3. Đóng góp mới của luận văn
4.4.1. Giải pháp lâm sinh
Giải pháp lâm sinh được coi là khâu cốt lõi để điều chỉnh hệ sinh thái rừng theo hướng có lợi. Qua khảo sát khu vực nghiên cứu và các vùng lân cận chúng tôi thấy diện tích rừng trồng thuần loài chiếm diện tích khá lớn, thể hiện tính đa dạng loài không cao. Vì vậy, để các loài cây tái sinh ở khu vực này phát triển tốt, có giá trị và trong tương lai sẽ thay thế cây rừng hiện tại, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp lâm sinh như sau:
a.Các công việc cần làm trước khi xúc tiến tái sinh tự nhiên
- Tiến hành và rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) là điều kiện tạo thêm tư liệu sản xuất cho lao động nông thôn có thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, xã hội ổn định, giữ vững an ninh quốc phong trên địa bàn.
- Điều tra chất lượng rừng, trữ lượng lâm phần, mật độ cây trồng, phân loại rừng.
- Điều tra mô tả hiện trạng của thảm thực bì tái sinh dưới một số quần xã rừng trồng.
- Điều tra thu thập các số liệu về đất.
- Xác định được những quần xã rừng trồng cần thiết phải xúc tiến tái sinh.
b. Khoanh nuôi tái sinh rừng trong đó có khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi có trồng bổ sung
Đối tượng khoanh nuôi: Đất trống quy hoạch cho rừng phòng hộ, đặc dụng có trạng thái Ic, mật độ cây tái sinh > 600 cây/ha và có chiều cao >1,5m.
Thực hiện biện pháp khoanh nuôi tái sinh tự nhiên để tuân thủ theo diễn thế tự nhiên của rừng, từng bước tạo thành cơ cấu tổ thành rừng hỗn loài từ các loài cây tiên phong ưa sáng dần phát triển lên những loài cây gỗ lớn có giá trị kinh tế và khả năng phòng hộ, bảo tồn hệ sinh thái cao hơn rừng trồng. Các biện pháp cụ thể như sau:
- Vệ sinh rừng, phát dọn dây leo, thực bì chèn ép tạo điều kiện cho hạt giống nảy mầm, đồng thời để thúc đẩy cây tái sinh sinh trưởng, phát triển đặc biệt là những loài cây bản địa tái sinh có giá trị kinh tế.
- Tỉa dặm cây mục đích tái sinh tự nhiên từ chỗ dày sang chỗ thưa. - Trồng bổ sung các loài cây mục đích có giá trị.
- Tổ chức khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh cho các đối tượng đủ điều kiện; trong đó, tập trung cho các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư thôn sống gần khu vực khoanh nuôi.
c. Trồng rừng mới
Giải pháp trồng rừng là nhằm nhanh chóng tái tạo lại rừng, tạo ra sản phẩm theo mục đích của con người, đem lại hiệu quả kinh tế cao; nhưng khả năng phòng hộ thấp hơn rừng tự nhiên và nhất là bảo tồn hệ sinh thái rừng rất thấp.
Đối tượng: Đất trống, đồi núi trọc quy hoạch cho rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất có trạng thái Ia, Ib và có thể là Ic (đối với rừng sản xuất họăc đất trong quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng chưa đủ tiêu chí để khoanh nuôi xúc tiến tái sinh). Diện tích đất này hiện nay ở khu vực nghiên cứu vẫn còn nhưng không nhiều, song cũng cần thiết phải trồng để đảm bảo cho công tác phòng hộ và mục đích sản xuất. Biện pháp kỹ thuật áp dụng:
- Chọn và xác định đối tượng trồng rừng, lập dự toán, thủ tục giao khoán. - Chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa. Theo chúng tôi loại cây trồng thích hợp nhất cho vùng đất trống, đồi núi trọc là Keo hoặc Keo trồng xen với một số loài cây khác (như Mỡ, Bạch đàn,v.v… nhưng có tỉ lệ thấp hơn Keo). Vì cây Keo là cây có khả năng cố định đạm từ nitơ tự do nên đất được bổ sung nguồn đạm. Các loài cây trồng bổ sung thì phải chọn những loài cây gỗ lớn, gỗ nhỡ bản địa có giá trị kinh tế (Re, Kháo, Hoàng linh, v.v …), có đời sống kinh doanh dài trồng dưới tán rừng Keo, Mỡ để thay thế dần các loài cây trồng này khi đến tuổi khai thác.
d. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Đây là khâu rất quan trọng trong quá trình xúc tiến tái sinh rừng bởi lẽ có bảo vệ được rừng thì rừng mới tồn tại và phát triển. Qua điều tra chúng tôi được biết người dân ở khu vực này chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, mặt bằng dân trí, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong việc bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng không đồng đều; sản phẩm rừng hiện nay vẫn là nhu cầu cao của xã hội, do vậy những lúc thiếu hụt lương thực hay nông nhàn người dân thường vào rừng thu hái lâm sản, săn bắn thú rừng phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, một số ít người dân tham gia tiếp tay cho các đầu nậu để kiếm lời, các hành vi này tạo nên mối đe doạ trực tiếp đối với tài nguyên rừng. Nhu cầu sử dụng lâm sản làm vật liệu nhà ở và chất đốt của người dân trong xã rất cao, chiếm gần 90% nhà làm bằng gỗ, trong khi điều kiện để thay thế vật liệu khác cũng rất hạn chế, đa số không có khả năng. Vì vậy, để phát triển rừng trên địa bàn xã Thanh Tương cần phải thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, cụ thể:
- Xây dựng hệ thống đường băng cản lửa, bảng tuyên truyền; hệ thống biển báo các khu rừng đang tiến hành khoanh nuôi bảo vệ; bảng biển dự báo cấp cháy rừng, cấm thả rông gia súc, v.v...
- Đặc biệt tập trung vào công tác tuyên truyền cho nhân dân về lợi ích và hiệu quả của công tác khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ, đặc dụng; tổ chức tập huấn các biện pháp kỹ thuật bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng, đốt nương có kiểm soát cho nhân dân trên địa bàn; trang bị các thiết bị và dụng cụ phòng chống chữa cháy rừng.
- Thường xuyên tổ chức diễn tập phòng chống chữa cháy rừng để chủ động và ngăn chặn kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
- Xây dựng các tổ, đội bảo vệ rừng và căn cứ vào đặc điểm dân cư, tập quán, văn hoá dân tộc triển khai các hình thức bảo vệ cho phù hợp như: Khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, v.v...
- Quy hoạch vùng nương rẫy cố định, ổn định ở những khu vực thiếu đất sản xuất.
- Bảo vệ chống chặt phá cây mục đích, cây tái sinh, cây mẹ gieo giống. - Về phía chính quyền, các ngành chức năng phải làm tốt công tác truyền thông, cung cấp cho người dân những hiểu biết, thông tin thiết thực về chính sách phát triển rừng, phục vụ quá trình sản xuất, hướng dẫn để người dân áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
- Xác định và chọn giống cây trồng lâm nghiệp phù hợp với điều kiện lập địa của địa phương, đáp ứng được các mặt hiệu quả, năng suất, chất lượng và kinh tế. Tuân thủ nguyên tắc "đất nào, cây đấy".
- Nhanh chóng xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp theo phương thức tiếp cận dựa vào cộng đồng, trong đó mọi người dân đều có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nông lâm kết hợp, tạo đòn bẩy thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đó được xem như chính sách huy động tổng lực sức dân cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Để làm được điều đó cần phải tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông.