1.4.1.1 Tỷ lệ nghe kém
Theo ước tính của TCYTTG có 360 triệu người trên toàn thế giới bị nghe kém (≥40dB đối với người lớn≥15 tuổi, và ≥31dB đối với trẻ <15 tuổi). Tuy nhiên 91,0% các trường hợp nghe kém là ở người lớn, nghe kém ở trẻ em dưới 15 tuổi chỉ chiếm 9,0% trong tổng số nghe kém[128]. Các nghiên cứu cũng chỉ ra nam giới trong độ tuổi >15 tuổi có tỷ lệ nghe kém cao hơn nữ giới trong cùng độ tuổi, lần lượt là 12,2% và 9,8% [107]. Các nước có thu nhập thấp và trung bình thuộc khu vực Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ nghe kém cao hơn so với các quốc gia có thu nhập cao [107, 129].
TCYTTG cũng cho thấy có khoảng 15% số người ở tất cả các lứa tuổi bị nghe kém trên toàn thế giới.Tỷ lệ nghe kém tỷ lệ thuận với độ tuổi, tuổi càng cao tỷ lệ nghe kém càng lớn. Trong nhóm tuổi 0-14, ước tính có 1,7% trẻ bị nghe kém, tuy nhiên ở nhóm 15-64 tuổi, tỷ lệ nghe kém cao hơn 4 lần ở nhóm tuổi trẻ em. Người cao tuổi (≥65 tuổi) là đối tượng bị nghe kém nhiều nhất, có tới 1/3 số người trong nhóm tuổi này được phân loại là nghe kém [127].
1.4.1.2 Tỷ lệ và mức độ nghe kém ở trẻ em dưới 15 tuổi trên thế giới
TCYTTG cũng ước tính rằng có 1,7% trẻ dưới 15 tuổi bị nghe kém ở các mức độ khác nhau [106, 127], tương đương với 32 triệu trẻ em trên toàn thế giới [128]. Nam Á là khu vực có trẻ bị nghe kém cao nhất thế giới (2,4%), tiếp theo đó là khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chiếm khoảng 2,0% trẻ dưới 15 tuổi bị nghe kém. Các nước thu nhập cao có tỷ lệ nghe kém thấp nhất [107] chỉ với 0,4% trẻ bị nghe kém. Nếu giả thuyết rằng tỷ lệ nghe kém theo từng nhóm tuổi không thay đổi, tỷ lệ nghe kém (≥35dB) trên toàn thế giới tăng lên từ 6,9% (5,4- 9,8) năm 1990 tới 8,3% (6,6-11,1) năm 2008 [106]. Do tuổi thọ con người ngày càng tăng [113], tỷ lệ nghe kém sẽ có xu hướng tăng lên, trước hết do sự thay
đổi về cấu trúc dân số. Xu hướng này cũng có thể sẽ dừng lại do việc dự phòng nghe kém và các biện pháp can thiệp nghe kém đang từng ngày phát triển trên toàn thế giới [106].
Các nghiên cứu tổng quan trên toàn thế giới cho biết, nghe kém ở mức độ nghẹ (20-34dB) là mức độ phổ biến nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm 53% trong tổng số các mức độ nghe kém, tiếp theo đó là nghe kém ở mức độ trung bình (35-49dB), chỉ chiếm 9,1%. Các mức độ nghe kém nặng hơn chiếm tỷ lệ thấp (dưới 2%) trong các mức độ nghe kém [106].
Các nghiên cứu tổng quan trên toàn thế giới cho thấy, nghe kém ở mức độ nhẹ (20-34dB) là mức độ nghe kém phổ biến nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi. Trong tổng số hơn 1,7 tỷ trẻ em trên thế giới (số liệu năm 2008), có tới 53/1000 trẻ bị nghe kém mức độ nhẹ. Nghe kém ở mức độ trung bình (35-49dB) là mức độ nghe kém phổ biến thứ 2, chỉ sau nghe kém nhẹ, chỉ chiếm 9,1/1000 trẻ dưới 15 tuổi. Các mức độ nghe kém nặng vừa, nặng, rất nặng và điếc chiếm tỷ lệ thấp từ 2/1000 đến 0,1/1000 trẻ. Khu vực Nam Á là khu vực có tỷ lệ trẻ nghe kém ở mức độ nhẹ và vừa cao nhất trong số các khu vực trên thế giới, lần lượt là 69,3/1000 và 12,0/1000 trẻ. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ nghe kém mức độ nhẹ và vừa đứng thứ 2, chiếm 60,1/1000 trẻ bị nghe kém mức độ nhẹ và 10,2/1000 trẻ bị nghe kém mức độ trung bình [106].
1.4.1.3 Tình hình nghe kém ở trẻ dưới 6 tuổi
Cho đến nay có rất ít các nghiên cứu trên thế giới nghiên cứu tỷ lệ và các đặc điểm của nghe kém ở lứa tuổi mẫu giáo từ 2 tuổi đến 5 tuổi. Tỷ lệ nghe kém ở nhóm trẻ này là khác nhau dựa vào nhiều cách phân loại và các nghiệm pháp sàng lọc, chẩn đoán nghe kém khác nhau.
Một nghiên cứu thuần tập ở Atlanta, Mỹ ở trẻ từ 3-10 tuổi cho thấy tỷ lệ trẻ bị nghe kém nặng tăng dần theo độ tuổi, từ 0,67/1000 trẻ 3 tuổi đến 1,38/1000 ở trẻ 10 tuổi. Nghiên cứu cũng cho thấy nghe kém mức độ vừa là mức độ chủ yếu
trong các mức độ nghe kém (46%) [115]. Tương tự như vậy, nghiên cứu ở Thụy Điển trên 27.425 trẻ mẫu giáo cho thấy chỉ có 4,2/1000 bị nghe kém [110].
Ở các nước Châu Á tỷ lệ nghe kém ở trẻ mẫu giáo cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Tại Thượng Hải, Trung Quốc, chương tình sàng lọc nghe kém bằng nghiệm pháp đo âm ốc tai ở ở những trẻ trước đây đã được phân loại không bị nghe kém trong sàng lọc sơ sinh cho thấy trong số 21,427 trẻ mẫu giáo có 445 trẻ bị phân loại nghe kém, chiếm 2,08% [84]. Tương tự như vậy, sàng lọc nghe kém tại tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc ở những trẻ trước đây không bị nghe kém qua sàng lọc sơ sinh cho thấy tỷ lệ nghe kém ở trẻ mẫu giáo tại tỉnh này là 1,89% [65]. Như vậy nếu không được sàng lọc nghe kém khi sinh, tỷ lệ nghe kém ở trẻ lứa tuổi mẫu giáo sẽ còn cao hơn con số này.
Nhìn chung, tỷ lệ nghe kém vĩnh viễn bao gồm cả nghe kém mắc phải, bẩm sinh và diễn tiến ở trẻ sơ sinh trong những nghiên cứu ở những năm 1980 và 1990s từ 0,1% - 0,2%. Tuy nhiên nghiên cứu gần đây cho thấy nghe kém có thể ảnh hưởng tới từ 1 đến 6/1000 trẻ sơ sinh [76].
Nghiên cứu ở Hà Lan trên 5282 trẻ sơ sinh bằng nghiệm pháp đo âm ốc tai cho thấy 4,54% trẻ sơ sinh bị điếc tiếp nhận, trong đó 0,76% là điếc dẫn truyền [57].Trong Hội nghị quốc tế về sàng lọc thính lực trẻ sơ sinh ở Ý (2002-2003) một số tác giả trên thế giới đã công bố tỷ lệ giảm thính lực ở trẻ sơ sinh là 3% ở CuBa và Nam Mỹ, 0,3% ở Canada, Mỹ, Pháp, Đức và Anh. Một số tác giả cũng cung cấp thông tin về nghe kém ở trẻ sơ sinh như 1/50 trẻ nhỏ bị can thiệp hồi sức cấp cứu có nguy cơ bị giảm thính lực, 50% trẻ giảm thính lực không có yếu tố nguy cơ, hầu hết trẻ giảm thính lực mức độ nhẹ và vừa, 96% trẻ giảm thính lực có cha mẹ không bị giảm thính lực [53].
Tại Mỹ, bắt đầu từ cuối thập kỉ 70 của thế kỷ XX chương trình sàng lọc giảm thính lực trẻ sơ sinh đã được triển khai bằng nhiều nghiệm pháp khác nhau. Sau nhiều năm, các nhà nghiên cứu của Mỹ đi đến kết luận đo âm ốc tai kích thích là một trong những biện pháp sàng lọc có độ nhạy cao nhằm phát
hiện sớm giảm thính lực ở trẻ sơ sinh. Kết quả ở Mỹ cho thấy năm 1990 khiếm thính trẻ em được phát hiện ở lứa tuổi 24 – 30 tháng. Vì vây, năm 1993 Viện sức khỏe quốc gia Mỹ đặt chiến lược đến năm 2000 không chỉ sàng lọc giảm thính lực cho trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mà tất cả trẻ sơ sinh phải được sàng lọc giảm thính lực trước khi ra khỏi nhà hộ sinh và tất cả trẻ có nghi ngờ giảm thính lực sẽ được tiến hành can thiệp sớm phục hồi chức năng. Năm 1994, Ủy ban quốc gia về trẻ khiếm thính Mỹ đặt kế hoạch tất cả trẻ giảm thính lực phải được chẩn đoán xác định khi 3 tháng tuổi và can thiệp trước 6 tháng tuổi [50]. Chương trình sàng lọc ở Mỹ cũng cho biết ước tính mỗi ngày có 33 trẻ em bị điếc bẩm sinh ra đời, trong đó gần 50% không được phát hiện trong 2 năm đầu [50].
Nghiên cứu năm 2002 ở Jerusalem cho thấy trong số 8.982 trẻ sơ sinh được đo âm phát ốc tai kích thích trước khi xuất viện có 6,5% có kết quả đo OAE sàng lọc âm tính, trong đó 4,2% bị nghe kém 1 tai và 2,3% bị nghe kém cả 2 tai. Nghiên cứu cũng cho thấy kỹ thuật đo âm ốc tai (OAE) sàng lọc giảm thính lực ở trẻ sơ sinh là khả thi và có thể phát hiện giảm thính lực ở trẻ nhỏ dễ dàng hơn trước [75].Ở Singapore, sàng lọc giảm thính lực ở trẻ sơ sinh bằng đo âm ốc tai kích thích được bắt đầu từ năm 1999. Chương trình đã ước tính tỷ lệ trẻ sơ sinh bị giảm thính lực ở mức độ nặng và rất nặng là 1/1000 trẻ sơ sinh và khoảng 5/1000 trẻ sơ sinh bị nghe kém ở các mức độ nhẹ hơn. Nghe kém ở mức độ nhẹ và vừa và do di truyền là những nghe kém thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh ở quốc gia này [83].