6. Cấu trúc của khóa luận
3.1.2. Miêu tả tâm lý
Tâm lý chính đời sống nội tâm của con người được coi là một thế giới tinh thần vô cùng phong phú và phức tạp chứa đựng nhiều bí ẩn, khó có thể nắm bắt và khám phá hết được. Đây là một trong những vấn đề chủ yếu mà văn học rất quan tâm và chú ý khi xây dựng nhân vật. Để khám phá miêu tả nhân vật người
nghệ sĩ sử dụng rất nhiều các biện pháp, thủ pháp nghệ thuật khác nhau trong đó lời độc thoại nội tâm của nhân vật đóng vai trò rất quan trọng. Nó được coi là một trong những thủ pháp độc đáo thể hiện chiều sâu tâm lý nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật, thể hiện cái nhìn bên trong của nhà văn. Nó giúp nhà văn có thể thâm nhập vào những miền sâu thầm kín, những riêng tư mà nhân vật không phải lúc nào cũng bộc lộ ra với người khác được.
Trong thế giới nhân vật tiểu thuyết Đỏ và Đen của Stendhal có nhân vật được nhắc đến thoáng qua, có nhân vật được khắc hoạ đậm nét, bởi thủ pháp nghệ thuật này hay bởi thủ pháp nghệ thuật khác. Với độc thoại nội tâm, có thể nói Juyliêng Xôren - tuyến nhân vật nhận thức được tô đậm hơn cả bởi thủ pháp này.
Trong cả tác phẩm, độc thoại Juyliêng được trình bày 358 lần [27, 223]. Số lượng độc thoại nội tâm càng ngày gia tăng, phản ánh sự phát triển phức tạp, đa dạng của tâm lý nhân vật trước những hoàn cảnh ngày càng gây cấn, phức tạp (Tập I: 114 độc thoại, tập II: 224 độc thoại).
Với nhiều dạng thái độc thoại như liên tưởng, tưởng tượng, dự cảm, tự vấn, triết lý, trữ tình, tự thú… Stendhal diễn đạt tâm trạng đa dạng, phức tạp nhân vật của Juyliêng, song tất cả đều nhằm vào ý tưởng sự giằng co, toan tính của nhân vật trong hoàn cảnh vừa muốn nhập thế, lại vừa muốn xuất thế của ý thức chống đối với thế lực đối kháng. Đó là một tư liệu thật sự lý thú và khi được soi sáng bởi một tư tưởng sáng tạo lớn của tác giả, chúng tạo nên những chi tiết có sức truyền cảm mạnh mẽ. Theo ý nghĩa này độc thoại nội tâm trong các tác phẩm của Stendhal khác biệt cơ bản với lời lẽ nội tâm các nhân vật của Lev Tônxtôi, lời lẽ được thể hiện như là dòng tư tưởng tự nhiên không tùy tiện, sự vận động của tình cảm.
Có thế nói Juyliêng rất mực căm ghét cái xã hội mà anh ta đương sống. Thái độ đó chính là kết quả của quá trình tự nhận thức và quá trình nhận thức thay đổi của cuộc sống xung quanh và xã hội nói chung. Anh ta chết chưa tròn hai mươi ba tuổi, nhưng đoạn đời ngắn ngủi ấy đã trải qua một số kinh nghiệm xã hội, một số ấn tượng mặc cảm nặng nề về sự bế tắc, sỉ nhục do sự bất bình đẳng.
Ngay trong gia đình anh đã thấy mình bị hắt hủi vì thiếu sức khỏe không làm được gì cả, sự coi thường của gia đình, sự đối xử tệ bạc của gia đình nhất là người bố đối xử với anh không có một chút tình cảm cha con chửi anh là: “Đồ súc vật” [37, 82 ], “thế nào đồ biếng nhác” [37, 81], mỗi lần như thế anh lại
thấy tâm trạng đau đớn và chuẩn bị tâm lý: “Ông ấy sắp làm gì mình đây, có trời biết!” [37, 82]. Ngay cả lúc cái chết đến gần, trong nhà lao Juyliêng đau đớn khi nghĩ về bố mình, một người bố tham tiền chỉ mong con chết để thừa kế tài sản của con: “Nỗi lo sợ thiếu tiền, cái lối nhìn ngoa ngoắt sự độc ác của người đời, mà ta gọi là tính keo kiệt, làm cho ông cụ cảm thấy một mối an ủi và an toàn kì diệu trong món tiền ba bốn trăm luy mà ta có thể để lại cho ông cụ. Một ngày chủ nhật sau bữa ăn chiều, ông cụ sẽ phô bày vàng bạc của mình cho tất cả những kẻ ghen ghét mình ở Verie xem. Với giá này, con mắt của ông cụ sẽ nói với họ, có người nào trong các ông lại không lấy làm vui thích có một thằng con lên máy chém?” [38, 405]. Đồng tiền đã xóa bỏ những tình cảm gia đình, nhưng tình cảm xã hội tốt đẹp, chỉ để lại trong con người mối quan hệ “tiền trao cháo múc”.
Juyliêng rất thông minh, dũng cảm, tự tin và có chí quyết vươn lên. Và anh đã có tự đấu tranh: “Chẳng nhẽ ta lại là một đứa hèn nhát ư! – Anh tự nhủ, - Cầm võ khí xông lên!” [37, 94].
Đến làm gia sư cho các con của ông bà Đơ Rênan, anh cũng không thích thú gì khi gặp những con người trong tầng lớp thượng lưu đó, anh không nể, không phục mà chỉ là sự khinh bỉ, chửi thầm: “Những kẻ nhà giàu kia là như thế đó, họ làm nhục ta, rồi tưởng có thể đền bù mọi chuyện bằng một vài trò khỉ”
[37, 116].
Hay trong chủng viện Bơdăngxông suy nghĩ của Juyliêng những bạn học của mình, hạnh phúc của họ là được đầy đủ vật chất vì vật chất mà họ có thể đánh mất lòng tự trọng của mình: “Nếu trong con mắt họ, con người sung sướng trước hết là những kẻ vừa mới được ăn uống no lê, rồi sau là kẻ có một bộ áo tốt! Các bạn học của ta có một thiên hướng vững chắc, nghĩa là họ trông thấy cái nghề thầy tu một sự tiếp tục dài lâu của niềm hạnh phúc này; ăn uống no nê và có một bộ áo ấm vào mùa đông” [37, 331]. Và chính vì điều đó làm anh chán ghét cái cảnh sống của những tên sinh đồ và sống trong môi trường đó anh tự nhủ: “ta cứ tưởng là đương sống, kỳ thực ta mới chuẩn bị cho cuộc sống, bây giờ đây ta mới thật vào đời, chung quanh toàn những kẻ thù thật sự … Phải giảo quyệt từng phút, anh nghĩ thêm thật là khó khăn vô cùng!” [37, 327]
Ngay khi làm thư kí cho ông Đơ La Môlơ sự khinh bỉ được thể hiện rõ trong nội tâm về tầng lớp giàu có cũng không có gì thay đổi và anh tự nhủ thầm:
“Thảm hại thay! Anh nói thêm về một cách chua chát, ta không xứng đáng lý luận về những lợi ích lớn lao kia. Cuộc đời ta chỉ là một chuỗi những trò giảo quyệt, vì ta không có lấy một nghìn quan lợi tức hàng năm để mua bánh mì”
[38, 119]. Ngay cả trong phòng khách những kẻ mà Juyliêng khinh bỉ anh đều chửi rủa trong lòng: “Chà! Thằng nhãi con khốn nạn! – Anh nghĩ thầm, - Rồi ta sẽ đáp trả cho mày lời ăn nói đó” [38, 54], “ Một thằng đểu như mày!” [38, 82].
Đa số các độc thoại nội tâm thường kết thúc bằng thán từ, phản ánh những đớn đau, u uất của nhân vật trong các tình huống éo le. Chẳng hạn: “Tất cả danh tiếng của ta tiêu ma trong phút chốc, và danh tiếng của ta là tất cả tài sản của ta, ta sống vì nhờ có nó… mà nào có ra sống. Trời đất ơi!” [38, 146]. Các độc thoại lặp đi lặp lại, phản chiếu tâm trạng giằng co và cuộc đấu tranh nội tâm ở chiều sâu tâm hồn của nhân vật những lý giải hai giọng, nhân vật bị cuốn vào cuộc tranh luận với chính mình.
Stendhal cũng miêu tả sâu sắc nội tâm của Juyliêng khi yêu hai người đàn bà, và một số đoạn cũng làm nổi bật lên nội tâm của Juyliêng
Nội tâm của Juyliêng được thể hiện khi một buổi chiều tà, ngồi bên bạn tình (bà Đơ Rênan) anh khinh suất ca ngợi Napôlêông, “bà Đơ Rênan lập tức chau mày, tỏ vẻ chán ghét câu nói vô đạo kia” [37, 195], Juyliêng có hơi chút bối rối đa nghi về bạn tình của mình đã nghĩ: “Bà ấy hiền hậu và dịu dàng và yêu ta thắm thiết, nhưng bà ấy đã được nuôi dưỡng ở phe đối địch. Nhất là bọn họ tất nhiên phải sợ cái tầng lớp những người có tâm huyết sau khi đã hấp thụ một nền học vấn tốt, lại không có đủ tiền để bước vào một con đường công danh. Những bọn quý phái kia, họ sẽ trở thành cái gì nếu chúng ta được đấu tranh với họ bằng vũ khí ngang nhau! Như ta chẳng hạn, mà được làm thị trưởng Verie, có thiện ý lại chính trực, cũng như ông Đơ Rênan về căn bản! Phải biết là ta sẽ đánh bạc lão trợ tế, lão Valơnô và tất cả những trò ăn cắp của chúng! Phải biết là công lý sẽ thắng ở Verie! Không phải là tài năng của bọn họ sẽ làm trở ngại được ta đâu. Họ luôn luôn dò dẫm ấy mà” [37, 197]. Sự nghi ngờ đó, đôi lúc Juyliêng không tin bà Đơ Rênan, anh trách mình: “Mình thật ngu dại mà đi yêu một con mụ như thế, lòng tham vọng làm cho mụ điên cuồng chẳng kém gìchồng” [37, 204].
Khi thằng con của bà Đơ Rênan ốm, bà nghĩ rằng đây là Chúa trừng phạt. Nhìn cảnh đó, anh thấy vô cùng cảm động, đứng ngẩn người và suy nghĩ về việc
“ngoại tình” của mình: “Thì ra ngoại tình là như vậy! Anh nghĩ bụng… Có lẽ nào bọn thầy tu rất gian giảo kia… lại nói đúng sao ? Bọn họ phạm biết bao tội lỗi, lẽ nào lại có đặc quyền được biết cái lý thuyết chân chính về tội lỗi? Kỳ quái thật!...” [37, 225]. Khi biết tin bà Đơ Rênan vẫn còn sống, Juyliêng vui sướng vì phát đạn của mình đã không giết được bà, anh kêu lên trong sự sung sướng:
“Như vậy là nàng sẽ sống!... anh tự nhủ… Nàng sẽ sống để tha thứ cho ta và để yêu ta…” [38, 341].
Stendhal miêu tả nội tâm của Juyliêng khi yêu Matinđơ, một số đoạn nội tâm đặc biệt. Để có thể chinh phục sự kiêu hãnh, lạnh lùng của Matinđơ, nội tâm của anh đã bị dày vò rất nhiều về tính cách của cô tiểu thư này, để rồi một loạt những trang liên tiếp câu hỏi nội tâm của Juyliêng nghĩ về Matinđơ: “Ta là một anh chàng tự phụ chăng, hay thật là nàng có thích ta?” [38, 120], “Nàngmà yêu ta thì cũng lực cười?” [38, 121], “Nàng có yêu ta không?” [38, 123]. “Ta cũng không được phép ấp chặt vào lòng ta tấm thân mềm mại và kiều diễm này, sợ rồi nàng lại khinh bỉ và ngược đãi ta. Tính nết đâu mà khủng khiếp! [38, 286]. Anh kiêu ngạo vì anh làm cho cô tiểu thư Matinđơ phải yêu anh, lúc này nội tâm anh kiêu ngạo: “Thế là đây, con người kiêu ngạo kia, ở dưới chân ta” [38, 287] và có đôi chút sự đùa giỡn : “… Ta cần gì tương lai, ta cần gì đời sống? Và cái hạnh phúc thần tiên kia có thể bắt đầu ngay từ lúc này nếu ta muốn chỉ có tùy ở ta thôi!” [38, 297].
Trong ngục tù Juyliêng nghĩ về những kẻ quý tộc sung sướng với cái chết của anh, anh nghĩ thầm: “Bọn Valơnô và tất cả những kẻ giảo quyệt tầm thường ngự trị Verie sẽ được một dịp vênh vang đắc ý biết bao! Chúng rất lớn ở nước Pháp, chúng tập trung tất cả mọi ưu thế của xã hội. Từ trước đến nay, ít ra ta vẫn có thể tự nhủ: chúng được tiền được bạc, thực đấy, mọi vinh dự chồng chất lên đầu chúng, nhưng ta đây, ta có sự cao quý của trái tim” [38, 401]. Nội tâm Juyliêng đau đớn trong những ngày gần kề cái chết khi nghĩ đến xã hội mà anh đang sống, anh thấy mình nhỏ bé, bị cô độc, trước mắt anh đầy rẫy những trò quỷ quyệt của lòng tham của con người trong xã hội, anh thấy mình mềm yếu, cô độc mất lòng tin vào con người: “Ta đã yêu sự thật… Nó ở đâu?... Đâu đâu cũng là giảo quyệt, hay ít ra cũng là bịp bợm, ngay cả những người đạo đức nhất, ngay cả trong người quyền thế nhất; và đôi môi của anh hiện ngay ra một nét kinh tởm … không, con người không thể tin cậy ở con người được” [38, 405], “Ôi thế kỷ
mười chín!” [38, 407]. Khi cái chết đã đến ngày anh tự an ủi mình: “Thôi mọi sự đều tốt đẹp, ta không thiếu can đảm” [38, 416].
Bên cạnh, Juyliêng, trong tiểu thuyết Đỏ và Đen. Bà Đơ Rênan cũng là một trong những nhân vật chính mà Stendhal chú ý khai thác miêu tả tâm lý. Những đoạn nội tâm của bà xuất hiện rất nhiều, sau khi gặp chàng trai Juyliêng. Có thể nói Juyliêng làm gia sư trong gia đình bà chính là một cái mốc quan trọng trong cuộc đời bà Đơ Rênan. Có thể chia cuộc đời nhân vật này thành hai giai đoạn: trước và sau khi gặp Juyliêng.
Stendhal đã rất tài tình khi miêu tả cuộc sống của bà trong giai đoạn sau này như một lăng kính để nhân vật tự ý thức cuộc đời nhàm chán trước đây của mình, cảm nhận sự chua xót của mình. Nói đến đây, ta cũng không thể không nhắc tới nhân vật Anna Karênina của nhà văn Lev Tolstoy giống như bà Đơ Rênan cả hai nhân vật này đều lấy một người chồng chỉ trên danh nghĩa là chồng nhưng thực chất giữa vợ chồng không có một chút tình cảm nào. Vì thế họ khao khát được yêu. Và họ ngoại tình nhưng rồi cả hai người đàn bà này đều chịu một cái chết đau đớn.
Năm mười sáu tuổi kết hôn với ông Đơ Rênan một nhà quý tộc lương hảo, trong đời “chưa hề cảm thấy hoặc trông thấy cái gì phảng phất giống như tình yêu” [37, 122]. Bao nhiêu năm chung sống, nhưng chưa hề phê phán chồng và tự thú rằng ông ta làm cho bà buồn chán. Bà yêu thích ông Đơ Rênan nhất là khi: “Ông nói với bà về những dự kiến của ông về con cái. Đối với bà giữa vợ với chồng chẳng có những mối quan hệ nào êm đềm nữa” [37, 77]. Một thằng con của bà lên cơn sốt làm cho bà đau khổ dường như nó đã chết mất rồi không bằng. Nhưng bà chẳng thèm nói với ai, những năm đầu của cuộc hôn nhân, do nhu cầu thổ lộ tâm tình, bà có ngỏ lời với chồng loại phiền muộn đó thì có chăng lời tâm sự đó cũng chỉ là những tiếng cười thô bỉ và những câu bông đùa quá chớn và nhất là khi đùa về bệnh não của những đứa con của bà làm cho bà Đơ Rênan đau đớn như ai xoáy mũi dao nhọn vào trong trái tim bà vậy.
Bà hình dung rằng tất cả mọi người đàn ông đều cũng như chồng bà, như ông Valơnô và ông quận trưởng Sarcô Đe Môgirông. “Tính thô bỉ, và sự vô tình hết sức phũ phàng đối với tất cả không phải cái gì là chuyện tài lợi, địa vị hoặc huân chương, sự thù ghét mù quáng đói với những tất cả cách lập luận nào trái
ý họ”, bà cho là những cái tự nhiên của nam giới cũng như việc đi dày ủng và đội mũ dạ vậy” [37, 112].
Những đứa con của bà, trước khi Juyliêng đến tất cả, là cuộc sống của bà. Trái tim bà xót xa khi nghĩ đến những đứa trẻ xinh đẹp kia, được bà chăm sóc cẩn thận sẽ rơi vào tay “một gã thầy tu bẩn thỉu và ăn mặc lôi thôi, lốc thốc, rồi sẽ đến để mắng mỏ và đòn vọt các đứa con của bà” [37, 97].
Nhà văn đã đi vào “phép biện chứng tâm hồn nhân vật” để hiểu được và lý giải tâm hồn nội tâm con người.
Ở bên cậu bé Juyliêng, bà tìm thấy những niềm vui dịu dàng, lại rực rỡ hương vị của cái mới mẻ, trong mối tình cảm của cái tâm hồn cao thượng và kiêu hãnh kia, Bà cảm nhận rằng anh hơn ông Đơ Rênan chồng bà rất nhiều dù là chuyện thông thường nhất. Tính hào sảng, tâm hồn cao thượng, lòng nhân hậu dần dần bà thấy “như chỉ có nơi anh chàng thầy tu trẻ kia” [37, 113]. Do đó mà cậu Juyliêng được yêu mến. Bà dành cho riêng mình anh tất cả mối thiện cảm và cả lòng thán phục mà những đức kính kia kích động ở tấm lòng cao quý.
Stendhal đã chứng tỏ là nhà tâm lý bậc thầy khi phân tích sự chuyển biến tâm lý đặc biệt là mâu thuẫn nội tâm của người phụ nữ bất hạnh. Sự đấu tranh giữa bổn phận và tình yêu.
Ban đầu bằng tình cảm ngây thơ trong sáng, bà thương hại sự thiếu thốn anh chàng gia sư tội nghiệp, rồi không ngừng quan tâm Juyliêng và tuyệt đối không hề tự trách mình. Chính vì sự quan tâm đó mà bà đổ lỗi cho mình, trách