- Nhiều người cho rằng mình là người làm thuê thì chỉ cần làm xong việc là xong. Tôi cho bản chất của sự việc là: Ai cũng đều làm việc cho bản thân, bất kể để kiếm ăn hay để cho tương lai tươi sáng. Vì thế, cho dù ông chủ và người quản lý có quyền giao việc cho nhân viên, thì quan hệ của mỗi nhân viên với ông chủ, nhà quản lý hay đồng nghiệp thực chất chỉ là quan hệ công việc. Nếu chúng ta làm việc tốt, chúng ta sẽ được đánh giá cao. Sự đánh giá cao đó có ảnh hưởng rất tích cực tới tương lai nghề nghiệp. Dũng cảm nhận việc là một biểu hiện làm việc tích cực. Nhiều người có thói quen chờ sai việc mới làm, dường như họ không dám chịu trách nhiệm gì, có sai sót cũng không chịu khiển trách. Với tâm thái nhân bần khí đoản như vậy, vĩnh viễn không thể tiến thân.
Chu Du: Nhưng, dũng cảm nhận việc là hành động mạo hiểm. Ngạn ngữ có câu: "ngu si tọa hưởng thái bình". Lao vào mạo hiểm, xem ra không phải kẻ trí.
- Tôi nói là "dũng cảm nhận việc" chứ không phải "mù quáng nhận việc". Nếu một chút tự tin cậu cũng không có, ai dám giao trách nhiệm cho cậu đây? Nói về phẩm chất con người, dũng cảm là anh hùng, mù quáng là ngu ngốc. Không dám nhận việc thì cam phận lao động phổ thông suốt đời. Cậu có muốn vậy không?
Chu Du: Câu trả lời của ông là gì?
- Câu trả lời của tôi là: Bề ngoài là cậu dũng cảm phụ trách công việc, thực tế là cậu phụ trách bản thân. Cậu có hiểu không?
Biết tìm niềm vui trong công việc là bí quyết thứ hai cần học để chiến đấu trên thị trường việc làm. Đừng ngày nào cũng vác bộ mặt nhăn nhó đến công ty, chỉ tổn hại đến hình ảnh bản thân. Nếu không cách gì tìm được niềm vui trong công việc, các vị hãy đi tìm một công việc khác, bởi niềm vui là một trong những nhân tố quan trọng để trưởng thành trong công việc.
Chu Du: Giáo sư Lưu, ngồi không thì nói hay lắm! Tìm một công việc yêu thích? Nghe dễ dàng làm sao?
- Cậu đã bao giờ ở trung tâm mua sắm để chọn hàng hóa chưa? Hiện nay cạnh tranh quyết liệt, tìm một công việc đã khó, nói gì đến công việc ưa thích. Đúng vậy! Nhưng, xin hỏi, cậu có thấy thích hợp hay thích một công việc nào không?
Chu Du: Tôi... Tôi cũng không biết rõ mình thích một công việc nào.
- Cậu còn không biết mình thích công việc gì thì làm sao tìm được? Chỉ cần cậu hiểu rõ công việc mình yêu thích, rồi công việc đó sẽ thích hợp với cậu và sẽ khiến cậu hạnh phúc. Không thể phủ nhận, tự mình làm công việc mình yêu thích sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thái độ với công việc chính là thước đo xem một nhân viên có phù hợp với công việc hay không. Thái độ là biểu hiện của tâm hồn, thái độ tích cực sẽ cho thấy nhân viên dám đương đầu với thách thức trong công việc, thái độ tiêu cực cho thấy nhân viên không tự tin và trốn tránh. Bí quyết thứ ba để được trọng thị và chiến thắng trên thị trường việc làm là đối mặt với khó khăn bằng thái độ tích cực.
Chu Du: Có loại thái độ thứ ba, là không tích cực, không tiêu cực không?
(Lưu Bị nhìn Chu Du bằng bộ dạng của một nhà triết học)
- Không có loại tình cảm đó. Hoặc là vui nhàn nhạt, hoặc là buồn nhàn nhạt. Cũng như vậy, không tích cực có nghĩa là tiêu cực. Biểu hiện của thái độ tích cực là hướng về hy vọng chứ không phải tuyệt vọng, hướng về hứng thú chứ không phải vô vị, hướng về nỗ lực chứ không phải được chăng hay chớ, hướng về khoái lạc chứ không phải bi thương. Hiển nhiên, trong thời đại cạnh tranh kịch liệt, chỉ không ngừng nỗ lực mới có được nụ cười cuối cùng. Chúng ta tất phải sáng tạo ra cách làm mới, nghi ngờ phương pháp cũ, đối mặt với công việc bằng tư thế "còn có thể làm gì hơn?".
Bí quyết thứ tư để chiến thắng trên thị trường việc làm là ý thức tập thể. Trong cuộc thương chiến ngày càng khốc liệt, tác dụng của tập thể ngày càng trọng yếu. Nếu bạn rời quỹ đạo, đơn thương độc mã, bạn sẽ ảnh hưởng tới hợp tác tập thể. Còn nếu bạn trung thành với tập thể, nguyện cống hiến vì tập thể, bạn mới trở thành một thành viên được hoan nghênh trong tập thể. Ở mặt này, ba anh em "kết nghĩa vườn đào" chúng tôi làm rất tốt, nhất là em thứ hai Quan Vũ đã qua năm ải chém sáu tướng để về với đội ngũ.
Chu Du: Vậy vì sao ba anh em kết nghĩa vườn đào không kết nạp thêm thành viên mới để thành "bốn anh em" hay "năm anh em kết nghĩa vườn đào? "
(Lưu Bị thở dài một cách đầy ý tứ)
- Tôi nhớ mãi thời ba anh em kết nghĩa vườn đào. Bao năm nay, "đào viên huynh đệ" đã thành biểu tượng của tình anh em. Nó hàm chứa một sức mạnh tinh thần thúc đẩy ba anh em và các đồng sự trưởng thành liên tục. Tất nhiên, trong quá trình dựng nghiệp, chúng tôi không ngừng kết nạp thêm anh em, tôi cũng đang suy nghĩ xem có nên đổi "anh em vườn đào" thành "hệ thống anh em vườn đào" không. Nếu như vậy, La Quán Trung phải sửa "Tam quốc diễn nghĩa".
Chu Du: Trong "Tam quốc diễn nghĩa", tôi làm thống soái trận hỏa thiêu Xích Bích, làm sao nói sửa là sửa được?
- Đúng vậy, lịch sử không thể sửa đổi, nhưng có thể thay đổi được tương lai. Có câu danh ngôn: "Ngày ngày học hỏi, ngày ngày tiến bộ". Thói quen và năng lực học tập là nhân tố trọng yếu để duy trì tiến bộ và truy đuổi thành công.
Tạo thói quen học suốt đời là bí quyết thứ năm để chiến thắng trên thị trường việc làm. Gần đây, một số tập đoàn rất chú trọng chấn chỉnh nguồn nhân lực, lãnh đạo công ty đưa ra cảnh báo: "Không thay suy nghĩ, sẽ thay người". Nhân viên những tập đoàn này thực sự đối mặt với hiện thực "thay đổi suy nghĩ để sinh tồn".
Cô bạn cùng lớp Sái Văn Cơ của tôi về nước làm giám đốc một website bán hàng. Vì công việc mà lấy chồng cũng không có tuần trăng mật, ốm mà cũng chỉ dám nghỉ một ngày. Không hề oán thán, trước sau cô vẫn giữ hình ảnh đầy sức sống. Cô bạn tôi nói: "Bởi tôi không ngừng theo đuổi ước mơ, nên nghĩ là phải làm. "
Bác sĩ Hoa Đà nổi tiếng mấy năm nay được mời làm giám đốc một công ty thiết bị y tế. Là một chuyên gia nên ông không ngừng nhắc nhở bản thân: "Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt, công ty không ngừng đổi mới cần những nhân viên không ngừng đổi mới. Thị trường đào thải công ty lạc hậu, công ty cũng đào thảo nhân viên lạc hậu".