Chương 1. KHÁI QUÁT VÙNG ĐẤT VÀ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ HUYỆN QUỲNH LƯU
1.2. Tổng quan về các di tích lịch sử - văn hoá ở huyện Quỳnh Lưu
1.2.2. Di tích lịch sử - văn hoá
Trong cuốn "Nghệ An di tích thắng cảnh" Hồ Hữu Thới đã viết: " di tích lịch sử là những sản phẩm của lịch sử để lại, đó là những nơi ghi dấu về sự hình thành của dân tộc, ghi dấu những sự kiện chính trị quan trọng, những chiến công
chống giặc ngoại xâm, những chứng tích tội ác của kẻ thù, nơi lưu niệm danh nhân"[37; 20]. Di tích lịch sử trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu phản ánh lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân trong huyện qua từng giai đoạn lịch sử. Qua đó, khẳng định được vị trí, vai trò của huyện Quỳnh Lưu trong lịch sử dân tộc nói chung và Nghệ An nói riêng. Di tích lịch sử được chia làm 3 loại: di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng và di tích kiến trúc nghệ thuật.
Theo tác giả Nguyễn Đăng Duy trong "Bảo tồn di tích lịch sử - văn hoá"
thì: "Được gọi là di tích lịch sử - văn hoá vì chúng được tạo ra do con người (tập thể hay cá nhân) hoạt động sáng tạo lịch sử, con người hoạt động văn hoá mà hình thành nên" [6; 20]. Di tích lịch sử - văn hoá là không gian vật chất cụ thể , khách quan trong đó chứa đựng các giá trị điển hình lịch sử, do tập thể hay cá nhân con người hoạt động sáng tạo ra lịch sử để lại [37; 7]. Theo pháp lệnh về việc bảo vệ di tích - danh thắng do Hội đồng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do chủ tịch Trường Chinh ký ngày 31/3/1984 chỉ rõ : "Di tích lịch sử - văn hoá là những công trình xây dựng, địa điểm, đồ vật, tài liệu và các tác phẩm có giá trị về lịch sử, khoa học, nghệ thuật cũng như có giá trị văn hoá khác có liên quan đến những sự kiện lịch sử, quá trình phát triển văn hoá xã hội"
[38 ;4]. Tóm lại, di tích lịch sử - văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học [32; 13]. Dựa vào các khái niệm này, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có rất nhiều di tích lịch sử - văn hoá trong đó tiêu biểu là đền, chùa, miếu, nhà thờ họ: đền Cờn, đền Vưu, đền Bình An, chùa Bảo Minh, nhà thờ họ Hồ, bia và mộ Hồ Phi Tích v.v. Những công trình này, hiện nay đã được nhà nước công nhận là những di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Di tích cách mạng là nơi lưu niệm, tưởng nhớ các nhân vật lịch sử, các anh hùng dân tộc trong các cuộc kháng chiến. Đặc biệt, di tích cách mạng gắn liền với sự ra đời và lãnh đạo của Đảng [37; 20]: đình làng Quỳnh Đôi, đình Tám Mái ở Quỳnh Thuận v.v. Đây là những cơ sở hoạt động cách mạng của nhân dân
địa phương trong thời kì 1930 - 1931, 1936 - 1939; trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ sau này. Đặc biệt, đình làng là nơi chứng kiến sự ra đời của các chi bộ Đảng đầu tiên trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu.
Di tích kiến trúc nghệ thuật là những công trình văn hoá có kiến trúc cổ, đẹp, trong đó có những nét chạm trổ, hoa văn, điêu khắc điển hình cho một thời đại.
Di tích danh thắng là những khu vực thiên nhiên có cảnh quan đẹp nổi tiếng có giá trị văn hoá do thiên nhiên sắp đặt, bài trí, bao gồm núi non, hang động, rừng cây, biển cả...làm say mê lòng người [37 ; 20]. Theo thống kê của phòng văn hoá huyện, hiện nay trong số các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn Quỳnh Lưu có đền Cờn, đền Vưu thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Ở xứ Nghệ, xưa nay nổi tiếng với 4 di tích được coi là linh thiêng nhất và đẹp nhất thì Quỳnh Lưu giữ vị trí đứng đầu là đền Cờn với tục thờ Tứ vị thánh nương:
"Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng".
Đền Cờn là một ngôi đền cổ nằm bên bờ sông Mai được nhiều du khách cả nước mến mộ không chỉ vì sự linh thiêng, đẹp mà còn bởi khá nhiều tượng cổ và đồ tế khí quý hiếm như chuông đúc bằng đồng năm Cảnh Hưng (1740), bia đá được dựng năm Cảnh Thịnh thứ 3 (1665)... Đáng chú ý là đền Cờn có một phiên đá hình chữ nhật chạm rồng cả hai mặt, thân rồng to mập không vẩy, đầu rồng có sừng... Những nét chạm khắc ấy có phong cách gần gũi với các bức chạm thời Trần. Đặc biệt, đền được xây dựng trong một cảnh quan kỳ thú, trên đền, dưới biển, sát biển liền sông, cận đường kề núi. Vì thế, đền Cờn thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật đồng thời là một danh lam thắng cảnh của đất huyện Quỳnh và của xứ Nghệ. Đó cũng là nét riêng biệt của đền Cờn với các di tích lịch sử - văn hoá còn lại trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu.
Nói về địa phân bố các di tích lịch sử - văn hoá ở huyện Quỳnh Lưu ta thấy nổi lên một số cụm di tích, như cụm di tích ở xã Quỳnh Đôi với 8 di tích: Đình làng; nhà thờ họ Hồ; nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ; nhà thờ và mộ Hồ Tùng Mậu;
nhà thờ Hoàng Khánh; nhà thờ Hồ Sĩ Dương; nhà thờ, bia và mộ Hồ Phi Tích;
nhà thờ họ Dương. Hay cụm di tích ở khu vực Hoàng Mai như: đền Cờn, đền Xuân Úc, đền Vưu, đền Xuân Hoà, đền Bình An - chùa Bảo Minh. Hầu hết các di tích lịch sử ở Quỳnh Lưu thường nằm ở những vùng đất thuận tiện về giao thông và trước đây đã có bề dày lịch sử và văn hoá. Chẳng hạn như đền Vưu ở Quỳnh Vinh cách quốc lộ 1A 2km, đền Cờn thuộc địa phận Quỳnh Phương cách quốc lộ 1A 18km, đền Quỳnh Tụ ở Quỳnh Xuân cách 1500m...Ngoài ra còn có một số di tích nằm rải rác ở các khu vực khác như đình Tám Mái (Quỳnh Thuận), đền Thượng (Quỳnh Nghĩa), đền Chính (Tiến Thuỷ), đền Cồng (Quỳnh Hưng), đền Xuân Úc ở Quỳnh Liên...
Về lịch sử hình thành của các di tích lịch sử - văn hoá ở huyện Quỳnh Lưu thì đã có bề dày hàng thế kỷ. Đáng chú ý nhất là di tích đền Cờn (Quỳnh Phương) được vua Trần Anh Tông ban sắc chỉ xây dựng vào năm 1312, được Lê Thánh Tông cho sửa sang vào năm 1471. Theo văn bia dựng ở đền thì Cảnh Trị nguyên niên (1663) dựng toà ca vũ. Năm Kỷ Sửu (1769) đời Lê Hiển Tông (1740 - 1786) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30, đền Cờn được trùng tu lớn, toà ca vũ được xây dựng lại khang trang. Một trong những ngôi đền cũng được xây dựng sớm nữa là đền Cồng ở thôn Yên Đình (Quỳnh Hưng). Đền được dựng trên rừng Cồng xưa. Đền thờ Đinh Lễ - vị tướng của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Năm 1426, tướng Đinh Lễ bao vây thành Trài (tức thành Đông Luỹ - Diễn Châu), ông đã bố trí trận phục kích giặc Minh tại đây. Dựa vào rừng cây cồng rậm rạp, quân sĩ Đinh Lễ đã mưu trí diệt được nhiều giặc. Bên cạnh đền thờ Đinh Lễ còn có đền thờ tương Đinh Liệt (anh Đinh Lễ), nhân dân gọi là đền Đệ Nhị. Đền được dựng vào năm 1471 (đời Hồng Đức - Lê Thánh Tông). Thời Lê đền có sắc phong: "Thượng thượng đẳng tối linh công thần khai quốc". Còn đa phần các di tích khác được xây dựng ở các thế kỷ 18, 19 như đền Vưu ở làng Thọ Vinh (Quỳnh Vinh) được khởi công ngày 16 tháng 12 năm Canh Thìn, Chính Hoà thứ 21 (1700) và hoàn thành ngày 30 tháng giêng năm Tân Tỵ (1701). Đền được trùng tu vào năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781). Đây là ngôi đền
thờ Lý Nhật Quang - người có công khai khẩn vùng đất này. Đền được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử vào tháng 11 năm 1992. Hay đền Quỳnh Tụ và đền Xuân Hoà ở xã Quỳnh Xuân thờ Phùng Hưng:
Hoàng triều Minh Mệnh cửa niên
Lập điện cầm quyền đổi sắc minh tân. [17 ; 550].
tức là đền được xây dựng vào năm 1828. Đền được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Hay như đền Xuân Úc ở Quỳnh Liên, đền thờ Đặng Tế, người có công trong lần đi theo Lý Thái Tông (1028 -1034) đánh Chiêm Thành.
Đầu tiên đền được làm nhỏ, đến năm 1880 đời Tự Đức đền được đại trùng tu, có thêm toà thượng và toà hạ....Đặc biệt, cư dân Quỳnh Lưu không chỉ có tín ngưỡng thờ thần mà còn thờ tổ tiên - những người có công với dân tộc. Chính vì thế, trên địa bàn huyện vừa có những ngôi đền lớn, tiêu biểu lại vừa có di tích đình làng, nhà thờ họ: nhà thờ họ Hoàng (Quỳnh Đôi), nhà thờ họ Hồ (Quỳnh Đôi), nhà thờ Hồ Sĩ Dương, nhà thờ Hồ Phi Tích (Quỳnh Đôi) thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn của các thế hệ con cháu.
Qua thời gian, phần lớn các di tích đã được xây dựng hoặc tu bổ lại hoàn toàn. Tuy vậy, những nét cổ xưa của các di tích vẫn được lưu giữ. Hiện nay, trong không khí quay về cội nguồn, tại các di tích các lễ hội cổ truyền đang từng bước phục hồi lại. Ở Quỳnh Lưu tiêu biểu như lễ hội đền Cờn được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 21 tháng giêng thu hút nhiều du khách đến dự. Để thấy rõ hơn, chúng tôi xin được trình bày một cách cụ thể về một số di tích lịch sử tiêu biểu của huyện nhà đã được xếp hạng cấp nhà nước và cấp tỉnh trong phần chương 2.
Tiểu kết chương 1
Quỳnh Lưu là một vùng đất cổ - một vùng có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời nằm trong cái nôi của văn hoá Quỳnh Văn. Nơi đây địa linh hội tụ, không những được nhiều vị vua, quan chọn làm căn cứ để chiêu dân lập ấp của vùng Châu Diễn thời trước mà còn là quê hương, là nơi chôn rau cắt rốn của rất nhiều trạng nguyên, tướng lĩnh, nhà lãnh đạo cách mạng tài ba mà tên tuổi của
họ gắn liền với sự phát triển của đất nước. Trải qua bao biến động, thăng trầm của lịch sử, đất và người nơi đây vẫn vươn lên vượt qua những khó khăn thử thách. Với những đặc điểm riêng về địa - văn hoá, trải qua các thời kỳ lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước và chống thiên tai khắc nghiệt để tồn tại, phát triển, nhân dân Quỳnh Lưu đã sáng tạo, xây đắp nên những nét riêng về cốt cách, những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc.
Chính vì thế, Quỳnh Lưu vừa là một địa bàn chiến lựơc, đồng thời là nơi sở hữu bề dày lịch sử, nền văn hoá đậm đà bản sắc và những di tích lịch sử, văn hoá quý giá trong hệ thống di tích , danh thắng của tỉnh nhà.
Là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hoá của xứ Nghệ, huyện Quỳnh Lưu chứa đựng trong lòng nó những chứng tích của lịch sử, những nét văn hoá quý báu được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Và hệ thống những di tích lịch sử - văn hoá là minh chứng hùng hồn, sinh động cho những trang sử vẻ vang của nhân dân huyện nhà. Sự ra đời của các di tích đã làm nên diện mạo của một huyện anh hùng. Trải qua bao biến cố lịch sử và sự tàn phá của thời gian, rất nhiều những di tích lịch sử đã bị tàn phá không còn giữ được nguyên trạng như xưa. Điều quan trọng là các di tích phải được trả về đúng với diện mạo vốn có của nó. Đó là tài sản quý giá cần được bảo vệ, giữ gìn và bảo tồn lâu dài. Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu vẫn còn lưu giữ và bảo tồn được một số di tích rất có giá trị về mặt lịch sử và văn hoá, trong đó có một số Đình, Đền, Chùa, Nhà thờ họ tiêu biểu đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh và quốc gia.
Chương 2