Mờ hóa hình tượng để giễu nhạ

Một phần của tài liệu Cảm hứng giễu nhại trong sáng tác của phan thị vàng anh (Trang 50 - 54)

2. Nhại hình tượng

2.1.Mờ hóa hình tượng để giễu nhạ

Trong tiểu thuyết truyền thống, tiểu sử nhân vật là yếu tố quan trọng và được miêu tả đầy đủ để làm hiện lên chân dung nhân vật văn học rõ nét nhất. Trong bốn tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương đã làm mờ hóa tiểu sử nhân vật và nhại lại tiểu sử nhân vật khiến cho lí lịch hiện lên thật mờ nhạt thậm chí không trùng khít với hành trình sống của nhân vật. Nguyễn Bình

Phương đã nhại “tiểu sử” nhân vật trong Thoạt kỳ thủy bằng cách đưa ra một bản tiểu sử đầu tiểu thuyết. Nhưng bản tiểu sử này không phục vụ cho việc định hướng người đọc khám phá tính cách và số phận của nhân vật. Từ hình thức nhại tiểu sử nhân vật này, nhà văn đã làm mờ hóa nhân vật, gây cho người đọc cảm giác hiện thực cuộc sống hiện lên thật mù mờ, hỗn độn. Đồng thời, nó cười giễu quan điểm truyền thống xây dựng nhân vật điển hình với lí lịch rõ ràng, tiểu sử trùng khít với hành trình sống và qui định tính cánh nhân vật. Nhà văn đã tạo ra một thế giới nhân vật hỗn độn không tiểu sử. Họ chỉ là những đám đông ô hợp. Trong đó có những người điên, quái dị, đơn độc bản năng và bệnh hoạn với sự méo mó tự thân. Con người bị tách mất tiểu sử thì hiện thực cuộc sống hiện lên chỉ là sự lộn xộn, phi trật tự. Đó là biểu hiện của hội chứng “ngợm hóa nhân vật, loạn hóa xã hội” của văn chương đương đại.

Bên cạnh đó thủ pháp mờ hóa hình tượng nhân vật cũng tạo ra kiểu nhân vật vô thức người điên giễu nhại kiểu nhân vật điên truyền thống trong văn học. Nhân vật người điên trong văn học được Đoàn Cầm Thi khái quát ra thành hai loại: kiểu điên “vĩ đại” và kiểu điên “con bệnh”. Thứ nhất, là kiểu điên vĩ đại mà “những bậc hiền triết chỉ tồn tại với thiên hướng duy nhất là tra vấn vũ trụ và thời đại mình”. Đó là những nhân vật như Don Quichotte (Đôn Kihôtê) của Cervantes hay “Thằng ngốc” của Lỗ Tấn. Thứ hai là kiểu điên “con bệnh”, là hậu quả của sự ức chế, không thỏa mãn về tình dục, tình yêu như Nga (Lá ngọc cành vàng- Nguyễn Công Hoan) hay Thảo ( Người sót lại của rừng cười – Võ

Thị Hảo). Các nhà văn khác để cho nhân vật điên của mình được nhìn từ bên ngoài, qua con mắt của những người bình thường nhằm hướng tới mục tiêu nhất định. Cơn điên được miêu tả như bệnh lí tâm thần. Cả Nguyễn Công Hoan và Võ Thị Hảo đều vẽ nhân vật của họ như những kẻ bẩn thỉu nhem nhuốc. Khi khỏi họ đều xem đó là một cơn bệnh xấu xa, đáng hổ thẹn. Còn với Nguyễn Bình Phương, ông không nhìn người điên như những kẻ bệnh hoạn ghê rợn, thậm chí quan điểm của ông còn cho rằng “ người điên chứa trong họ một phần

phẩm chất nghệ thuật. Họ làm cho thế giới của con người đột nhiên sâu thẳm, làm choáng váng đời sống vốn tỉnh táo của chúng ta”. Chính từ quan điểm đó, nhà văn không kì thị người điên nhưng cũng không lí tưởng hóa họ. Văn học truyền thống đã tạo nên những bức tượng đài thiêng liêng về những “người điên vĩ đại - bậc hiền triết”. Nguyễn Bình Phương giễu nhại kiểu nhân vật điên đó bằng hình ảnh đậm màu sắc phồn thực đến trần trụi trong nhân vật gã tâm thần (cách gọi khác của hội chứng điên): “Thân thể gã tâm thần bỗng nhiên mềm

mại, dẻo dai, hai chân gã choãi ra bám vững chắc lấy mặt đất, hạ bộ gióng thẳng xuống giống như một vị thần cúi xuống trần gian ngắm những vụn nước trắng đang thi nhau vỡ tung tóe phía dưới.[…] Ánh nắng vàng rực lóe trên thân thể gã tâm thần ngỡ như gã là một pho tượng dát vàng.”[21; 190] Nhà văn nhại

lại kiểu nhân vật người điên vĩ đại khi khoác lên mình gã tâm thần bức tượng thần dát vàng. Và một ám ảnh của nhân vật Khẩn ( Ngồi) luôn cố gắng lắng nghe những lời gã tâm thần nói “ Ai đó vô hình vẫn tĩnh tại đứng giữa mưa nghe gã tâm thần bày tỏ những ý nghĩ rối rắm khó hiểu”. Trong mớ tạp âm hỗn độn đó liệu có chứa đựng những “tra vấn vũ trụ” của bậc hiền triết hay không đó còn là điều bí ẩn. Khi tác giả so sánh hình ảnh gã tâm thần với những gì cao quí thiêng liêng, vô tình tác giả đã giải thiêng quan điểm truyền thống về kiểu nhân vật “điên vĩ đại” hướng đến khám phá và biểu hiện hình tượng nhân vật người điên đầy nhục cảm trần thế. Qua chuỗi đối thoại rời rạc của nhân vật trong Những đứa trẻ chết già, nhà văn cũng giễu nhại nhân vật điên vĩ đại. Đó là những người “toàn đọc giấy trắng” “cả đời mê chơi gió” ít nhiều khiến ta kiên tưởng đến hình ảnh chàng Đôn Kihôtê đánh nhau với cối xay gió. Giễu nhại nhân vật người điên, vô hình trung Nguyễn Bình Phương thể hiện quan điểm đồng nhất người điên với “người giời” hay những người mang “thông điệp của Hoàng đế”( Kafka) đến với mọi người mà muốn thấu hiểu được điều đó với những người trần tục vẫn là điều bí ẩn.

Đối với kiểu điên “con bệnh”, các nhà văn trước như Nguyễn Công Hoan, Võ Thị Hảo thường biểu hiện lời nói của họ theo những khuôn mẫu có sẵn. Nhân vật điên của Nguyễn Bình Phương là sự nhại lại nhân vật điên với những chấn thương tâm lí để giễu cách nhìn nhận và biểu hiện một chiều về người điên. Bằng việc đi sâu khai thác những giấc mộng trong trạng thái vô thức, Nguyễn Bình Phương đã khám phá ra mối quan hệ giữa vô thức với người điên trên cơ sở phân tâm học và cho nhân vật tự bộc lộ qua những giấc mộng. Nhân vật điên trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương rất đông đảo. Thậm chí trong Thoạt kỳ thủy nhà văn đã biểu hiện làng Linh Sơn toàn người điên hoặc có ít nhiều chấn thương về tâm lí “Linh Sơn nhiều người điên, họ hay tập trung ở cột cây số hát í a”. Nguyễn Bình Phương đi sâu vào vô thức để phát hiện ẩn dưới những hành động điên rồ đến nực cười của họ là những chấn thương tinh thần ám ảnh của bạo lực xã hội. Từ khi mẹ mang thai Tính, người cha say rượu đã tung chân đạp tung bụng mẹ. Tuy không xảy thai, nhưng từ đó đứa trẻ ra đời đã “ mang một tâm hồn khuyết tật” và ngày càng trượt vào bản năng thú tính do cái vô thức điều khiến. Nguyễn Bình Phương nhại lại các nhân vật điên truyền thống, nhân vật điên của ông cũng “chửi rủa”, “nhảy nhót”, “hát hỏng”. Ám ảnh trong tâm thức của Tính là ám ảnh máu, bạo lực. Nó dẫn đến những hành động phi lí “Đêm, Tính vùng dậy, xô cửa ra sân, nhặt đá đáp lên trời”. Lời nói của nhân vật được nhại lại y nguyên theo dòng tâm tư vô định của nhân vật tạo ra những hội thoại phi lí như sau:

“ - Ăn sáng chưa?

- Đêm

- Ừ, Đêm đói quá đi mất. Em đói?

- Rán trăng lên mà ăn.” (Thoạt kỳ thủy-trang 36)

Nhân vật điên như Tính hoàn toàn thoát khỏi chuẩn mực đúng- sai, tích cực- tiêu cực như nhân vật trong các tiểu thuyết trước. Ngay hôm trước, Tính có thể rưng rức khóc trước cái chết của ông già điên nhưng hôm sau Tính lại giết

chết thằng bé điên không có lí do gì. Tính cảm nhận về trăng trong tư tưởng nhuốm màu bạo lực, đen tối : “Mắt chó vàng như trăng. Nó bị rỗ. Trăng đen, trăng đen”. Đặc biệt nhà văn nhại lại hoàn toàn dòng tâm tư vô định của nhân vật qua những đoạn “lời câm” của nhân vật. Nguyễn Bình Phương đã nhại lại quan điểm truyền thống khi xây dựng kiểu nhân vật điên, đi sâu khai thác vô thức ẩn ức để biểu hiện dòng tâm tư với những ý nghĩ nực cười, điên rồ của nhân vật.

Một phần của tài liệu Cảm hứng giễu nhại trong sáng tác của phan thị vàng anh (Trang 50 - 54)