Chương 3. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC TRÊN ĐẢO PHÚ QUÝ
3.3 Nghiên cứu giải pháp xây dựng tường ngăn nước ngầm
3.4.3 Đối với các giếng khoan khai thác nước không còn sử dụng
Các giếng khoan khai thác nước tập trung, các giếng khoan thuộc chương trình của UNICEF, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã phần nào đáp ứng được các nhu cầu đời sống và sản xuất của người dân địa phương.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ giếng khoan nào cũng được thi công đúng quy trình kỹ thuật, có một số giếng khoan sau một thời gian sử dụng đã bị hư hỏng, không được sửa chữa, có những giếng khoan không cần sử dụng hoặc không được tiếp tục sử dụng vì những lý do khác nhau. Tất cả các giếng khoan này nếu không được xử lý, trám lấp đúng quy trình kỹ thuật sẽ là một trong những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng xấu tới chất lượng của các tầng chứa nước đang khai thác, góp phần hủy hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của con người.
Để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT về việc ban hành “Quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng”, trong đó, mọi giếng khoan nước dưới đất, giếng khoan khai thác khi bị hư hỏng hoặc không còn sử dụng tiếp tục vì những lý do khác nhau đều phải được xử lý, trám lấp theo quy định. [8]
Việc trám lấp các giếng khoan hư hỏng, không sử dụng nhằm ngăn ngừa:
- Sự dịch chuyển xuống dưới của nước trong cột ống giếng hoặc trong vành khăn.
- Sự ô nhiễm từ bề mặt hoặc từ các tầng chứa nước nằm trên.
- Sự pha trộn nước giữa các tầng chứa nước có chất lượng khác nhau.
- Các sự cố nghiêm trọng khác có thể xảy ra.
Trên thực tế sự ô nhiễm nước ngầm và hậu quả của nó thường không chú ý cho đến khi chất lượng nước ngầm bị ảnh hưởng và các giếng khai thác trong vùng đã bị ô nhiễm. Sự ô nhiễm từ bề mặt có thể tác động tới giếng khai thác theo các đường sau:
- Ngấm trực tiếp từ trên bề mặt nếu giếng không có bờ bê tông bảo vệ hoặc bờ giếng không đảm bảo chất lượng.
- Thấm qua vành khăn không được trám bằng các loại vật liệu cách nước dọc theo cột ống giếng khoan (hình 3.8).
Trong trường hợp cột ống thép của giếng khoan han gỉ, hư hỏng, không sử dụng bị ăn mòn, trên vách ống sẽ xuất hiện các lỗ thủng, các chất ô nhiễm từ trên bề mặt hoặc nước có chất lượng kém từ các tầng chứa nước nằm trên có thể pha trộn với nước của các tầng chứa nước bên dưới ở các giếng khai thác gần kề theo hướng di chuyển như trong hình 3.9
Hình 3.8 Chất ô nhiễm đi từ bề mặt thấm xuống các tầng chứa nước
Hình 3. 9 Chất ô nhiễm đi từ các giếng không còn khai thác sử dụng thấm xuống các tầng chứa nước
Vật liệu sử dụng trám lấp giếng đã hư hỏng:
Để ngăn chặn hiện tượng các chất ô nhiễm đi vào các tầng chứa nước ngầm từ các giếng hư hỏng không còn sử dụng luận vãn ðề xuất sử dụng vật liệu trám lấp các giếng này. Vật liệu dùng để trám lấp giếng cần phải sạch, không bị nhiễm bẩn và có tính cách nước cao, ngăn ngừa bất cứ sự dịch chuyển nào của nước.
Các loại vật liệu này bao gồm:
- Vữa xi măng: gồm xi măng khô pha trộn với nước - Vữa cát-xi măng: gồm cát và xi măng pha trộn với nước - Vữa bê tông: hỗn hợp gồm cát, đá và xi măng
- Các sản phẩm bentonite có tỷ trọng cao
- Các loại sét sạch, không nhiễm bẩn (dùng cho giếng có đường kính lớn) Chú ý khi trám lấp các giếng đã hư hỏng này không sử dụng các loại vật liệu bở rời như cát, sạn sỏi, dung dịch khoan làm vật liệu trám lấp giếng. Bentonite tỷ trọng cao là loại sét đặc biệt có thể trương nở ở trạng thái ẩm ướt và tạo thành loại vật liệu trám cách nước rất hiệu quả. Bentonite ở dạng bột khi pha với nước tạo
thành vữa có thể bơm xuống giếng khoan. Ngoài ra, bentonite còn được sản xuất ở dạng viên để thả xuống giếng, trong trường hợp này, khi gặp nước nó sẽ trương nở với kích thước khoảng 8 lần kích thước ban đầu và tạo thành lớp cách nước rất tốt.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong một số trường hợp cụ thể không được sử dụng bentonite, chẳng hạn khi hàm lượng chloride trong nước ngầm cao hơn 4000 mg/l, hoặc lượng calcium lớn hơn 700 mg/l, bentonite sẽ không trương nở như mong muốn. Trong những trường hợp này ta cần sử dụng vữa xi măng.[10]
Phương pháp thi công trám lấp giếng đã hư hỏng:
Ngoài việc lựa chọn thì phương pháp đưa vật liệu trám xuống lỗ khoan cũng hết sức quan trọng. Trong trường hợp dùng vữa trám các loại thì cần phải sử dụng ống châm và trong quá trình trám, đáy của cột ống châm này luôn luôn được đặt dưới mực dung dịch trám để vùng được trám luôn tạo thành khối đồng nhất.
Quy trình thực hiện việc trám lấp giếng gồm:
1- Tháo hết tất cả thiết bị bơm ra khỏi giếng, rửa sạch giếng bằng ống múc hoặc máy nén khí.
2- Xác định chiều sâu của giếng, đường kính các đoạn ống và mực nước khi không bơm. Nếu có thể, cần so sánh các số liệu này với bản vẽ hoàn công của giếng.
3- Cần xác định trong điều kiện hiện tại cột ống giếng có thể kéo lên được hay không. Nếu cột ống không thể kéo lên được, cần sử dụng các loại vữa trám và thiết vị bơm cần thiết để có thể bơm vữa trám ra ngoài vành khăn xung quanh cột ống giếng.
4- Tẩy trùng giếng bằng dung dịch chlorine, nếu có thể, kéo cột ống giếng lên.
5- Lấp đấy giếng bằng vật liệu trám với phương pháp lấp đã lựa chọn, theo thứ tự từ dưới đáy lên trên. Miệng giếng phải được đổ bê tông với kích thước lớn hơn 0,3m so với đường kính miệng giếng khoan.
6- Hoàn chỉnh các tài liệu, biên bản trám lấp theo quy định hiện hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường.