Quan sát hình thái vi tảo N. oculata trên kính hiển vi, ta thấy vi tảo tồn tại ở dạng từng tế bào riêng rẽ hình cầu, kích thước lớn nhỏ khác nhau. Sự khác khác biệt về hình dáng và kích thước tùy thuộc theo mức độ sinh trưởng của tế bào. Về hình thái, tế bào có thành trong suốt, quan sát dưới kính hiển vi quang học có thể thấy được sắc tố diệp lục (hình 4.1). Quan sát kỹ hơn sẽ thấy không phải toàn bộ tế bào đều được bao phủ bởi sắc tố diệp lục, mà xen kẽ có những đốm nhỏ trong suốt li ti với kích cỡ khác nhau. Theo Silverberg (1976), lipid vi tảo tồn tại ở dạng các giọt có kích thước khoảng 30 nm trong tế bào chất [47]. Cho nên các đốm li ti này có khả năng là những giọt lipid được vi tảo dự trữ trong tế bào chất xen kẽ với các cơ quan dự trữ diệp lục, và kích thước các đốm lớn hay nhỏ là do mật độ các giọt lipid tập trung ít hay nhiều.
Hình 4.1. Tế bào N. oculata dưới vật kính ×100 ở ngày nuôi cấy thứ 2
Hình 4.2. Hình thái N. oculata dưới vật kính ×100 ở ngày nuôi cấy thứ 11 Sau 2 ngày cấy giống, mật độ tế bào còn thưa thớt nên có thể quan sát thấy vi tảo tồn tại thành từng tế bào riêng lẻ như hình 4.1. Tuy nhiên, càng về sau thì mật độ tế bào càng cao nên các tế bào vi tảo có xu hướng kết dính với nhau thành từng cụm. Sau 11 ngày nuôi cấy, quan sát thấy có những cụm tế bào hình thành như trong hình 4.2. Việc các tế bào kết dính lại với nhau có thể được gây ra bởi các yếu tố như thành phần môi trường, hoặc là do sự tương tác giữa các thành phần điện tích trên màng tế bào. Trong đó yếu tố thành phần môi trường được cho là gây ra ảnh hưởng nhiều hơn cả. Theo Grima và các cộng sự (2003), các ion kim loại đa hóa trị như sắt, nhôm là những
Chương 4: Kết quả và bàn luận
42
tác nhân gây keo tụ có khả năng kết dính các chất lơ lửng trong môi trường [24]. Một số nghiên cứu sử dụng phèn để kết lắng vi tảo Scenedesmus và Chlorella của Golueke & Oswald (1965), hoặc nghiên cứu sử dụng FeCl3 với nồng độ 18 mg/l để kết lắng vi tảo Nannochloropsis oculata của Dinh [17, 23]. Do đó, muối sắt FeCl3 tồn tại trong dung dịch do bổ sung khoáng vi lượng vào môi trường với nồng độ 1.8 mg/l như mục 3.1.2 đã đề cập là nguyên nhân gây ra hiện tượng các tế bào kết dính với nhau khi mật độ tăng cao.
Hiện tượng các tế bào kết dính lại với nhau rất có ý nghĩa trong quá trình thu hoạch sinh khối. Bởi vì khi kết dính với nhau thì sinh khối sẽ dễ dàng kết lắng hơn. Nhờ vậy, khi thu hoạch chỉ cần ngừng sục khí vài giờ để tạo điều kiện cho sinh khối kết lắng, loại bỏ phần dịch nổi và ly tâm phần dịch tảo cô đặc còn lại giúp giảm chi phí năng lượng hơn rất nhiều so với việc ly tâm toàn bộ phần dịch vi tảo ban đầu. Dựa vào tính chất kết lắng này, có thể nâng cao hiệu suất thu hồi sinh khối vi tảo bằng cách bổ sung các tác nhân keo tụ trong trường hợp không cần độ tinh sạch của sinh khối, vì khi kết lắng thì các hợp chất keo tạo thành bám vào và lắng theo sinh khối.