Chương 3. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC TRÊN ĐẢO PHÚ QUÝ
3.2 Nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường nước trên đảo Phú Quý
3.2.1. Các giải pháp bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm
1) Giải pháp công trình:
Trên cơ sở đánh giá, phân tích hiện trạng môi trường nước cả về số lượng và chất lượng tại khu vực đảo Phú Quý, tác giả đề xuất một số giải pháp công trình để có thể làm gia tăng trữ lượng nước ngọt cũng như ngăn ngừa xâm nhập mặn vào các tầng chưa nước ngọt, cụ thể:
- Có thể tiến hành xây dựng các tường ngăn (màn chống thấm) xung quanh khu vực ven đảo nhằm hạn chế quá trình thoát nước ngọt ra biển. Vị trí cần xây dựng tường ngăn phù hợp nhất là tại các khu vực ven rìa đảo phía đông nam của đảo Phú Quý (khu vực xã Tam Thanh).
- Bãi giếng khai thác nước ngầm không nên bố trí theo diện tích mà bố trí theo tuyến (dạng đường thẳng) song song với đường mép nước biển. Với bãi giếng dạng tuyến sẽ khai thác được tối đa trữ lượng động của nước dưới đất cũng như hạn chế tối đa quá trình xâm nhập mặn của nước biển vào trong đảo (do bãi giếng dạng tuyến sẽ có hạ thấp mực nước ngầm là nhỏ nhất). . Các bãi giếng khai thác nước ngầm cần được thiết kế khai thác với lưu lượng thích hợp, các giếng khai thác phải được bố trí hợp lý tránh việc hạ thấp mực nước quá mức gây ra xâm nhập mặn. Lưu lượng khai thác không được vượt quá trữ lượng có thể khai thác của nước ngầm trên đảo.
- Xây dựng các hồ nhân tạo để hứng nước mưa, tích trữ lượng mưa trong những tháng mùa mưa và sử dụng vào các tháng mùa khô. Lợi ích của các hồ tích
nước mưa vừa có thể tích trữ nước mưa để sử dụng, vừa có thể làm tăng lượng bổ cập cho nước ngầm.
- Trồng rừng, đây là biện pháp thích hợp nhất để làm tăng lượng bổ cập cho nước ngầm từ nước mưa. Nước mưa thay vì chảy trực tiếp ra mạng xâm thực và chảy ra biển thì chúng sẽ ngấm xuống đất cung cấp cho nước ngầm.
- Hạn chế việc bê tông hóa bề mặt đảo (xây dựng các công trình kiên cố) để tăng quá trình ngấm của nước mưa cung cấp cho nước ngầm.
- Ngoài ra để bảo vệ chất lượng nguồn nước ngầm, tránh các nguy cơ bị ô nhiễm từ các nguồn xả thải cần có biện pháp thích hợp thu gom nước thải, rác thải để xử lý tập trung và đảm bảo nước thải thải ra môi trường phải đảm bảo chất lượng theo đúng quy định.
2) Giải pháp phi công trình:
Nước ngầm ở trong tầng đất dưới sâu, do được ngăn cách bởi tầng đất trên mặt và các hạt đất có khả năng hấp phụ các chất ô nhiễm khi nước thấm qua nên đất có thể coi như một tầng lọc khiến cho nước ngầm khó có thể bị ô nhiễm hơn so với nước mặt. Cũng vì thế, việc bảo vệ và quản lý chất lượng nước ngầm có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng không kém so với quản lý và bảo vệ chất lượng nước mặt đặt biệt là những vùng khan hiếm nước ngọt như ở đảo Phú Quý.
* Tăng cường công tác điều tra, đánh giá, dự báo:
Cần tăng cường công tác điều tra, đánh giá, dự báo cung cấp đầy đủ dữ liệu, thông tin về nguồn nước phục vụ có hiệu quả công tác quản lý khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước bằng các giải pháp sau:
1. Điều tra, cập nhật số liệu về hiện trạng khai thác sử dụng nước hàng năm.
2. Đánh giá, dự báo diễn biến nguồn nước trên cơ sở các kết quả điều tra, quan trắc nguồn nước.
3. Thực hiện các biện pháp bảo vệ nước ngầm cụ thể đối với vùng hạn chế khai thác, vùng có nguy cơ ô nhiễm (tăng cường công tác kiểm soát tình hình khai
thác nguồn nước bằng các biện pháp đăng ký, cấp phép khai thác nước ngầm; trám lấp các giếng hỏng, giếng không có nhu cầu khai thác, quản lý các cơ sở xả nước thải vào nguồn nước); đồng thời, căn cứ diễn biến nguồn nước ngầm, tình hình thực tế về số lượng, chất lượng các nguồn nước ngầm và khai thác sử dụng nước ngầm, định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
* Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước
Đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên nước ngầm, nhất là công tác cấp phép, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định sau khi được cấp phép và việc thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước ngầm, trước mắt tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Thực hiện việc rà soát, kiểm tra thường xuyên, phát hiện các tổ chức, cá nhân khoan, thăm dò, khai thác nước ngầm chưa có giấy phép hoặc chưa đăng ký, trên cơ sở phát huy vai trò của nhân dân, cộng đồng và chính quyền địa phương cấp cơ sở, nhất là cán bộ địa chính xã; định kỳ lập danh sách các tổ chức, cá nhân chưa có giấy phép, thông báo và công bố trên các phương tiện thông tin; giải quyết dứt điểm việc đăng ký, cấp phép đối với các công trình khai thác nước ngầm đã có để đưa vào quản lý theo quy định; rà soát, thống kê lập danh mục các giếng khoan phải xử lý trám lấp; xây dựng kế hoạch xử lý, trám lấp giếng hàng năm.
2. Xây dựng và thực hiện chương trình thanh tra, kiểm tra hàng năm, kết hợp với công tác kiểm tra đột xuất, chú trọng đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước lớn, các công trình có quy mô khai thác, chiều sâu giếng lớn và đối với các khu vực có nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn rất cao; kiên quyết xử lý vi phạm, nhất là các vi phạm về việc thực hiện xử lý trám lấp các giếng khoan không sử dụng, các vi phạm về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ nước ngầm theo quy định.
3. Xây dựng và thực hiện chương trình kiểm soát, kiểm tra thường xuyên, phát hiện các tổ chức, cá nhân khoan khai thác nước ngầm trong vùng hạn chế khai thác.
4. Tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước ở cấp cơ sở; tuyển dụng cán bộ có trình độ, năng lực và chuyên môn phù hợp, kết hợp với công tác đào tạo, tập huấn hoặc đào tạo lại để tăng cường năng lực của cán bộ quản lý tài nguyên nước ở cấp huyện, nhất là kỹ năng quản lý và giải quyết các vấn đề thực tiễn.
5. Tăng cường đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước ngầm, phát triển nguồn nước trước hết là đầu tư để tăng cường năng lực quản lý, tăng cường trang thiết bị, công cụ, kỹ thuật phục vụ quản lý; đầu tư cho phát triển nguồn nước, điều tra, đánh giá, quan trắc, dự báo diễn biến về số lượng, chất lượng nước và xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước; huy động mọi nguồn lực để thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, gắn bảo vệ tài nguyên nước với các hoạt động bảo vệ môi trường, từng bước thực hiện xã hội hoá công tác bảo vệ tài nguyên nước.
* Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục về bảo vệ tài nguyên nước 1. Thực hiện chương trình phổ biến pháp luật về tài nguyên nước trong các cơ quan chuyên môn ở cấp cơ sở.
2. Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên tới cấp xã, chủ yếu lựa chọn trong các tầng lớp thanh thiếu niên, giáo viên, cán bộ y tế địa phương. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo trang bị kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ tuyên truyền và kiến thức cơ bản về tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước.
3. Đẩy mạnh truyền thông - giáo dục, vận động tuyên truyền tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng tham gia, đóng góp sức người, kinh phí để cùng với nhà nước thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch.
4. Thực hiện truyền thông trên quy mô rộng rãi, thường xuyên. Hình thức truyền thông đa dạng, nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Các hình thức truyền thông gồm phát thanh, truyền hình trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, phát thanh thường xuyên trên các đài phát thanh ở các xã đã có hệ thống truyền thanh, phát hành các tờ rơi.
* Phát triển tài nguyên nước, trữ nước mưa, nước ngầm
1. Tăng mức độ che phủ của thảm thực vật bề mặt, trồng rừng tập trung, cây phân tán nhằm giảm lượng bốc hơi nước bề mặt, tăng lượng bổ cập của nước mưa cho nước ngầm. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng phòng hộ hiện có; tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng trong nông nghiệp từ cây ngắn ngày sang cây ăn quả có độ tán rộng theo mô hình nông - lâm kết hợp; triệt để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng và cây xanh trái phép. Hoàn thành công tác trồng cây xanh phân tán theo hướng đô thị xanh - sạch - đẹp trên các tuyến đường, các khu dân cư, công viên, khu công cộng, bãi biển và các cơ quan, đơn vị, trường học.
2. Giảm lượng thoát nước mưa ra biển theo dòng mặt và thoát nước ngầm theo dòng ngầm ra biển có thể bằng hệ thống kè bờ, tường ngăn, hào bentonite....
3. Thu gom nước mưa, bổ sung nhân tạo cho nước ngầm.
4. Sử dụng tiết kiệm nước, tái sử dụng nước và tăng cường việc thu gom dự trữ nước mưa với qui mô hộ gia đình.Tăng cường vận động toàn dân tích cực xây dựng bể chứa nước mưa… phát động được khoảng 80% hộ dân xây dựng bể chứa nước mưa.