Nhận xét về công tác đào tạo nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực tại ngân hàng TMCP ngoại thương việt nam, chi nhánh tân bình (Trang 31 - 32)

• Những mặt làm được

- Số lượng cán bộ hàng năm được đi đào tạo không ngừng được tăng lên, chất lượng cán bộ nhân viên sau đào tạo không ngừng được tăng lên. Điều đó có được là do ban lãnh đạo Chi nhánh luôn luôn coi trọng vấn đề nguồn nhân lực, khẳng định con người là yếu tố then chốt tạo ra sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh. Vì vậy, hàng năm các kế hoạch đào tạo luôn được ban lãnh đạo xét duyệt.

- Hàng năm, Chi nhánh luôn cử cán bộ nhân viên đi đào tạo. Điều đó giúp cho cán bộ nhân viên nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, cập nhật quy định mới của Nhà nước, của Ngân hàng. Việc cán bộ nhân viên thường xuyên được đào tạo nâng cao trình độ đảm bảo cho Chi nhánh theo kịp xu thế thị trường, tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.

- Xây dựng được quy trình đào tạo một cách có hệ thống chi tiết. Các bước thực hiện được trình bày cụ thể, đảm bảo cho quá trình thực hiện công tác đào tạo luôn luôn được chi tiết, tránh sai sót.

• Những mặt còn hạn chế

- Việc cử cán bộ nhân viên đi đào tạo hàng năm là điều đó vô cùng quan trọng song nó cũng nảy sinh những vấn đề như khi chương trình đào tạo có thời gian dài. Khi có chương trình đào tạo, cán bộ nhân viên còn lại của Chi nhánh sẽ phải đảm đương công việc của các nhân viên được đi đào tạo. Điều đó làm cho hoạt động của Chi nhánh trở nên chậm chạp hơn bình thường, cán bộ nhân viên phải đảm đương khối lượng công việc nhiều hơn thường lệ. Do đó, phòng hành chính nhân sự cần tính toán hợp lý đảm bảo số lượng nhân viên được cử đi đào tạo trình ban lãnh đạo để không làm cho hoạt động kinh doanh hàng ngày bị ảnh hưởng nhiều.

- Công tác đào tạo cũng cần có chi phí. Do đó, nếu hàng năm số lượng cán bộ nhân viên được cử đi đào tạo tăng lên thì chi phí cho công tác đào tạo cũng tăng lên. Vì vậy, phòng hành chính nhân sự cần có những giải pháp đề xuất ban lãnh đạo một cách hợp lý nhằm đảm bảo cân bằng giữa chi phí cho đào tạo với hiệu quả mang lại.

- Việc Ngân hàng xây dựng trung tâm đào tạo của mình có rất nhiều lợi ích song nó cũng có những mặt hạn chế nhất định. Nó không thể có được sự đào tạo một cách bài bản hay mang tính hệ thống như được đào tạo tại các trường đại học, học viên chuyên nghiệp như: Học viện Ngân hàng, Tài chính, Kinh tế quốc dân... Trung tâm đào tạo đó chỉ có thể cung cấp cho cán bộ nhân viên kỹ năng, kiến thức trong công việc mà không thể cho họ một cơ sở lý luận như các trường đại học. Đây là một điểm hạn chế không thể tránh của các trung tâm đào tạo do chính công ty mở ra để đào tạo nhân viên của mình.

Nhìn chung, Chi nhánh đã chú trọng tới công tác đào tạo nhân viên nâng cao trình độ nghề nghiệp, đảm bảo theo kịp được với những thay đổi trong tình hình kinh tế hiện nay. Phòng hành chính nhân sự đã hoàn thành tốt vai trò khi tham mưu, tính toán số lượng cán bộ nhân viên hàng năm cử đi đào tạo nhằm tối ưu hoá giữa lợi ích thu được và chi phí bỏ ra.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực tại ngân hàng TMCP ngoại thương việt nam, chi nhánh tân bình (Trang 31 - 32)