Tỷ lệ nghe kém qua sàng lọc bằng phương pháp OAE

Một phần của tài liệu một số đặc điểm và yếu tố nguy cơ của nghe kém ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi tại các trường mẫu giáo nội thành hà nội (Trang 80 - 84)

Chương trình sàng lọc giảm thính lực cho trẻ đã trở thành chương trình quốc gia ở nhiều nước trên thế giới [82], [111]. Tuy nghiên các chương trình này chỉ nhằm sàng lọc nghe kém, giảm thính lực ở trẻ sơ sinh hoặc những trẻ sơ sinh có yếu tố nguy cơ cao, ít có các chương trình sàng lọc giảm thính lực cho trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo hoặc trẻ lớn. Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định, phương pháp đo âm ốc tai kích thích là phương pháp sàng lọc giảm thính lực có nhiều ưu điểm như đơn giản, dễ thực hiện, không đòi hỏi người đo có trình độ chuyên sâu về thính lực học, không đòi hỏi sự phối hợp từ phía trẻ, giá thành thấp… Bên cạnh đó phương pháp này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao [38], [69]. Chính vì vậy, đây là phương pháp được khuyến cáo trong sàng lọc giảm thính lực ở cộng đồng. Đây cũng là phương pháp đã và đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới như Singapo, Trung Quốc, Mỹ… [82], [74].

Phương pháp đo âm ốc tai có thể cho những kết quả khác nhau như “Pass” hay còn gọi là kết quả dương tính (OAE(+) tức là khả năng nghe bình thường, nghi ngờ có giảm thính lực, hoặc không đo được hoặc có kết quả đo OAE âm tính hay còn gọi là “Refer” tức là những trẻ có khả năng giảm thính lực. Kết quả OAE được coi là âm tính khi không đáp ứng với âm thanh có tần số dao động từ 500-4.000 Hz và cường độ 30dB. Tuy nhiên kết quả OAE (-) không có nghĩa là trẻ bị nghe kém mà chỉ gợi ý khả năng trẻ bị nghe kém, do đó cần phải được kiểm tra lại bằng các xét nghiệm thính giác chuyên sâu hơn [38].

Trong nghiên cứu này, trẻ được tiến hành sàng lọc nghe kém bằng phương pháp đo âm ốc tai hai lần tại cộng đồng và tại phòng cách âm chuẩn tại Khoa Thính học – Bệnh viện Nhi Trung ương đối với những trẻ có kết quả OAE (-) lần 1. Kết quả sàng lọc giảm thính lực bằng đo âm ốc tai kích thích lần 1 với 7.191 trẻ mẫu giáo cho thấy có 337 trẻ có kết quả âm ốc tai kích thích âm tính

(OAE(-)), chiếm 4,7%. Tuy nhiên trong lần đó OAE thứ 2 đối với tất cả 337 trẻ này chỉ có 314 trẻ có kết quả OAE (-), chiếm 93,2% số trẻ OAE (-) trong lần 1. Như vậy qua 2 lần đo, tỷ lệ trẻ mẫu giáo từ 2-5 tuổi tại các trường mẫu giáo công lập nội thành thành phố Hà Nội nghi ngờ bị nghe kém 4,4%, dao động từ 4,3% ở quận Hoàng Mai đến 4,6% ở quận Ba Đình, tuy nhiên sự khác biệt về tỷ lệ trẻ có kết quả OAE(-) không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Tỷ lệ OAE (-) ở trẻ em nam (4,7%), chiếm 56,1% tổng số trẻ có kết quả OAE (-), cao hơn tỷ lệ này ở trẻ em nữ (4,0%), chiếm 43,9%.

Kết quả của nghiên cứu này tương tự kết quả nghiên cứu của Phạm Thị Cơi và cs năm 2001 về đánh giá vai trò của âm ốc tai trong thính học tại cộng đồng ở 3 tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và Phú Thọ trên 823 trẻ dưới 5 tuổi với tỷ lệ trẻ có kết quả OAE (-) là 4,87%. Nghiên cứu giảm thính lực ở trẻ sơ sinh bằng đo âm ốc tai sàng lọc cho trẻ sơ sinh tại Hà Nội của Nguyễn Thu Thủy cho thấy trong số 11.789 trẻ sơ sinh được đo OAE sàng lọc 1 lần, có 413 trẻ, chiếm 3,4% số trẻ sơ sinh có kết quả sàng lọc âm tính [37]. Nghiên cứu này cũng cho thấy trẻ em nam có kết quả OAE (-) cao hơn trẻ em nữ 54,5% so với 45,5% [37]. Tỷ lệ OAE (-) của Nguyễn Thu Thủy tại bệnh viện phụ sản Hà Nội thấp hơn rất tỷ lệ OAE(-) sàng lọc nghe kém tại Thái Bình của Phạm Thị Tỉnh (2011) trên hơn 6000 trẻ sơ sinh tại các Trạm y tế xã. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ OAE (-) lần 1 là 5,9% [31]. Tuy nhiên tỷ lệ trẻ được xác định bị giảm thính lực chỉ chiếm 0,24%. Kết quả này cũng tương tự nghiên cứu tại Bệnh viện Hùng Vương, thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ trẻ sơ sinh có kết quả giảm thính lực có tỷ lệ thấp, chỉ chiếm 0,2% [36].

Kết quả trẻ giảm thính lực ở nghiên cứu này cao hơn kết quả nghiên cứu của Ngô Đức Xương (1997) về tỷ lệ học sinh tiểu học tại Hải Phòng có kết quả nghe kém là 1,13%. Tuy nhiên tỷ lệ nghe kém trong nghiên cứu của Ngô Đức Xương cũng rất khác nhau ở các trường tiểu học, dao động từ 0,43% ở trường tiểu học Nguyễn Tri Phương đến 2,25% ở trường tiểu học Ngô Gia Tự [39].

Tỷ lệ trẻ có kết quả “Refer” trong nghiên cứu sàng lọc trẻ mẫu giáo ở Hà Nội cũng tương tự như các nghiên cứu trên thế giới. Nghiên cứu của Larry, Y (2008) tại Mỹ với trẻ từ 2-5 tuổi cho thấy tỷ lệ trẻ có kết quả OAE (-) là 5,5%, trong đó tương tự như nghiên cứu ở trẻ mẫu giáo Hà Nội, trẻ 2 tuổi là trẻ có tỷ lệ OAE (-) cao nhất 10,5% [133]. Tỷ lệ trẻ nghi ngờ nghe kém trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn nhiều tỷ lệ “refer” trong nghiên cứu ở Mỹ. Allen, RL và cs (2004) đã tiến hành đo đơn âm 2 lần cho 1.462 trẻ từ 3 đến 4 tuổi tại Mỹ cho thấy tỷ lệ trẻ bị refer là 10,0% [41]. Tuy nhiên so với tỷ lệ nghe kém ở trẻ em <15 tuổi theo khu vực thì tỷ lệ nghe kém ở trẻ mẫu giáo từ 2-5 tuổi ở nội thành Hà Nội lại cao hơn. TCCYTTG cho biết Việt Nam là quốc gia trong khu vực có tỷ lệ nghe kém ở trẻ em <15 tuổi cao thứ hai trên thế giới với tỷ lệ 2,0% [127]. Như vậy so với các lứa tuổi trẻ em khác (6-14 tuổi) tỷ lệ nghe kém ở trẻ mẫu giáo có thể cao hơn. Tỷ lệ nghe kém cao ở trẻ từ 2-5 tuổi tại Hà Nội có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau tuy nhiên nguyên nhân liên quan đến các bệnh TMH, đặc biệt các bệnh ở tai như viêm tai giữa, viêm tai thanh dịch…có thể đóng vai trò quan trọng do tỷ lệ mắc cao [2].

Sự khác biệt về tỷ lệ OAE (-) trong các nghiên cứu có thể do ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Trước hết là ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài tới kết quả sàng lọc nghe kém bằng OAE. Kết quả của OAE có thể bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn xung quanh nơi diễn ra đo. Bên cạnh đó kết quả của OAE sẽ bị ảnh hưởng bởi các dị hình ống tai, ráy tai, hoặc dịch trong tai. Những yếu tố này làm tăng tỷ lệ âm tính giả của nghiệm pháp sàng lọc [38]. Điều này có thể giải thích cho tỷ lệ âm tính giả trong các nghiên cứu sàng lọc nghe kém ở trẻ sơ sinh một lần là rất cao. Thông thường, trẻ sơ sinh thường có dịch ối trong tai, nếu không tiến hành làm sạch ống tai trước khi đo sẽ cho kết quả âm tính giả. Nghiên cứu sàng lọc nghe kém ở trẻ sơ sinh tại Thái Bình là một ví dụ điển hình cho vấn đề này [31] với tỷ lệ OAE (-) 1 là 5,9%, tuy nhiên tỷ lệ trẻ được xác định bị giảm thính lực chỉ chiếm 0,24%.

Nhằm khắc phục nhược điểm của phương pháp này, trong nghiên cứu sàng lọc nghe kém trẻ mẫu giáo nội thành Hà Nội, ngay từ lần đo thứ nhất, trước khi tiến hành đo âm ốc tai, tất cả trẻ em đều được khám tai, lấy ráy tai hoặc dị vật trong ống tai. Hơn thế nữa, việc đo được tiến hành tại phòng cách âm tương đối nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của tiếng ồn tới kết quả đo. Trong lần đo âm ốc tai thứ 2, tất cả trẻ có kết quả đo âm ốc tai âm tính lần 1 đều được khám tai kỹ hơn bằng bộ dụng cụ khám tai mũi họng, những trẻ có bệnh lý ở tai như viêm tai thành dịch hoặc có mủ, hoặc có ráy tai đều được xử trí trước khi đo. Tất cả những trẻ này đều được đo trong phòng cách âm chuẩn của Trung tâm Thính học – Bệnh viện Nhi Trung ương. Do đó đã loại bỏ những yếu tố về tiếng ồn và dị vật tai.

Trong bất kỳ chương trình sàng lọc nào đều đòi hỏi phương pháp sử dụng cóđộ nhạy và độ đặc hiệu cao. Trong nghiên cứu này, phương pháp sàng lọc nghe kém bằng OAE được sử dụng. Do có những ưu điểm như thời gian đo ngắn, tiết kiệm kinh phí, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, phương pháp này được khuyến cáo sử dụng trong sàng lọc giảm thính lực cho trẻ em trên toàn thế giới [52]. Phương pháp này cũng đã được chứng minh là phù hợp với trẻ tuổi từ 2-5 tuổi [133]. Tuy nhiên các xét nghiệm thính giác chuyên sâu hơn như ABR, đơn âm cho những trẻ có kết quả OAE (-) cũng cần được thực hiện nhằm đưa ra thông tin chính xác về đặc điểm nghe kém của đối tượng nghiên cứu [52].

Nghiên cứu tại Mỹ nhằm xác định độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp đo OAE với phương pháp đo đơn âm trên 744 trẻ mẫu giáo từ 2-5 tuổi cho thấy độ nhạy của nghiệm pháp này là 100% và độ đặc hiệu là 94,0% [133]. Các nghiên cứu gần đây cũng không tìm thấy sự khác biệt về tỷ lệ pass/refer giữa nghiệm pháp thính giác OAE với đơn âm truyền thống ở trẻ 2-5 tuổi [103]. Ở nước ta, nghiên cứu của Trần Thị Thu Hà (2009) cũng cho thấy độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp OAE lần lượt là 100% và 94,0% [13]. Như vậy các

nghiên cứu đều cho thấy phương pháp sàng lọc OAE cho kết quả chính xác cao trong sàng lọc nghe kém.

Ở nghiên cứu này, tỷ lệ trẻ có kết quả OAE (-) lần 1 là 4,7%, tuy nhiên sau khi đo tại phòng cách âm chuẩnnhững trẻ có kết quả OAE (-) lần 1 thì tỷ lệ trẻ có kết quả OAE (-) lần 2 chỉ còn 4,4%. Tất cả những trẻ có kết quả OAE (-) lần 2 được phân loại có nghe kém theo các mức độ khác nhau bằng phương pháp ABR hoặc đơn âm. Như vậy, kết quả đo OAE lần 2 tại phòng cách âm chuẩn giống kết quả của phương pháp ABR hoặc đơn âm.

Một phần của tài liệu một số đặc điểm và yếu tố nguy cơ của nghe kém ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi tại các trường mẫu giáo nội thành hà nội (Trang 80 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)