CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.7. Thảo luận kết quả nghiên cứu và giả thuyết
Dựa vào hệ số Beta, các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức của người lao động về trách nhiệm xã hội trong ngành du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh được sắp xếp theo thứ tự giảm dần như sau: Giao tiếp nội bộ (0.456); Kế hoạch chiến lược của công ty (0.255) và Chương trình đạo đức (0.189).
Giao tiếp nội bộ (GTNB) có ảnh hưởng cùng chiều đến nhận thức của người lao động về trách nhiệm xã hội (TNXH) với mức ý nghĩa 1%. Trọng số hồi quy (0.456) cho thấy khi điểm đánh giá trung bình về GTNB tăng (hoặc giảm) 1 điểm, nhận thức về TNXH sẽ tăng (hoặc giảm) 0.415 điểm, giả thuyết H3: Giao tiếp nội bộ có ảnh hưởng thuận chiều với nhận thức về trách nhiệm xã hội của người lao động là chấp thuận. Điều này khẳng định rằng việc giao tiếp hiệu quả bên trong tổ chức không chỉ giúp truyền tải thông tin mà còn xây dựng nhận thức và thúc đẩy hành vi xã hội tích cực ở người lao động. Khi giao tiếp nội bộ được cải thiện, người lao động có xu hướng hiểu rõ hơn về vai trò của trách nhiệm xã hội và cách họ có thể đóng góp vào các hoạt động này.
Tương tự, Kế hoạch chiến lược công ty (KH) có trọng số hồi quy là 0.255, nghĩa là mỗi khi KH tăng (hoặc giảm) 1 điểm, nhận thức về TNXH sẽ thay đổi 0.255 điểm, giả thuyết H1: Kế hoạch chiến lược công ty có ảnh hưởng thuận chiều với nhận thức về trách nhiệm xã hội của người lao động là chấp thuận. Kết quả này cho thấy một chiến lược rõ ràng, tập trung vào trách nhiệm xã hội sẽ tạo cơ sở định hướng cho người lao động. Một kế hoạch chiến lược vững chắc không chỉ xác định mục tiêu mà còn giúp người lao động hiểu được sự cam kết của công ty đối với trách nhiệm xã hội, từ đó tác động tích cực đến nhận thức của họ.
Cuối cùng, chương trình đạo đức (CT) với trọng số hồi quy là 0.189 cũng có ảnh hưởng cùng chiều, với mỗi 1 điểm tăng (hoặc giảm) trong CT sẽ dẫn đến thay đổi 0.189 điểm trong nhận thức về TNXH, giả thuyết H2: Chương trình đạo đức có ảnh hưởng thuận chiều với nhận thức về trách nhiệm xã hội của người lao động là chấp thuận. Mặc dù tác động thấp hơn so với GTNB và KH, CT vẫn có ý nghĩa quan trọng, cho thấy rằng việc triển khai các chương trình đạo đức giúp củng cố giá trị đạo đức, tăng cường ý thức trách nhiệm của người lao động đối với cộng đồng và môi trường.
TÓM TẮT CHƯƠNG 4
Chương 4 của nghiên cứu đã trình bày và phân tích kết quả về các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức của người lao động về trách nhiệm xã hội trong ngành du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, với trọng tâm là việc bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa địa phương. Dữ liệu được thu thập thông qua khảo sát bằng Google Form, với tổng số 388 phiếu khảo sát hợp lệ.
Sau khi loại bỏ những mẫu khảo sát không đáng tin cậy và mã hóa dữ liệu, nghiên cứu được tiến hành với các bước phân tích bao gồm thống kê mô tả và một loạt kiểm định. Đầu tiên là kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng Cronbach’s Alpha, qua đó tất cả các biến quan sát đều đạt yêu cầu. Tiếp theo, phân tích nhân tố khám phá (EFA) được thực hiện cùng với kiểm định tương quan Pearson. Cuối cùng, nghiên cứu được thực hiện phân tích hồi quy cho mô hình, và loại bỏ biến "Văn hóa doanh nghiệp" do không phù hợp. Mô hình hồi quy cuối cùng bao gồm ba yếu tố chính ảnh hưởng đến nhận thức của người lao động về trách nhiệm xã hội: “Kế hoạch chiến lược của công ty”, “Chương trình đạo đức”, và “Giao tiếp nội bộ”.
Những kết quả thu được từ chương này sẽ làm cơ sở cho nghiên cứu trong việc thảo luận và rút ra kết luận về từng yếu tố, từ đó đưa ra các gợi ý quản trị cụ thể.
Đồng thời, chương này cũng chỉ ra những hạn chế của nghiên cứu và gợi mở hướng đi cho các nghiên cứu tiếp theo.