I. LƯỢC SỬ PHÁT TRIỂN CỦA DI TRUYỀN HỌC
2. Giai đoạn di truyền Mendel
Gregor Mendel (1822 – 1884) sử dụng cây đậu Hà Lan Pisum sativum làm đối tượng chính trong nghiên cứu di truyền. Từ năm 1856 đến 1863 ông đã trồng khoảng 37.000 cây và quan sát đặc biệt khoảng 300.000
hạt. Nhờ có phương pháp thí nghiệm độc đáo, ông đã phát hiện được các quy luật di truyền, đặt nền móng cho di truyền học hiện đại. Kết quả nghiên cứu của ông được trình bày trong tác phẩm “Các thí nghiệm lai ở thực vật” dài 44 trang, báo cáo trước Hội các nhà Tự nhiên học thành phố Brno vào ngày 8 tháng 2 và 8 tháng 3 năm 1865 và được công bố trong Kỷ yếu của Hội vào năm 1866. Mendel đã chứng minh sự di truyền các tính trạng có tính gián đoạn được chi phối bởi các nhân tố di truyền và dùng các ký hiệu số học đơn giản để biểu hiện các quy luật truyền thụ tính di truyền. Do hạn chế về tri thức của Sinh học đương thời, công trình của Mendel không được công nhận trong suốt 35 năm. Mãi đến năm 1900, khi H. de Vries (Hà Lan), E. K. Correns (Đức) và E. V. Tschermak (Áo) độc lập phát hiện lại các quy luật Mendel thì phát minh của ông mới được tiếp nhận. Năm 1900 được coi là năm khai sinh của Di truyền học và thế kỷ XX là thế kỷ phát triển của Di truyền học.
Năm 1901, H. de Vries nêu ra thuyết đột biến. Năm 1902, W. Bateson và L. Cuénot chứng minh các quy luật Mendel ở động vật. Trong khoảng thời gian này, các hiện tượng
tương tác gen cũng được phát hiện. Các quan điểm đầu tiên về sự di truyền của nhiễm sắc thể
được nêu ra. Năm 1903, T. Boveri chứng minh vai trò của nhân và W. Sutton gắn các nhân tố Mendel với nhiễm sắc thể. Đặc biệt, A. Weismann dựa trên sự suy luận đã đề xuất thuyết di truyền nhiễm sắc thể. Ông đã tiên đoán được cơ chế nguyên phân, giảm phân, vai trò của nhiễm sắc thể trong nhân tế bào; đồng thời đề ra giả thuyết thể quyết định (determinant) mang tính di truyền gián đoạn, là cơ sở cho khái niệm gen sau này.
Tên gọi môn Di truyền học (Genetics) do nhà di truyền học Anh W. Bateson nêu ra năm 1906. Năm 1909, nhà khoa học Đan Mạch W. Johannsen nêu ra
các thuật ngữ: gen (gene), kiểu gen (genotype), kiểu hình (phenotype).