Kì ảo hóa hình tượng và nhại hình tượng “cổ điển”

Một phần của tài liệu Cảm hứng giễu nhại trong sáng tác của phan thị vàng anh (Trang 54 - 58)

2. Nhại hình tượng

2.2.Kì ảo hóa hình tượng và nhại hình tượng “cổ điển”

Nguyễn Bình Phương còn nhại kiểu nhân vật biến hình kì ảo trong các truyện cổ dân gian và truyện truyền kì để giễu sự suy thoái, tha hóa đạo đức của những con người mang đầy dục vọng. Bút pháp kì ảo hóa hình tượng nhân vật đã phát huy tối đa trong kiểu nhân vật này. Trong Những đứa trẻ chết già, lão

Biền được giới thiệu là một người thợ cắt tóc, giàu lên nhanh chóng mà không rõ lí do. Cái chết của lão gắn thân hình mọc đầy lông lá nhại lại các truyện cổ tích với sự biến hình của nhân vật như “Sự tích trầu cau”, “Sự tích hòn Vọng Phu”. Chỉ có điều, sự biến hình trong các truyện cổ hướng nhân vật đến sự hóa kiếp mãn nguyện, những hình tượng đó rất linh thiêng. Còn sự hóa kiếp của nhân vật Biền gắn với hành động nực cười (cởi truồng chạy ra đám cưới dì Lãm) và một cái chết đau đớn với thân hình mọc đầy lông lá. Hành động nực cười của lão Biền biểu hiện ẩn ức của lão trong mối tình vô vọng với dì Lãm khi người tình đi lấy chồng. Cô dâu như “đóa hoa lay ơn trắng muốt” bên cạnh chú rể “thô kệch”. Tất cả mọi người đi đưa dâu đều kì quái “không có mũi” để ngửi thấy mùi thối khẳn của cuộc sống hối hả chạy theo đồng tiền. Cái chết của lão Biền nhại lại quan niệm “ác giả ác báo” khi lão đã cả gan lấy trộm tiền của người đã chết. Hành động kì quái và cái chết của lão Biền biểu hiện sự tha hóa đạo đức con người. Đó là tiếng cười nhạo đậm chất uy-mua đen về sự xuống cấp của đạo đức nhân sinh.

Qua những tác phẩm của mình, Nguyễn Bình Phương còn nhại lại xuất thân và hành trạng kì ảo của nhân vật trong các truyện cổ dân gian để giễu cợt thực trạng xã hội mà nhân tính con người “đi vắng” hết. Gia đình Trường hấp (Những đứa trẻ chết già) được miêu tả với ngòi bút nhại cổ tích, nhại truyền thuyết hiện lên như dòng dõi cứu thế với bí mật chôn chặt trong cuốn gia phả. Từ Trường hấp, vợ Trường hấp đến lão Liêm, thằng Hải…đều được bao phủ trong màn sương khói kì ảo của truyện cổ. Nguồn gốc của các nhân vật ẩn chứa những nét kì lạ, bí ẩn: Trường hấp giàu lên nhanh chóng không rõ lí do, vợ lão được đồn là xuất thân trong gia đình “có dòng họ quí tộc từng nổi lên làm giặc, sau bị thất tán” hay “ bố vợ Trường hấp là cháu nhiều đời của Liêm quận công, một tướng chết trận trong cuộc loạn Thái Nguyên”. Trường hấp lại được miêu tả nhại kiểu nhân vật ngố, “hấp”, điên với ngòi bút biếm họa sắc sảo của loại nhân vật ăn tục, nói phét mà lại như anh hùng chấp nhận hi sinh tất cả để giữ gìn và thực hiện bí mật của dòng họ. Các nhân vật khác như lão Liêm, thằng Hải cũng nhại lại những vị anh hùng “chọc trời khuấy nước” ngày xưa để giễu cách sống buông thả của lớp thanh niên trẻ. Nhà văn tập trung nhại lại hàng loạt những sự tích kì lạ bao quanh nhân vật Liêm. Liêm hiện lên như nhân vật có hành trạng, xuất thân mang đầy tính dự báo một sự kiện khuấy trời sắp tới :“ Năm thằng Liêm lên hai tuổi làng bị hỏa hoạn”, “Vụ hỏa hoạn chưa thu dọn xong, dân làng thấy đồn, trên thị trấn chùa Hang có con thú lạ xuất hiện…”, “Mùa thu dịp nó đi học vỡ lòng, tự dưng sét đánh cháy một nửa cầu Linh Nham”, “Chân thằng Liêm to bè, đến giữa cấp ba, bố mẹ tìm khắp thị trấn mà không được đôi dép nào vừa chân nó. Gần cuối cấp, Liêm bị đuổi học vì tội dốt và hay rình bóp vú những cô giáo trẻ”[18;12]. Liêm xuất thân trong một gia đình kì lạ, hành trạng của nhân vật cũng gắn với những sự kiện huyền thoại đan xen với hiện thực. Nhưng nổi bật là những yếu tố kì lạ trong hành trạng của nhân vật thường nghiêng về hướng tai họa và mất nhân cách. Đó chính là cảnh báo về sự suy thoái đạo đức của con người này. Để sau đó, Liêm dạy con trai

mình triết lí sống đầy thực dụng “Tiền là trên hết con ạ”. Qua hình thức giễu nhại này, Nguyễn Bình Phương đã kì ảo hóa nhân vật theo hướng nhại lại các nhân vật “anh hùng” có xuất thân kì lạ trong những truyện dân gian xưa nhưng theo hướng ngược lại nhấn mạnh vào mặt tiêu cực để thể hiện sự suy thoái đạo đức của con người.

Trong bốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, nhà văn đã giễu nhại kiểu hình tượng nhân vật “cổ điển” trong truyền thống văn học: con người mang dục vọng to lớn. Hiện lên trên trang văn của Nguyễn Bình Phương là những nhân vật mang đầy dục vọng nhưng đó chỉ là những khao khát tầm thường. Họ tham lam, giành giật, giẫm đạp lên nhau vì lợi ích của riêng mình và dần bị tha hóa trong một môi trường tăm tối. Ở đó, những cuộc sống lặp lại trong đen tối, suy đồi: “Thế giới phong phú và hỗn độn, nó chẳng nghiêm túc một chút nào” và theo lối bình luận của nhân vật Hùng (Ngồi) thì “Noạn mẹ ló

đến lơi rồi”. Trong Thoạt kỳ thủy là sự tha hóa, bất an của con người trong môi trường, không gian tăm tối đầy bạo lực. Trong Người đi vắng là những con người luẩn quẩn trong cuộc theo đuổi những ham muốn dục vọng hưởng thụ. Những cuộc tình vụng trộm, những ham muốn nhỏ nhen trong bốn tiểu thuyết gợi lên cái thác loạn của cuộc sống, sự tha hóa của con người.

Trong Ngồi, Nguyễn Bình Phương đã nhại lại những từ ngữ đẹp đẽ về lí tưởng để giễu sự giả dối, xuống cấp đạo đức, tha hóa phẩm chất cách mạng trong một bộ phận không nhỏ người trí thức. Họ rình rập, đấu đá nhau trong “mặt trận không tiếng súng”. Họ họp để sát phạt nhau về “tiêu chuẩn loại một, loại hai” với những từ ngữ đẹp đẽ về lí tưởng nhại đi nhại lại: “Thú thực là tôi luôn luôn băn khoăn day dứt về cái gọi là lí tưởng trong con người đồng chí Nghĩa” để rồi sau đó “Mẹ mày. Câu chửi như một tiếng sấm đột ngột giữa trời quang mây làm mọi người giật bắn mình.” Những gì thiêng liêng như “lí tưởng”, đạo đức giờ chỉ là điều giả dối, kệch cỡm đến nực cười - một tiếng cười chua chát cho kiếp nhân sinh. Những con người như ông Tước, ông Thìn, lão

Việt là những nhân vật mang dục vọng to lớn về quyền lực. Vì quyền lực mà họ đấu đá nhau, tự bôi đen nhân phẩm người lính trong thời bình bằng những “ngụy lí tưởng” đầy giả dối trong lời nói và hành động. Chân dung những con người này hiện lên thật nực cười.

Trong Thoạt kỳ thủy, Nguyễn Bình Phương đã nhại lại kiểu nhân vật dục vọng và thổi phồng con người ở phương diện bản năng hiếu sát đến điên loạn. Nhân vật Tính xuất hiện như một hiện hữu bất thường do bạo lực bồi đắp và ngày càng khát máu. Nhà văn đã nhại lại kiểu nhân vật với dục vọng khủng khiếp như Faust của Gớt sẵn sàng làm tất cả để thỏa mãn sự khát máu của mình. Hay nhà văn nhại lại hình ảnh đức Mẹ “đồng trinh” trong Thiên chúa giáo và tình nương “trinh bạch mà khát khao xuân tình” trong thơ Hàn Mặc Tử qua những ẩn ức tình dục của nhân vật Hiền. Trong khi đó nhân vật nhà văn Phùng với giấc mơ ám ảnh nhận giải thưởng văn học lại được Nguyễn Bình Phương nhại lại những nhân vật nhà văn của Nam Cao như San, Thứ (Sống mòn), Hộ (Đời thừa) để giễu ảo tưởng của những con người không vượt qua được những giới hạn của đời người, phải “bất lực” trước cuộc sống.

Trong Những đứa trẻ chết già, tác giả nhại lại kiểu nhân vật anh hùng hi sinh vì nghĩa lớn trong các truyện dân gian để giễu một loại người có dục vọng khủng khiếp, sẵn sàng dẫm đạp lên nhân phẩm của con người chạy theo cái “bả vinh hoa”. Để đạt được tham vọng của cải, Trường hấp và ông Trình đã chấp nhận “hi sinh” hạnh phúc gia đình. Trường hấp “hi sinh” nhân tính để vợ có thai với người thợ mộc để biết được bí mật kho báu. Ông Trình bỏ lại gia đình (vợ ngoại tình, con bỏ theo trai) để chạy theo bả vinh hoa. Cuối cùng sự “hi sinh cao cả của các anh hùng” đó chỉ còn lại một bãi phân, mà họ cũng không được thấy sự tồn tại của nó. Song song với việc giễu nhại những nhân vật “anh hùng rơm” đầy dục vọng như trên, Nguyễn Bình Phương còn nhại lại kiểu nhân vật ngố, ngốc trong dân gian qua nhân vật Phán trong truyện. Phán không hề biết đến kho báu, cũng không hề hiểu được giá trị của chiếc “thìa nhôm” ẩn chứa bí

mật. Nhưng cuối cùng Phán lại là người được hưởng “bãi phân vàng” đó. Trong khi những kẻ ma mãnh như lão Trình cả đời theo đuổi giấc mộng kho báu và đang thương hại cho “kẻ ngốc” như Phán thì Phán lại vô tình được hưởng kho báu. Sự đời hiện lên thật nực cười, cái cười chua chát cho những kẻ tham lam mà đời nào cũng có.

Một phần của tài liệu Cảm hứng giễu nhại trong sáng tác của phan thị vàng anh (Trang 54 - 58)