Dứa có tên khoa học là Ananas comosus merr hay Ananas sativus sehult, thuộc họ
Bromeliaceae (lớp đơn tử điệp), được phát hiện vào năm 1492 ở Châu Mỹ trong cuộc thám hiểm tìm ra Tân thế giới của Christophe Colomb. Sau đó, cây dứa được trồng khắp nơi trên thế giới là nhờ sự mở rộng các đường hàng hải lớn do người Bồ Đào Nha thực
hiện từ thế kỷ XVI. Tuy nhiên mãi đến giữa thế kỷ XX ngành sản xuất kinh doanh dứa mới phát triển và thật sự chiếm vị trí đáng kể trên thị trường rau quả thế giới.
Dứa được trồng hầu hết ở các nước nhiệt đới, tập trung nhiều nhất ở Hawaii (33 % sản lượng thế giới), Thailand (16 %), Brazil (10 %) và Mexico (9 %)…Ở Việt Nam, “dứa ta” (giống Spanish) đã có từ rất sớm, theo tài liệu của Giáo sỹ Borri người Ý xuất bản tại Rome năm 1633, trong phần nói về các sản vật của Việt Nam, tác giả đã mô tả chi tiết về cây dứa và cho biết đã ăn thử và khen ngon. Vào thời gian này các Thuyền Buôn từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã cập cảng Việt Nam và có thể chính họ đã mang những giống cây trồng mới, trong đó có dứa, vào nước ta. Còn “dứa tây” (giống Queen, Cazene) được người Pháp đưa vào trồng đầu tiên năm 1913 tại Trại canh nông Thanh Ba, sau đó được phát triển ra tất cả các vùng miền trên cả nước (trích dẫn bởi Nguyễn Thị Thu Trang, 2006).
Tại Việt Nam, dứa phân bố khá đều trên khắp vùng miền trên cả nước (Vĩnh Phú, Hà Bắc, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước…).
Sản lượng dứa cũng khá đáng kể so với các loại quả khác nhưng về mặt chất lượng hương vị thì dứa đứng đầu và được mệnh danh là “Nữ hoàng” của các loại quả.
Dứa là một đặc sản của vùng nhiệt đới, tuy nhiên sản lượng dứa không thể tăng mạnh vì lý do khí hậu, thổ nhưỡng và sự khống chế về diện tích trồng của cây lương thực. Do sản lượng còn thấp trong khi nhu cầu tiêu thụ dứa ngày càng tăng, vì thế các sản phẩm của dứa đang là một mặt hàng xuất khẩu có vị thế vững chắc và ổn định trên thị trường thế giới.