Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp công tác quản lý thu nộp của cơ quan
thuế với các cơ quan có liên quan.
Chi cục thuế tăng cường kết hợp thường xuyên chặt chẽ với kho bạc, ngân hàng nơi đơn vị nộp thuế để nhắc nhở các doanh nghiệp nộp đúng, nộp đủ thuế vào NSNN. Tăng cường nâng cấp triển khai ứng dụng tin học, đường truyền mạng giữa kho bạc, ngân hàng với Chi cục thuế, thường xuyên nắm bắt thông tin giữa các cơ quan đơn vị để kịp thời đối chiếu số thu của từng đối tượng nộp thuế.
Cần kết hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an, cơ quan pháp luật để xử lý các doanh nghiệp cố tình nộp chậm, chây ỳ, không chấp hành nộp thuế và tái phạm nhiều lần, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách những doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ thuế.
Thứ hai, kiểm tra, rà soát và có biện pháp linh hoạt xử lý các đối tượng dây dưa, chậm nộp thuế.
Đối với các doanh nghiệp có số nợ đọng quá lớn do bất khả kháng, tình hình SXKD của đơn vị gặp nhiều khó khăn, cán bộ thuế có thể xem xét để báo cáo cấp trên về tình trạng thực tế của đơn vị, đề xuất với cấp trên các phương án như: khoanh nợ, miễn giảm thuế… nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trước mắt, tạm thời giảm bớt sự căng thẳng về vốn cho doanh nghiệp.
Đối với các đơn vị có đủ khả năng tài chính nhưng cố tình dây dưa, nợ đọng tiền thuế nhằm chiếm dụng vốn NSNN thì cơ quan thuế cần nghiêm khắc lập lệnh thu, xử phạt hành chính theo luật định, yêu cầu ngân hàng, kho bạc trích từ tài khoản nộp NSNN, tránh tình trạng tái diễn gây ảnh hưởng đến số thu nộp ngân sách.
∗ Tăng cường công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế thuế
Thứ nhất, thực hiện tốt quy trình quản lý nợ thuế, quy trình cưỡng chế
thuế.
Tăng cường đôn đốc thu nợ thuế trên cơ sở nghiên cứu và áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro, phân loại doanh nghiệp. Phối hợp giữa các bộ phận trong cơ quan thuế trong công tác quản lý nợ, đồng thời đề cao trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc thực hiện đôn đốc thu nợ thuế. Tiếp tục coi trọng việc xử lý thu hồi nợ đọng thuế và phải được triển khai đồng bộ có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các phòng ban ngành đặc biệt là cơ quan công an, quản lý thị trường, viện kiểm sát.
Kiến nghị nghiên cứu sửa đổi cách thức quy định về phạt chậm nộp thuế và nâng mức phạt chậm nộp thuế cho phù hợp với bối cảnh lạm phát thường xuyên ở mức cao như hiện nay ở nước ta. Nghiên cứu sửa đổi quy định về thứ tự thực hiện và biện pháp cưỡng chế nợ thuế, cần tăng cường những biện pháp cưỡng chế nợ thuế mạnh, đủ sức răn đe, trao quyền nhiều hơn cho cơ quan thuế trong việc xử lý những trường hợp sai phạm, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế nên căn cứ vào điều kiện cụ thể để đạt kết quả cao nhất, không nên bắt buộc phải thực hiện tuần tự như hiện nay.
Thứ hai, phát triển hệ thống CNTT, hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, cho phép
từng bước liên kết, tự động hóa hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế, nâng cấp, hoàn thiện các ứng dụng quản lý nợ, thường xuyên đào tạo nâng cao trình độ sử dụng CNTT trong công tác quản lý.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý theo hướng tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra những địa bàn trọng điểm có số thu lớn, thường xuyên có số nợ đọng phát sinh, phân loại các khoản nợ thuế và có biện pháp quản lý kịp thời, phù hợp.
Đối với các khoản nợ thuế mà người nộp thuế có khả năng nộp nhưng chưa thực hiện, cần tiến hành đôn đốc nhắc nhở bằng văn bản, điện thoại,… Nếu các doanh nghiệp không thực hiện thì căn cứ vào điều kiện cụ thể và áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp.
Đối với các khoản nợ do doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn do những nguyên nhân khách quan như hỏa hoạn, thiên tai cần có biện pháp gia hạn, hoãn, giảm thuế, xây dựng kế hoạch thu nợ phù hợp với tình hình của doanh nghiệp.
Đối với các khoản nợ doanh nghiệp còn đang khiếu nại cần nhanh chóng giải quyết, sau khi giải quyết xong phải tiến hành đôn đốc các doanh nghiệp nộp kịp thời.