguyễn Bình Phương đã giễu nhại đức tin, đạo đức và tình yêu- những giá trị được coi là thiêng liêng để giải thiêng chúng. Những giá trị một thời được coi là Chân- Thiện-Mỹ được nhại lại bằng tiếng cười giễu nhiều cung bậc như một sự chôn vùi cái cũ để gieo lên những hạt mầm của đức tin mới.
Nghệ thuật biểu hiện của bốn cuốn tiểu thuyết cũng thật độc đáo. Nguyễn Bình Phương nhại từ ngôn ngữ, giọng điệu đến cách xây dựng hình tượng nhân vật. Đặc biệt với kết cấu phân mảnh và mờ hóa cốt truyện, nhà văn đã tạo nên một thế giới phân mảnh, rời rạc như chính cuộc sống hiện tại với những cảnh giở khóc giở cười. Nhà văn đã nhại giọng điệu của lĩnh vực thơ ca, chính trị; lời nói khẩu ngữ, tự nhiên, lấy chính cái tục để nhại cái tục. Đọc bốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, ta không tránh khỏi những lời văng tục, chửi thề. Những từ ngữ tục tĩu “chễm trệ ngồi” trên trang văn cùng những từ ngữ được coi là hoa mỹ của văn chương truyền thống tạo nên tiếng cười mang cảm hứng giải thiêng. Từ đó, nhà văn đi sâu khám phá bản chất con người, “mặt trái” của những gì vốn được coi là tốt đẹp với thái độ “hoài nghi”, giễu cợt ngôn ngữ. Nhân vật được nhại lại theo phương thức phi điển hình hóa với thủ pháp mờ hóa, kì ảo hóa cũng góp phần không nhỏ biểu hiện chất giễu nhại. Nhà văn cấu trúc tác phẩm theo kết cấu phân mảnh như một “trò chơi” lắp ghép nhiều mảng sáng tối, xóa nhòa ranh giới thể loại, đan xen lịch sử, huyền sử. Từ đó, thế giới hiện lên chập chờn giữa âm giới và dương gian, xáo trộn quá khứ và hiện tại, ý thức và vô thức tạo nên những mảng màu đa dạng của cuộc sống không ngừng vận động và biến đổi.
3. Nghiên cứu về chất giễu nhại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, chúng tôi nhận thấy đặc điểm nổi bật của tiếng cười là bên cạnh tiếng cười hài hước là tiếng cười đậm chất uy-mua đen thâm trầm sâu cay. Chỉ giới hạn trong một khóa luận, có lẽ người viết cũng chưa thể đi sâu tìm hiểu hết tất cả các biểu hiện của chất giễu nhại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Người viết chỉ xin đưa ra một số kiến giải để nhìn nhận vấn đề. Những sáng tạo của Nguyễn Bình Phương còn cần thời gian kiểm chứng, những chắc chắn nó sẽ góp phần gợi mở cho lớp nhà văn đi sau trên con đường sáng tạo nghệ thuật.