Từ kết quả nghiên cứu (biểu đồ 3.1) cho thấy tỷ lệ nhiễm GĐR chung là 11,55%, trong đó giun đũa: 8,06%, giun tóc: 4,36% giun móc/mỏ: 0,44%. Tỷ lệ nhiễm chung, nhiễm giun đũa, giun tóc, giun móc/mỏ ở trường An Hưng (13,59%; 10,09%; 4,39%; 0,88%) đều cao hơn trường Nguyễn Văn Tố (9,52%; 6,06%; 4,33%; 0%) nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p> 0,05. Lý giải điều này theo chúng tôi ở ngoại thành điều kiện vệ sinh chưa cao, môi trường bị ô nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng cao hơn nội thành, mặt khác người dân ở ngoại thành đa số là làm ruộng vì vậy học sinh cũng tiếp xúc thường xuyên với phân, rác hơn .
Kết quả nghiên cứu của Đinh Thị Thanh Mai và CS [14], năm 2003- 2004, tại trường tiểu học xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho thấy: tỷ lệ nhiễm chung: 64,6%, trong đó tỷ lệ nhiễm giun đũa: 59,6%, nhiễm giun tóc: 27,1% cao hơn nghiên cứu của chúng tôi. Chỉ có 1 trường hợp nhiễm giun móc chiếm tỷ lệ 0,4% tương đương kết quả nhiễm giun móc của chúng tôi. Sở dĩ như vậy vì đây vốn là vùng đất nông nghiệp thuần túy canh tác còn nhiều lạc hậu. Mặt khác nghiên cứu được tiến hành cách đây khoảng 10 năm khi đó tình hình vệ sinh chưa được cải thiện nhiều và nhận thức của người dân chưa cao. Thêm vào đó là công tác y tế học đường còn nhiều khó khăn và hạn chế.
Theo báo cáo của Nguyễn Thị Hưng và CS [6] khi điều tra ở 1 trường tiểu học tại Quảng Ninh năm 2002 cho thấy tỷ lệ nhiễm chung là 99%, nhiễm giun đũa: 88,4%, nhiễm giun tóc: 84%, giun móc: 0,37% đều cao hơn của chúng tôi.
Một nghiên cứu khác của Lê Lợi và CS ở học sinh tiểu học tỉnh Nam Định từ năm 2000-2004 [12], cho thấy tỷ lệ nhiễm giun đường ruột chung
toàn tỉnh là 72,15%, nhiễm giun đũa: 46,31%, giun tóc: 57,38%, cao hơn kết quả nghiên cứu của chúng tôi, còn tỷ lệ nhiễm giun móc là 0% tương đương kết quả của chúng tôi có lẽ do học sinh tiểu học thì chưa phải tiếp xúc với công việc đồng áng.
Nghiên cứu của Lương Văn Định và các cộng sự năm 2005-2006 [2] ở trẻ em xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy tỷ lệ nhiễm chung là 64,41%, trong đó nhiễm giun đũa: 54,24%, giun tóc là 16,27%, giun móc: 25,08% đều cao hơn nghiên cứu của chúng tôi. Tỷ lệ nhiễm giun móc cao có thể do trong đối tượng nghiên cứu có cả trẻ em lớn là học sinh trung học cơ sở đã tham gia giúp bố mẹ việc đồng áng.
Theo Lê Cao Hải và CS [3] năm 2004 khi nghiên cứu ở 3 trường tiểu học tỉnh Thái Nguyên cho thấy trước khi tiến hành chiến dịch tẩy giun hàng loạt cho học sinh thì tỷ lệ nhiễm chung là 86,23%, nhiễm giun đũa: 86,31%, giun tóc: 20,66%, giun móc: 3,93% cao hơn nghiên cứu của chúng tôi.
Kết quả nghiên cứu của Lê Thuận và CS năm 2005 [22] tại Quỳnh Lưu, Nghệ An trên học sinh tiểu học cho thấy tỷ lệ nhiễm chung rất cao chiếm 98%, giun đũa: 83,6%, giun tóc: 85,1% và giun móc/mỏ: 30,3%. Theo tác giả thì đây là vùng trồng hoa màu và không có y tế học đường.
Nghiên cứu của Võ Thị Thanh Hiền và CS năm 2009-2010 [4] ở học sinh 2 trường tiểu học thuộc thành phố Lào Cai cho kết quả tỷ lệ nhiễm chung là 59,1%, giun đũa: 47,6%, giun tóc: 17,3%, giun móc/mỏ: 9,5% đều cao hơn nghiên cứu của chúng tôi.
Theo báo cáo của Nguyễn Thu Hương và cộng sự, năm 2011-2012 [7], ở học sinh tiểu học tại 1 số tỉnh thành trên toàn quốc cho thấy tỷ lệ nhiễm giun chung là 16,3%. Trong đó tỷ lệ nhiễm giun đũa: 2,7%, nhiễm giun tóc: 4,8%, nhiễm giun móc: 9,5%.
Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Liên và CS ở học sinh tiểu học tại 1 số quận, huyện thành phố Hà Nội năm 2011-2012 cho thấy tỷ lệ
nhiễm chung là 6,68%, nhiễm giun đũa: 2,72%, nhiễm giun tóc: 3,57%, nhiễm giun móc: 1,16% thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi.[11]
Theo chúng tôi, tỷ lệ nhiễm giun đường ruột của học sinh ngày càng giảm do ý thức vệ sinh và điều kiện kinh tế ngày càng nâng cao. Giun đũa, giun tóc có tỷ lệ nhiễm cao ở học sinh tiểu học, do ý thức của vệ sinh của các cháu còn kém. Các cháu tay bẩn có thể cầm đồ ăn, hoa quả, hoặc thói quen không rửa tay trước khi ăn, sau khi đại tiện, sau đó đưa lên miệng. Một thói quen nữa của học sinh tiểu học là sự hiếu động của trẻ, các cháu chơi đùa trên sân, phòng học, nghịch đất cát...đưa tay lên miệng. Vì những lý do đó mà ở học sinh tiểu học thường có tỷ lệ nhiễm giun đũa, giun tóc cao nhất .
Tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏ liên quan nhiều đến nghề nghiệp, ví dụ như những người làm nghề trồng màu, công nhân mỏ than…Do đó giun móc ít gặp ở học sinh tiểu học.
Theo kết quả nghiên cứu ở 2 địa điểm được trình bày trong (bảng 3.2) cho thấy tỷ lệ nhiễm giun theo giới tính giữa nam và nữ là không có sự khác biệt. Nhiễm giun đũa nam: 6,48% và nữ: 9,47%. Nhiễm giun tóc nam: 3,70% và nữ: 4,94%. Nhiễm giun móc/mỏ nam: 0,46% và nữ: 0,41%.
Một báo cáo của Hoàng Thị Kim và các cộng sự năm 1999-2000 ở 1 trường tiểu học tỉnh Ninh Bình cũng nhận xét tương tự như chúng tôi, không có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm GĐR giữa nam (68,3%) và nữ (57,7%).[9]
Theo nghiên cứu của Lê Thuận và CS ở học sinh lớp 3 tại Quỳnh Lưu- Nghệ An, năm 2003-2005, tỷ lệ nhiễm chung của nam (99%) xấp xỉ nữ (97,1%) trước điều trị và nhiễm từng loại giun ở 2 giới là không có sự khác biệt cả trước và sau điều trị.[22]
Nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của Đinh Thị Thanh Mai và CS, năm 2003-2004 tại Hải Phòng [14], của Nguyễn Thu Hương và CS, năm 2011-2012 [7] và của Võ Thị Thanh Hiền và CS năm 2009-2010 tại tỉnh Lào Cai.[4]
Từ kết quả ở (biểu đồ 3.3) cho thấy tỷ lệ nhiễm 1 loại giun đường ruột cao nhất: 10,24%, nhiễm 2 loại giun: 1,31%, không có trường hợp nào nhiễm 3 loại giun, trong đó đơn nhiễm, đa nhiễm ở trường An Hưng đều cao hơn trường Nguyễn Văn Tố. Lý giải điều này, theo chúng tôi ở trong thành phố điều kiện sinh hoạt, vệ sinh tốt hơn ở ngoại thành do vậy khả năng lây nhiễm cũng thấp hơn.
Kết quả nghiên cứu của Đinh Thị Thanh Mai và CS, năm 2003-2004: nhiễm 1 loại chiếm tỷ lệ cao nhất: 42,5%, nhiễm 2 loại: 22,1%.[14]
Một nghiên cứu khác của Lê Lợi và CS ở học sinh tiểu học tỉnh Nam Định từ năm 2000-2004: nhiễm 1 loại giun: 33,58%, nhiễm 2 loại là 6,23%, không có trường hợp nào nhiễm 3 loại giun.[12]
Nghiên cứu của Nguyễn Văn Văn và CS giai đoạn 2000-2003 ở học sinh tiểu học tỉnh Quảng Nam cho thấy tỷ lệ đơn nhiễm là 42%, đa nhiễm là 23,1%.[26]
Phan Bá Ước và CS nghiên cứu trên học sinh lớp 3 của 5 trường tiểu học thuộc 5 xã huyện Quỳnh Lưu- Nghệ An từ 2003-2008 cho thấy đa số nhiếm 1 loại giun cao nhất là rồi đến nhiễm 2 loại và không có trường hợp nào nhiễm 3 loại giun.[25]
Nguyễn Thu Hương và CS, nghiên cứu năm 2011-2012, ở học sinh tiểu học tại 1 số tỉnh thành trên toàn quốc cho thấy đơn nhiễm chiếm 86,4%, đa nhiễm chiếm 13,6 %.[7]
Theo Võ Thị Thanh Hiền và CS năm 2009-2010 tại tỉnh Lào Cai tỷ lệ nhiễm 1 loại giun: 76,3%, nhiễm 2 loại: 21,5%, nhiễm 3 loại: 2,2%.[4]
Tuy nhiên kết quả nghiên cứu của chúng tôi khác nghiên cứu của Lê Thuận năm 2003-2005 tại Nghệ An, nhiễm 2 loại giun chiếm tỷ lệ cao nhất 54,3%, sau đến nhiễm 3 loại: 24,8%, nhiễm 1 loại: 20,8%.[22]
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hưng năm 2002 ở học sinh tiểu học tại Quảng Ninh cho thấy đa số nhiễm 2 loại với tỷ lệ 72,5%, rồi đến nhiễm 1 loại là 27,1%, nhiễm 3 loại rất thấp 0,4%.[6]
Từ các kết quả trên cho thấy tỷ lệ đơn nhiễm cũng như đa nhiễm GĐR ở hai địa điểm nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn đáng kể. Kết quả khác biệt này có thể do thời điểm nghiên cứu khác nhau. Hiện nay điều kiện sống tốt hơn, dân trí cũng cao hơn, ý thức vệ sinh cao hơn so với trước đây. Ngoài ra còn do yếu tố địa dư, môi trường, tập quán của từng vùng miền, địa phương vì vậy có sự khác biệt này cũng có thể hiểu được.