Thứ nhất, quản lý tốt công tác kê khai thuế.
Hàng tháng các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT phải lập và gửi cho cơ quan thuế tờ khai tính thuế GTGT và các bảng kê theo mẫu quy định. Các cán bộ thuế cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Kiểm tra tờ khai và bảng kê để xác minh tính chính xác của chúng, tìm ra những sai phạm trong tờ khai và bảng kê, yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa, bổ sung và xử phạt nếu cố tình vi phạm.
Lưu trữ các tờ khai và bảng kê để thực hiện so sánh giữa các tháng với nhau, nếu thấy có sự chênh lệch lớn cần kiểm tra làm rõ nguyên nhân.
Kiểm tra việc các doanh nghiệp đã kê khai theo từng mức thuế suất chưa. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nộp tờ khai thuế, hướng dẫn cho những doanh nghiệp chưa nắm bắt rõ về tình hình kê khai thuế. Tăng cường ứng dụng tin học, sử dụng phần mềm quản lý hỗ trợ kê khai thuế.
Thứ hai, quản lý giá tính thuế và thuế suất.
Để quản lý được giá tính thế là một việc tương đối khó khăn đối với các cán bộ thuế bởi giá tính thuế được ghi trên hóa đơn chưa thực sự có thể tin cậy được vì có sự móc ngoặc giữa người mua và người bán. Chính vì vậy trong quản lý giá tính thuế cần xác minh tính trung thực của người kê khai và tính hợp lý của giá tính thuế, so sánh với các loại hàng hóa giống như thế hoặc tương tự trên thị trường trong cùng thời điểm.
Thuế suất thuế GTGT được áp dụng theo nguyên tắc thống nhất theo loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại. Như vậy, với từng loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau sẽ phải chịu một mức thuế suất khác nhau, đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng làm giảm số thuế phải nộp, tức là sẽ kê khai chuyển mặt hàng phải chịu thuế suất cao sang chịu thuế suất thấp. Để quản lý được vấn đề này, cán bộ thuế cần theo dõi ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp, theo dõi thực tế kinh doanh, mặt hàng được sản xuất kinh doanh, từ đó biết được mặt hàng chịu từng mức thuế suất khác nhau.
Doanh thu là toàn bộ số tiền bán hàng sau khi đã trừ chiết khấu, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại. doanh thu còn bao gồm các hàng hóa tiêu dùng nội bộ, cho, biếu, tặng. Quản lý doanh thu của cơ sở sản xuất kinh doanh phải đảm bảo yêu cầu đầy đủ, đúng thời gian phát sinh, phục vụ cho công tác thu thuế GTGT đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời.
Để đảm bảo các yêu cầu đó, đồng thời để phát hiện các gian lận trong việc kê khai thuế cần thực hiện các yêu cầu sau:
- Thu thập các chứng từ sổ sách kế toán để chuẩn bị cho công tác kiểm tra, so sánh đối chiếu như báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, hóa đơn bán hàng, các chứng từ vận chuyển liên quan, sổ chi tiết…
- Kiểm tra so sánh đối chiếu quá trình phát sinh doanh thu về sự chính xác, trung thực, kịp thời, cụ thể:
+ Kiểm tra việc bán hàng của các doanh nghiệp thực xảy ra
+ Hàng đã được giao cho khách hàng
Dựa vào các hóa đơn, chứng từ vận chuyển kiểm tra cân đối hàng tồn kho và chứng từ liên quan.
Người mua thanh toán và chấp nhận thanh toán: Dựa vào các chứng từ thanh toán liên quan, các hóa đơn bán hàng, trong trường hợp cần thiết có thể gửi thư xác nhận đến khách hàng, trong đó cần tập trung vào những hợp đồng mua bán có số lượng lớn, các khách hàng đột xuất hoặc các nghiệp vụ mua bán xảy ra vào đầu hoặc cuối kỳ.
+ Kiểm tra việc ghi chép sổ kế toán của công ty. Cán bộ thuế cần kiểm tra việc ghi sổ sách kế toán tuân thủ đúng theo chế độ quy định. Đặc biệt kiểm tra thời điểm phát sinh doanh thu để tính đúng số thuế đầu ra phát sinh.
- Nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của từng mặt hàng, thời điểm có doanh số bán ra, yêu cầu đảm bảo ghi chép đúng kỳ để cho việc thu ngân sách kịp thời, đồng thời còn là cơ sở để phân bổ số thuế GTGT đầu vào do không hạch toán riêng được số thuế được khấu trừ và không được khấu trừ.
Sau khi đã kiểm tra quản lý chặt chẽ, sát doanh thu thực tế phát sinh, việc ghi chép hạch toán kế toán đúng chế độ kế toán thống kê tại doanh nghiệp, cán bộ thuế cần so sánh đối chiếu giữa số thực tế phát sinh tại doanh nghiệp với số liệu doanh nghiệp đã khai trên tờ khai thuế hàng tháng để làm căn cứ tính thuế GTGT đầu ra.
Thứ tư, quản lý công tác kê khai thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Giá trị hàng hóa mua vào của dịch vụ chịu thuế GTGT sẽ là căn cứ tính thuế GTGT đầu vào. Cán bộ thuế phải kiểm tra chặt chẽ các hóa đơn mua bán hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp. Muốn vậy các cán bộ thuế cần thực hiện tốt các công việc sau:
∗ Tiến hành thu thập các hóa đơn chứng từ liên quan đến hoạt động mua hàng như các hợp đồng ký với người bán, các chứng từ vận chuyển, các bảng thanh toán, quyết toán hợp đồng, các sổ chi tiết mua hàng, sổ cái các tài khoản 152, 153, 156, 211.
∗ Kiểm tra sự phù hợp giữa giá trị hàng mua thực tế với giá trị hàng mua được phản ánh trên hóa đơn chứng từ, cụ thể:
+ Kiểm tra việc mua hàng thực tế đã xảy ra, dựa trên các hóa đơn, các phiếu nhập kho, chứng từ vận chuyển, cân đối lại hàng tồn kho. Công ty đã thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán cho người bán, đã được người bán xuất hóa đơn GTGT.
+ Tính toán giá trị hàng mua vào thực tế. Cán bộ thuế phải loại trừ hàng mua trả lại, hàng chiết khấu, hàng nhập khẩu, hàng khuyến mại.
+ Trong những trường hợp đặc biệt được sử dụng bảng kê để kê khai xác định hàng mua vào thì cán bộ thuế phải kiểm tra chặt chẽ giá trị hàng mua so với thực tế. Có thể kết hợp với kiểm kê hàng hóa tại công ty dựa trên định mức tiêu hao nguyên vật liệu so với số lượng sản phẩm xuất trong kỳ hoặc so sánh với số liệu hàng mua kỳ trước để có kết luận về hàng mua kỳ này.
Sau khi tính toán, kiểm tra giá trị hàng hóa mua vào, cán bộ thuế cần so sánh đối chiếu với các chỉ tiêu trên tờ khai thuế GTGT và yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai đúng thực tế.
Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ các doanh nghiệp
trong việc quản lý hóa đơn chứng từ.
- Nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục:
Cần tuyên truyền sâu rộng về chế độ quản lý, sử dụng hóa đơn để mọi người thấy rõ việc thực hiện nghiêm chỉnh chế độ hóa đơn không đơn thuần là nhằm chống thất thu thuế có hiệu quả, mà nó mang nhiều ý nghĩa kinh tế - xã hội gắn với quyền lợi của người mua hàng, của đơn vị kinh doanh, của các cơ quan xí nghiệp, góp phần chống tham nhũng, lãng phí. Hướng dẫn người nộp thuế nắm vững phương pháp sử dụng hóa đơn, từ đó hạn chế vi phạm do lỗi chủ quan.
Cần có phương pháp giới thiệu công khai, các trường hợp vi phạm chế độ hóa đơn mang tính điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây dư luận quần chúng rộng rãi nhằm phát huy tác dụng giáo dục, răn đe, từng bước thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ vào nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai luật thuế GTGT có hiệu quả cao hơn. Đồng thời cũng cần khuyến khích việc thực hiện đúng chế độ hóa đơn chứng từ, thực hiện việc khen thưởng các đơn vị làm tốt, những người có công giúp đỡ cơ quan thuế phát hiện trường hợp vi phạm chế độ hóa đơn.
- Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tự in hóa đơn.
Tạo điều kiện thuận lợi giúp các công ty tự in hóa đơn bằng cách cơ quan thuế kết hợp với các công ty thẩm định và cập nhật một số phần mềm kế toán có tính năng in hóa đơn được sử dụng miễn phí, như vậy chỉ cần có máy in, máy tính là công ty có thể tự in hóa đơn.
Thường xuyên tổng kết công tác quản lý sử dụng hóa đơn và kịp thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ vừa đảm bảo yêu cầu chặt chẽ trong quản lý, vừa thuận tiện mang tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
- Kiến nghị đề xuất việc cho các doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp có hóa đơn hợp lệ kể cả hóa đơn bình thường, mà thực chất là doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT đối với hàng hóa đầu vào khi đó doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn trong hoạt động kinh doanh, không phải tìm mua hóa đơn GTGT mới được khấu trừ tiền thuế. Mặt khác nếu cho rằng hóa đơn bình thường chưa đủ căn cứ xác định thuế đã nộp, có thể quy định cho doanh nghiệp được khấu trừ theo một tỷ lệ quy định trên giá mua hàng. Như vậy, thuế GTGT cũng khắc phục được nhược điểm chồng chéo, đảm bảo tính ưu việt của nó.
Để triển khai và thực hiện tốt các biện pháp nêu trên cần có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cũng như sự cố gắng của các cán bộ trong Chi cục thuế Chương Mỹ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp NQD nói riêng cần nâng cao ý thức chấp hành việc sử dụng hóa đơn góp phần thiết lập kỷ cương trật tự trong công tác quản lý thuế, tăng cường pháp chế của Nhà nước trong quản lý kinh tế.