3.2.4.1. Tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ con người
Trong những thập kỷ gần đây, yếu tố môi trường ngày càng biến động theo xu hướng bất lợi cho sức khỏe con người và ảnh hưởng đến 40% bệnh tật của con người ngày nay. Những nơi có cuộc sống nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển thì nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường kém, thực phẩm bị ô nhiễm do vi sinh vật và chất lượng không đảm bảo, rác thải không được quản lý, ô nhiễm không khí, điều kiện ăn ở thiếu thốn...thì dịch bệnh dễ phát sinh đã tác động xấu đến sức khỏe con người.
Ba Bể là huyện phát triển ngành công nghiệp khai tuyển khoáng, tình trạng ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí ngày càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế đã thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn huyện và kéo theo sự ô nhiễm môi trường.
- Tác động ô nhiễm môi trường nước: Khi môi trường nước bị ô nhiễm sẽ gây tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người . Người dân khi sử dụng và sống gần các nguồn nước bị ô nhiễm thường gây nên các bệnh : Tiêu chảy, lỵ trực trùng, thương hàn, tả, viêm gan A , giun sán...Các bệnh này làm cho con người dần bị suy dinh dưỡng , thiếu máu , thiếu sắt, gây kém phát triển thậm trí còn tử vong , nhạy cảm nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
- Tác động do ô nhiễm môi trường không khí: Ô nhiễm không khí có những ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt đến đường hô hấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi môi trường không khí bị ô nhiễm, sức khỏe con người bị suy giảm, quá trình lão hóa trong cơ thể bị thúc đẩy, chức năng của phổi bị suy giảm; gây bệnh hen suyễn, viêm phế quản, ung thư, tim mạch và làm giảm tuổi thọ của con người. Mức độ ảnh hưởng của từng người tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ, loại chất ô nhiễm và thời gian tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
- Tác động do ô nhiễm môi trường đất: Cùng với ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí thì ô nhiễm đất đai cũng là vấn đề đáng báo động hiện nay, đặc biệt trong việc sử dụng nông dược và phân hoá học. Ô nhiễm đất không những ảnh
hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản, mà còn thông qua lương thực, rau quả... ảnh hưởng gián tiếp tới sức khoẻ con người và động vật.
- Tác động do ô nhiễm từ chất thải rắn: Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ được mở rộng và phát triển nhanh chóng, một mặt góp phần tích cực cho sự phát triển của tỉnh, mặt khác tạo ra một khối lượng chất thải rắn ngày càng lớn, tính độc hại và thành phần cũng biến đổi ngày càng phức tạp. Lượng chất thải này có thể thâm nhập vào môi trường không khí dưới dạng bụi hay các chất khí được phân hủy như H2S, NH3...rồi theo đường hô hấp đi vào cơ thể con người hay sinh vật.,.
3.2.4.2. Tác động của ô nhiễm môi trường đến các vấn đề kinh tế xã hội.
Ô nhiễm môi trường gây tác hại xấu tới sức khỏe của cộng đồng dân cư, làm tăng chi phí khám, chữa bệnh, làm giảm năng suất lao động, mất ngày công lao động do nghỉ ốm, và nghỉ để chăm sóc, thăm hỏi người bệnh, phải tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế từ con người, phòng khám, bệnh viện và các trang thiết bị kèm theo.
Ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là khí thải từ các nhà máy công nghiệp, các làng nghề… làm giảm năng suất sản xuất nông nghiệp nhất là khí thải đúng vào thời kỳ cây trổ bông, ra hoa kết quả.
Ô nhiễm môi trường nước làm nhiều ao hồ, sông ngòi trước đây là nơi nuôi trồng rau, nuôi cá, nay phải bỏ hoang… gây thiệt hại kinh tế đối với sản xuất nông nghiệp, thủy sản; tăng chi phí cho việc xử lý nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân nhất là đối với người nông dân có thu nhập thấp, cuộc sống càng khó khăn hơn.
Ô nhiễm môi trường làm giảm sức thu hút đối với du lịch, giảm lượng khách du lịch, dẫn đến các thiệt hại về kinh tế cho ngành du lịch; ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương, tác động tiêu cực đến khả năng thu hút đầu tư của huyện, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tác động do ô nhiễm môi trường nước: Môi trường nước bị ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu cấp nướ c sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản . Khi môi trường nước bị ô nhiễm phải đầu tư một khoản lớn kinh phí để xử lý và các vấn đề này sinh khác...
- Tác động do ô nhiễm môi trường không khí: Môi trường khôn g khí bị ô nhiễm tác động không nhỏ tới nền kinh tế - xã hội của huyện. Ngoài việc con người mắc bệnh do nguồn ô nhiễm không khí dẫn tới sự giảm sút thiệt hại đáng kể tới chỉ số kinh tế của toàn huyện, là nguyên nhân làm suy giảm và tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng đến sức khoẻ, bao gồm các khoản chi phí: Khám, chữa bệnh, thiệt hại cho sản xuất và nền kinh tế.
- Tác động do ô nhiễm môi trường đất: Khi đất bị ô nhiễm sẽ làm giảm độ phì của đất, dẫn tới tình trạng chất lượng nông sản giảm sút , không đạt hiệu quả , giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện . Môi trường đất bị ô nhiễm không chỉ đe dọa tới sức khỏe con người, mà còn làm mất ổn định hệ sinh thái nông nghiệp.
- Tác động do suy thoái đa dạng sinh học: Đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên quý giá nhất, đóng vai trò lớn nhất đối với tự nhiên và đời sống con người. Các hệ sinh thái bị tác động và khai thác quá mức; diện tích rừng bị thu hẹp một cách báo động. Tốc độ tuyệt chủng của các loài ngày một tăng. Hậu quả tất yếu dẫn đến là sẽ làm giảm/mất các chức năng của hệ sinh thái như điều hòa nước, chống xói mòn, đồng hóa chất thải, làm sạch môi trường, đảm bảo vòng tuần hoàn vật chất và năng lượng trong tự nhiên, giảm thiểu thiên tai/các hậu quả cực đoan về khí hậu. Và hệ quả cuối cùng là hệ thống kinh tế bị suy giảm do mất đi các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
Huyện Ba Bể có Vườn Quốc gia Ba Bể nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung là một trong những đặc trưng của đa dạng sinh học Việt Nam. Mặc dầu vậy, hiện nay đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Ba Bể cũng như của tỉnh Bắc Kạn đang có dấu hiệu suy giảm do việc khai thác trái phép, đốt nương làm rẫy của người dân, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tình trạng cháy rừng, lũ lụt, sạt lở và xu hướng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
- Tác động do ô nhiễm từ chất thải rắn: Tình trạng thu gom và xử lý rác tại huyện Ba Bể vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, điều đó tác động tới vệ sinh mỹ quan đô thị, sức khoẻ cộng đồng. Rác thải bao gồm thực phẩm thừa và các loại chất thải rắn khác không được thu gom, có mặt trên đường, bãi đất trống, trục lộ giao thông đô thị gây mùi hôi thối, mất mỹ quan đường phố, cụ thể là cảnh quan của các khu di
tích lịch sử, văn hoá làm giảm hoặc thậm chí mất đi giá trị du lịch của chúng. Đặc biệt là nguồn chất thải rắn là nilon không phân hủy được sử dụng rất nhiều trong đời sống nhân dân đang là vấn đề nhức nhối, chưa có hướng giải quyết triệt để.
3.2.4.3. Tác động của ô nhiễm môi trường đối với các hệ sinh thái
Ô nhiễm môi trường do các hoạt động của con người đã tác động tới điều kiện môi trường của hệ sinh thái tự nhiên bằng cách thay đổi hoặc cải tạo chúng như:
- Chuyển đất rừng thành đất nông nghiệp làm mất đi nhiều loại động, thực vật quý hiếm, tăng xói mòn đất, thay đổi khả năng điều hoà nước và biến đổi khí hậu v.v...
- Cải tạo đầm lầy thành đất canh tác làm mất đi các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng đối với môi trường sống của nhiều loài sinh vật và con người.
- Chuyển đất rừng, đất nông nghiệp thành các khu công nghiệp, khu đô thị, tạo nên sự mất cân bằng sinh thái khu vực và ô nhiễm cục bộ.
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường còn tác động vào cân bằng sinh thái: Săn bắn quá mức, đánh bắt quá mức gây ra sự suy giảm một số loài và làm gia tăng mất cân bằng sinh thái; Ðưa vào các hệ sinh thái tự nhiên các hợp chất nhân tạo mà sinh vật không có khả năng phân huỷ như các loại chất tổng hợp, dầu mỡ, thuốc trừ sâu, kim loại độc hại v.v...
- Tác động do ô nhiễm môi trường nước: Nguồn nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái dưới nước. Với các nguồn nước ô nhiễm, nồng độ các chất bẩn hữu cơ cao, lượng oxy hoà tan quá thấp làm cho các loài sinh vật trong nước không sống sót được, đặc biệt là sản lượng cá bị giảm rất nhiều trong các hồ nuôi cá bị ô nhiễm.
- Tác động do ô nhiễm môi trường không khí: Không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến các loài như giảm năng suất của hoa màu. Bụi trong không khí hấp thụ những tia cực tím của mặt trời làm cho cây chậm lớn và khó nảy mầm. Những nơi ô nhiễm không khí nặng, lá cây trồng bị bao phủ nhiều bụi làm giảm quá trình quang hợp, cây trồng có thể ra hoa nhưng không đậu quả, cây trồng phát triển chậm.
- Tác động do ô nhiễm môi trường đất: Đất bị ô nhiễm do phân bón, nông dược và các chất thải ngày càng lớn, tác động mạnh mẽ đến các hệ sinh thái. Sự tích tụ cao các chất độc hại, các kim loại nặng trong đất sẽ làm tăng khả năng hấp thụ các nguyên tố có hại trong cây trồng, vật nuôi. Ngoài việc ô nhiễm nước do dư lượng Nitrat và Phosphat, các phân bón còn làm ô nhiễm thức ăn từ đó tác động đến cả chuỗi thức ăn của các hệ sinh thái.
- Tác động do suy thoái đa dạng sinh học: Ô nhiễm môi trường làm thay đổi môi trường sống của các loài sinh vật. Một số loài dần có thể thích nghi với những thay đổi của môi trường nhưng nhiều loài sinh vật không thể thích nghi dẫn đến nguy cơ diệt vong. Ô nhiễm môi trường cũng tạo điều kiện để các loài sinh vật ngoại lai phát triển. Các loài xâm lấn có thể cạnh tranh chiếm môi trường sống và làm nguy hại cho các loài địa phương, từ đó làm giảm đa dạng sinh học.
- Tác động do ô nhiễm chất thải rắn: Trong đà phát triển, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần của huyện, đi cùng đó là lượng chất thải rắn ngày càng tăng, tính độc hại và thành phần cũng biến đổi ngày càng phức tạp. Những tác động do chất thải rắn gây nên ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, đó cũng là nguyên nhân làm mất chỗ cư trú, mất thảm thực vật và sinh vật trong lớp đất bề mặt.
Các bệnh viện, trung tâm y tế của huyện đến xã hiện nay hầu như chưa có hệ thống xử lý chất thải y tế đúng quy cách, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cộng đồng. Tuy nhiên chưa có những nghiên cứu thống kê cụ thể nhưng sự tác động đến các hệ sinh thái do chất thải rắn công nghiệp, xây dựng và chất thải rắn y tế là hiện hữu và ngày càng rõ rệt.